27/01/2019 11:10 GMT+7

Ông Trump tạm nhượng bộ phe Dân chủ

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng chịu thông qua một dự luật chi tiêu ngắn hạn không bao gồm 5,7 tỉ USD kinh phí xây bức tường biên giới, để mở cửa lại chính phủ trong ba tuần.

Ông Trump tạm nhượng bộ phe Dân chủ - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tươi cười sau khi Quốc hội thông qua luật để mở cửa lại chính phủ - Ảnh: Reuters

Nhà Trắng ngày 26-1, giờ Việt Nam, thông báo rằng ông Trump đã đặt bút ký thông qua dự luật tạm thời chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị, dẫn đến lần đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận ngắn hạn trên sau khi ông Trump gật đầu đồng ý với giải pháp tài trợ tạm thời, cho phép nhân viên liên bang quay lại làm việc. 

"Trong 21 ngày tới, tôi hi vọng cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ hoạt động với sự thiện chí" - ông Trump nói.

Tiếp tục tranh luận về bức tường

Sau nhiều tuần đối đầu, Đảng Dân chủ cuối cùng đã buộc ông Trump ký một thỏa thuận để mở cửa lại chính phủ, trước khi tiến hành một cuộc tranh luận về việc tài trợ bức tường.

Ngay lập tức, Đảng Dân chủ đã tuyên bố chiến thắng. "Chúng tôi tại Quốc hội sẽ bắt tay vào việc cố gắng tìm một số thỏa thuận về an ninh biên giới" - Reuters dẫn lời lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết.

"Chúng tôi không đồng ý một số chi tiết cụ thể của an ninh biên giới. Đảng Dân chủ kiên quyết chống lại bức tường. Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý về nhiều thứ như công nghệ kiểm tra ma túy, hỗ trợ nhân đạo, tăng cường an ninh tại các cửa khẩu nhập cảnh của chúng tôi. Điều đó báo hiệu tốt cho việc tìm kiếm một thỏa thuận cuối cùng" - ông Schumer khẳng định.

Tuy nhiên, phần khó khăn nhất chỉ mới bắt đầu. Tổng thống Mỹ khẳng định ông không nhượng bộ về vấn đề bức tường biên giới với Mexico, cho biết sau khi chính phủ mở cửa lại, ông vẫn tiếp tục cứng rắn để tìm cách giải quyết vấn đề an ninh biên giới. 

Tôi không thể đảm bảo bất cứ điều gì tổng thống sẽ làm, nhưng tôi thấy lạc quan.

Bà Pelosi trả lời khi được hỏi liệu chính phủ có đóng cửa trở lại sau ba tuần nữa.

Theo giới quan sát, ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép lên các nghị sĩ Cộng hòa để giành lấy ngân sách cho bức tường, có thể nhượng bộ về tăng ngân sách an ninh biên giới và cải tổ luật nhập cư.

"Chúng tôi thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng một bức tường hoặc hàng rào thép vững chắc. Nếu chúng tôi không nhận được một thỏa thuận công bằng từ Quốc hội, chính phủ sẽ đóng cửa lần nữa vào ngày 15-2 hoặc tôi sẽ sử dụng quyền lực theo luật pháp và hiến pháp Mỹ để giải quyết tình trạng khẩn cấp này" - ông Trump tuyên bố.

Tổn thất không thể bù đắp

Chưa rõ đây là chiến thuật tạm thời nhượng bộ của ông Trump hay thực sự là chiến thắng thuyết phục của chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhưng tình trạng đóng cửa chính phủ một phần 35 ngày qua đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề. 

Trong số 800.000 nhân viên bị sa thải hoặc bị buộc làm việc không lương, nhiều người phải xin trợ cấp thất nghiệp và các trợ cấp, trong khi nhiều người khác bắt đầu tìm việc làm mới. Nhiều nhân viên liên bang đã phải tính đến việc bán tài sản của mình, nhiều người vỡ nợ trong các khoản vay và buộc phải thế chấp tài sản để đủ tiền chi trả cho các hóa đơn điện nước, thuốc men và thực phẩm.

Tin tức về việc mở cửa chính phủ đến trong một ngày hỗn loạn tại các sân bay ở bờ Đông nước Mỹ, khi hàng trăm chuyến bay bị hoãn hoặc nằm đất tại khu vực New York và Philadelphia bởi các nhân viên kiểm soát không lưu gọi điện xin "nghỉ ốm" vì bị buộc làm việc không lương trong nhiều tuần qua. Báo Washington Post ngày 25-1 đưa tin ít nhất 14.000 nhân viên Sở Thuế vụ bị triệu hồi đi làm việc trước khi bắt đầu mùa thuế vào tuần tới đã không xuất hiện.

Cuộc thăm dò mới nhất của Washington Post - ABC ngày 25-1 cho thấy 53% người tham gia khảo sát cho rằng ông Trump và Đảng Cộng hòa phải chịu trách nhiệm vì đã để chính phủ đóng cửa trong nhiều ngày qua, so với 34% người đổ lỗi cho Đảng Dân chủ. 

Chủ tịch và giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Tom Donohue nhận định: "Nhân viên liên bang dự kiến sẽ nhận lại tiền, nhưng đối với những người khác thì số tiền họ mất sẽ là mất mãi mãi. Không có gì có thể bù đắp sự mất mát của họ, không có hành động nào của Quốc hội sẽ giúp vực dậy doanh nghiệp của họ".

Người đứng đầu bộ phận kinh tế của S&P Mỹ là bà Beth Ann Bovino ước tính việc đóng cửa đã tiêu tốn 1,2 tỉ USD trong tăng trưởng sản phẩm quốc nội hằng tuần và gây tổng thiệt hại 6 tỉ USD cho nền kinh tế, tức nhiều hơn 5,7 tỉ USD mà Nhà Trắng yêu cầu để xây tường.
Ông Trump muốn "bức tường" nhưng sẽ được "hàng rào"? Ông Trump muốn 'bức tường' nhưng sẽ được 'hàng rào'?

TTO - Trong khi các cố vấn gợi ý thay đổi vật liệu xây dựng từ bêtông sang thép để phá thế bế tắc ngân sách với phe Dân chủ, ông Trump nhất quyết "phải xây BỨC TƯỜNG" cho dù nó làm từ thép cũng được.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên