15/05/2017 11:52 GMT+7

Ông Trump tính chuyện 'đại cải tổ' nhân sự Nhà Trắng

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Giới truyền thông Mỹ cho biết ông Trump đang cân nhắc việc cải tổ đội ngũ giúp việc tại Nhà Trắng do quá mệt mỏi sau vụ sa thải giám đốc FBI.

Tổng thống Donald Trump trong một sự kiện tại Lynchburg, bang Virginia ngày 13-5 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump trong một sự kiện tại Lynchburg, bang Virginia ngày 13-5 - Ảnh: Reuters

Theo trang Vanityfair, rất nhiều tờ báo lớn của Mỹ ngày 14-5 dẫn các nguồn tin của họ cho biết tổng thống Donald Trump đang tính đến một cuộc "đại cải tổ" đội ngũ giúp việc ở Cánh Tây sau khi cảm thấy quá mệt mỏi vì họ đã không giúp ông giải quyết êm thấm dư luận về vụ sa thải ông James Comey.

Thử nghiệm cái mới?

Căn cứ theo thông tin từ rất nhiều tờ báo khác nhau, trong số những nhân vật "máu mặt" có thể bị sa thải sắp tới đây có cả chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và thư ký báo chí Sean Spicer.

Ông Chris Ruddy, tổng biên tập trang tin Newsmax, một đồng minh thân thiết lâu nay của tổng thống Trump chia sẻ quan điểm với báo Washington Post: "Kinh nghiệm của tôi với tổng thống là khi nhận thấy những sai sót, ông ấy sẽ lập tức chỉnh sửa và thử nghiệm những cái mới".

Sau một loạt sự cố, ông Trump đang đổ lỗi cho nhóm giúp việc của mình và hàng loạt tờ báo đồ rằng việc xốc lại đội ngũ ở Cánh Tây của ông Trump dường như chỉ là chuyện một sớm một chiều mà thôi.

Theo ông Mike Allen của hãng truyền thông Axios, ông Trump đang toan tính một 'cuộc cải tổ lớn" với đội ngũ nhân sự của mình.

Một nguồn tin thân cận trong đội ngũ của ông Trump tiết lộ với ông Allen rằng "Tổng thống đang rất bực bội và mệt mỏi với mọi người".

Một cuộc thanh lọc có thể xảy tới với đội ngũ nhân sự Nhà Trắng được cho là sẽ "đụng" tới cả những trợ lý cấp cao nhất. 

Theo Axios, ngay cả chánh văn phòng Nhà Trắng Priebus (người đang chật vật tìm chỗ dứng ở Cánh Tây), chiến lược gia Stephen Bannon (người có quan hệ không thân thiện gì với con rể ông Trump, Jared Kushner) và luật sư Donald McGahn cũng có thể bị đưa vào tầm ngắm.

Tiền hậu bất nhất

 

Một tuần trước chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống của ông Trump đáng lẽ sẽ là một tuần yên ắng, nhưng rốt cuộc lại trở nên ồn ào, hỗn loạn khi tin tức sa thải giám đốc FBI James Comey bung ra.

Ông Trump trên thực tế đã giữ bí mật thông tin về chuyện sa thải ngay cả với một số thành viên chủ chốt của đội ngũ giúp việc cho ông và chỉ để một vài người thân cận được biết.

Thực tế này đã khiến nhóm đảm nhiệm công tác truyền thông của Nhà Trắng lâm vào thế rối như canh hẹ.

Những người phụ trách nhóm này, thư ký báo chí Spicer và giám đốc phụ trách truyền thông Michael Dubke, đã chỉ có một giờ đồng hồ để chuẩn bị soạn ra một lời giải thích trước cơn phẫn nộ của truyền thông sau khi tin sa thải ông Comey được công bố.

Theo đó họ đã đưa ra lý giải nói rằng ông Comey bị sa thải vì đã giải quyết không đúng mức cuộc điều tra về việc sử dụng email cá nhân của cựu ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton trong thời gian làm ngoại trưởng.

Cùng với đó, thứ trưởng Bộ tư pháp Rod Rosenstein đã gửi thư đề nghị bãi nhiệm ông Comey tới tổng thống.

Tuy nhiên ngay sau lý giải ban đầu này, một loạt các thông tin mâu thuẫn và cả những rò rỉ thông tin bất lợi từ Nhà Trắng được tung ra, các giải thích của chính quyền ông Trump về việc bất ngờ sa thải ông James Comey thay đổi chóng mặt chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ sau đó.

 

Không có gì xấu hổ và mệt mỏi hơn với một phát ngôn viên khi ông sếp của anh ta có quan điểm mâu thuẫn với họ. Trong truyền thông chính trị, độ tin cậy của anh là điều tối quan trọng
Ông Alex Conant

Sự bất nhất trong cách thông tin về vụ việc của Nhà Trắng vô hình chung càng khiến dư luận thêm ngờ vực về "nghi án" cho rằng giám đốc FBI bị sa thải vì có liên quan tới cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga.

Và rồi chính ông Trump, không phải ai khác, là người đã "ra đòn quyết định" với câu chuyện về ông Comey của Nhà Trắng. 

Trả lời phỏng vấn nhà báo Lester Holt của đài NBC, ông Trump khẳng định việc sa thải ông Comey là quyết định của ông chứ không phải theo đề xuất của thứ trưởng Bộ tư pháp như trước đó thư ký báo chí Nhà Trắng nói.

 

Ông Trump khẳng định ông đã có ý định sa thải ông Comey vì thấy ông này không đủ năng lực giữ cương vị đó. Phát biểu của ông Trump đương nhiên trở thành căn cứ để truyền thông có thể buộc tội những thông báo ban đầu của Nhà Trắng là nói dối.

Câu chuyện chưa dừng ở đó khi ngày 12-5 ông Trump tiếp tục khuấy lên bão táp trong dư luận khi úp mở đe dọa ông Comey không được tiết lộ thêm thông tin gì khác về chuyện ông bị sa thải với truyền thông nếu không muốn bị phanh phui những đoạn băng ghi âm các lần trao đổi của họ.

Những động thái của tổng thống Trump, theo quan sát của ông Alex Conant, một chiến lược gia đảng Cộng hòa kiêm cựu cố vấn cho thượng nghị sĩ Marco Rubio, đang đặt lên vai những người phát ngôn cho ông quá nhiều gánh nặng.

 

 

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên