Chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng lá bài thuế quan để điều hướng ngoại giao phức tạp và củng cố chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Ông Trump dọa phạt, Colombia liền đưa máy bay đến Mỹ nhận người bị trục xuất - Nguồn: AFP
Điều đáng ngạc nhiên là quốc gia đầu tiên mà ông nhắm tới không phải Trung Quốc, Mexico hay Canada - những mục tiêu thường xuyên của ông - mà là Colombia, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Nam Mỹ.
"Rung cây dọa khỉ"?
Colombia, nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực Mỹ Latin, đã lọt vào tầm ngắm của ông Trump sau khi nước này nói không với hai máy bay quân sự chở những người nhập cư bị Mỹ trục xuất.
Tổng thống Colombia Gustavo Petro, một người thuộc cánh tả, tuyên bố ông sẽ chỉ đón công dân trở về "một cách đàng hoàng" trên máy bay dân sự. Trước đó, theo nhiều nguồn tin của Reuters, Mexico cũng từ chối máy bay quân sự Mỹ chở người bị trục xuất.
Dường như chỉ chờ có vậy, Tổng thống Trump đã quyết định lấy Colombia làm ví dụ. Ông đáp trả bằng cách đe dọa sẽ áp dụng thuế quan 25%, sau đó nhanh chóng tăng lên 50% với hàng hóa nhập khẩu Colombia.
Ngoài các biện pháp kinh tế, ông Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại và "hủy bỏ thị thực ngay lập tức" đối với các quan chức Chính phủ Colombia.
Sự phản kháng của Colombia là có, khi Tổng thống Petro cam đoan quốc gia này sẽ áp thuế quan đối với các sản phẩm Mỹ. Thế nhưng đến cuối ngày 26-1, sau một ngày đầy biến động, ông đã lùi bước.
Trong một cuộc họp báo gần cuối ngày 26-1, Ngoại trưởng Colombia Luis Gilberto Murillo thông báo sự bế tắc đã được khơi thông và Colombia sẽ đón những công dân bị trục xuất từ Mỹ.
Thông điệp của ông Trump gửi đến thế giới
Kể từ khi trở lại nhiệm sở, ông Trump đã cho thấy đang ưu tiên giải quyết vấn đề nhập cư hơn các biện pháp thương mại. Nhưng qua vụ việc với Colombia, người ta hiểu rằng không có ranh giới rõ ràng giữa hai vấn đề này dưới thời chính quyền Trump.
Cách ông Trump hành xử với Colombia dường như đang cảnh báo các đồng minh và đối thủ của mình rằng nếu họ không hợp tác với chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết", hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Sau khi Colombia đồng ý chấp nhận không hạn chế "tất cả người nước ngoài bất hợp pháp", Nhà Trắng lập tức hoan nghênh và nhấn mạnh "những diễn biến ngày hôm nay đã cho thế giới thấy rõ nước Mỹ lại được tôn trọng".
"Tổng thống Trump sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách quyết liệt và ông ấy hy vọng tất cả các quốc gia khác trên thế giới sẽ hợp tác đầy đủ trong việc tiếp nhận những người bị trục xuất vì đã nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ", Nhà Trắng nói thêm.
Ngay cả sau khi lùi bước, Tổng thống Colombia vẫn cố gắng giữ thể diện khi tuyên bố ông Trump sẽ "xóa sổ loài người vì lòng tham" và cáo buộc Tổng thống Mỹ coi người Colombia là "chủng tộc thấp kém".
Colombia cũng có một đòn bẩy trong đàm phán với Mỹ, đó là Darien Gap - một khu vực nằm giữa Colombia và Panama. Mỗi năm, có hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đi qua đây để vượt biên vào Mỹ.
Rõ ràng trong trường hợp lần này, Darien Gap đã không phát huy tác dụng nhưng về lâu dài, Colombia tin rằng họ có thể đương đầu với Mỹ và lấy khu vực này làm đòn bẩy.
"Từ hôm nay trở đi, Colombia sẽ mở cửa chào đón toàn thế giới, với vòng tay rộng mở", ông Petro nói, ám chỉ việc sẽ có nhiều người di cư không có giấy tờ hơn đổ về đây và từ đó đến Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chắc chắn sẽ khiến chính quyền Trump khó hợp tác hơn với Colombia để ngăn chặn dòng người di cư, trừ khi nó quá khắc nghiệt đến mức quốc gia Nam Mỹ phải "đầu hàng".
Nếu ông Trump tiếp tục sử dụng thuế quan như một đòn bẩy và thực sự thực thi chúng, người tiêu dùng Mỹ sẽ là những người cuối cùng cảm nhận rõ nhất hậu quả khi giá cả tăng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận