14/07/2018 12:15 GMT+7

Ông Trump “ném bom” NATO

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Hai ngày dự họp của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kết thúc trong hoài nghi cho các đồng minh.

Ông Trump “ném bom” NATO - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh NATO - Ảnh: REUTERS

Truyền thông Anh và Mỹ cho biết ông Trump đang đối mặt với đợt biểu tình phản đối, khi ông đặt chân đến Anh ngày 13-7. Đây là sự kiện diễn ra ngay sau hai ngày họp cùng quan chức NATO và lãnh đạo các thành viên khối quân sự này tại Brussels. Tổng thống Mỹ, bằng một cuộc phỏng vấn chỉ trích thẳng thừng Thủ tướng chủ nhà Theresa May trên The Sun, tiếp tục cho thấy lập trường cứng rắn của ông đối với các đồng minh.

Không khoan nhượng

Đúng như những gì được dự báo từ trước chuyến đi Brussels, ông Trump đã chỉ ra đầy đủ những vấn đề hục hặc với các thành viên NATO trong chương trình làm việc.

Quả thực tổng thống Mỹ đúng là đã ném những "quả bom" cho đồng minh của mình. Đầu tiên là việc khẳng định chắc nịch ý muốn của Mỹ về việc kêu gọi các nước NATO phải thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng. Hiện nay, NATO cam kết chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng nước cho quốc phòng và kỳ hạn tới năm 2024 sẽ hoàn tất con số ấy.

Nhưng theo số liệu mới nhất của NATO, chỉ có 5/29 thành viên đáp ứng hoặc vượt mức chi tiêu trên bao gồm: Mỹ (3,6% GDP), Hi Lạp (2,2%), Estonia (2,14%), Anh (2,1%) và Ba Lan (2%). Hai nền kinh tế lớn và được xem là đầu tàu của NATO cũng như Liên minh châu Âu (EU) là Pháp (1,8%) và Đức (1,2%) đều chưa đáp ứng.

Ngay trước bữa ăn tối cùng lãnh đạo các thành viên NATO, ông Trump lại lên Twitter viết tiếp: "Có gì tốt đẹp cho NATO nếu Đức đang trả hàng tỉ đôla tiền dầu khí và năng lượng cho Nga? Tại sao chỉ 5/29 thành viên đã đáp ứng cam kết vậy? Mỹ đang trả tiền bảo vệ châu Âu, rồi tốn hàng tỉ đôla vì thương mại. Phải trả 2% GDP ngay lập tức, chứ không đợi tới năm 2025".

Ông Trump trong ngày 11-7 cũng đã đề cập tới việc Đức tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt với Nga. Vì điều đó, tổng thống Mỹ khẳng định Đức đã "giúp" Nga ảnh hưởng lớn hơn lên châu Âu và chính Berlin, cụ thể là lời cáo buộc Đức đang bị Nga "khống chế, giam hãm".

Gây sức ép

Tiền bạc rõ ràng là trọng tâm trong chuyến làm việc hai ngày (11 và 12-7) của ông Trump với NATO. Nhưng tại sao tổng thống Mỹ lại thể hiện lập trường cứng rắn tới mức ấy, trong khi bản thân Mỹ cũng cần NATO?

Trước hết, Mỹ đang nắm những con bài tẩy trong tay và dùng nó làm điểm tựa để đàm phán với NATO. Tạp chí Politico dẫn lời ông Doug Lute, cựu quan chức quân đội và đại sứ Mỹ tại NATO, khẳng định Mỹ đang dùng Nga để tạo sức ép lên đồng minh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Đại sứ Mỹ phụ trách NATO, bà Kay Bailey Hutchison, nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng 2% mà mọi người cam kết nỗ lực không chỉ là một con số đặt ra cho có. Chúng ta đều phải nhớ rằng chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa chính từ Nga, như tôi đã nói. Và chắc chắn chúng ta cũng thấy một Trung Quốc đang nổi lên...".

Trên thực tế tại Brussels, ông Trump thậm chí còn khẳng định các đồng minh NATO đã chấp thuận việc tăng... gấp đôi chi tiêu quốc phòng, từ 2% lên 4% GDP. Ý kiến này bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bác bỏ sau đó, khẳng định không có loại nhất trí như vậy.

Đài CNN ngày 13-7 có bài phân tích cho rằng động cơ chính của ông Trump một phần sẽ là... trục lợi cho Mỹ. Theo đó, việc yêu cầu chi mạnh cho quốc phòng hơn đồng nghĩa các thành viên NATO khác phải mua vũ khí của Mỹ nhiều hơn, tạo ra công ăn việc làm cho Mỹ nhiều hơn. Song song đó, chỉ trích nhằm vào dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Đức chẳng khác nào yêu cầu Đức ít làm ăn với Nga, thay vào đó sẽ phải nhập khẩu năng lượng từ Mỹ nhiều hơn.

Đó có lẽ là lý do cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin được xếp lịch ngay sau chuyến đi NATO và Anh. Khi được hỏi về ý định rút bớt sự hiện diện của Mỹ tại châu Âu, thậm chí rút khỏi NATO như lời ông Trump đe dọa, đại sứ Hutchison chỉ nói: "Không có gì được đề cập về việc bố trí quân sự ở Đức hay bất kỳ điều gì khác thay đổi trong lực lượng 32.000 lính Mỹ đang có mặt ở Đức cả".

NATO hiện có 29 thành viên. Ngoài Mỹ, số thành viên còn lại gồm: Albania, Bỉ, Bulgaria, Canada, Croatia, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hi Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Montenegro, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.

Ông Trump ca ngợi chiến thắng trước các đồng minh NATO Ông Trump ca ngợi chiến thắng trước các đồng minh NATO

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi chiến thắng của cá nhân ông tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 12-7, nói rằng các đồng minh trong khối sẽ tăng cam kết chi tiêu quốc phòng.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên