03/07/2017 14:03 GMT+7

Ông Trump đang làm nước Mỹ yếu đi

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Cây bút Richard Wolffe của báo Guardian cảnh báo các hoạt động, chính sách của tổng thống Donald Trump đang khiến nước Mỹ suy yếu đi. 

Sự tin tưởng vào nước Mỹ giảm mạnh sau khi ông Trump lên làm tổng thống - Ảnh: Reuters
Sự tin tưởng của thế giới vào nước Mỹ giảm mạnh sau khi ông Trump (thứ ba từ trái sang) lên làm tổng thống - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ nói chuyện cứng rắn nhưng dễ ghét. Ông ấy ra sức khẳng định vị thế lãnh đạo của Mỹ nhưng càng làm vậy thì ông ấy càng không giống một nhà lãnh đạo, cây bút Richard Wolffe viết.

Màn thể hiện trước các đồng minh trong chuyến công du đầu tiên của ông Trump không mấy ấn tượng. Truyền thông ghi lại hình ảnh ông lê bước mệt mỏi bên cạnh các lãnh đạo G7 ở Sicily của Ý hay việc ông đẩy thủ tướng một nước châu Âu để lên đứng đầu. Trên bàn hội nghị, tổng thống Mỹ bị cô lập vì vấn đề Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris.

Trong tuần này, ông Trump sẽ có mặt tại thành phố Hamburg của Đức để dự hội nghị thượng đỉnh G20 và tình hình cũng không mấy khá hơn. “Người biểu tình Đức có lẽ là nhóm duy nhất mong chờ ông Trump đến” - ông Wolffe viết mỉa mai.

Sự suy yếu của nước Mỹ thể hiện rõ trong các khảo sát toàn cầu. Khảo sát mới nhất của Pew Research Center công bố hôm 26-6 thực hiện trên 40.000 người tại 37 quốc gia cho thấy chỉ 22% tin tưởng dành cho tân tổng thống Mỹ, thấp thảm hại so với người tiền nhiệm Barack Obama với 64%, trong khi suy nghĩ tích cực về nước Mỹ cũng giảm còn 49%. Sự lo ngại thể hiện rõ ở các nước châu Âu và các đồng minh của Washington như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Vấn đề chính nằm ở chính sách đối ngoại của ông Trump, chẳng hạn việc góp phần dẫn đến tình huống bế tắc giữa bốn nước Ả-rập vùng Vịnh và Qatar - nước bị cáo buộc ủng hộ khủng bố. “Quan điểm của ông Trump chẳng màng đến số phận căn cứ của Mỹ ở Qatar, trung tâm của các chiến dịch trên không tại Syria, Iraq, Yemen và Afghanistan” - ông Wolffe nhận định.

Ông Trump muốn thể hiện sức mạnh ở Trung Đông. Trên hết, tổng thống Mỹ muốn thúc đẩy các đồng minh châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng và hướng NATO theo hướng chống khủng bố.

Điều đó không có gì lạ nhưng điều khiến giới quan sát khó hiểu là hành động kỳ quặc nhà lãnh đạo Mỹ. Tại trụ sở mới của NATO ở Brussels, ông từ chối ủng hộ điều năm trong hiến chương NATO và đợi sau hàng loạt chỉ trích mới tuyên bố tán thành các nguyên tắc phòng thủ tập thể vài ngày sau đó.

“Kết quả của màn vỗ ngực này đem lại hiệu ứng trái ngược hoàn toàn. Thay vì thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ, ông Trump để lại khoảng trống ở châu Âu cho liên minh Đức-Pháp nổi lên thay thế. Trong khi đó, đồng minh thân cận với Mỹ là Anh đang loay hoay với Brexit", ông Wolffe viết.

Kinh tế có lẽ là điều hiếm hoi tổng thông Mỹ không bị chỉ trích với sự tăng điểm ấn tượng của chỉ số chứng khoán và tỉ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp Mỹ chưa thể yên tâm. “Những người làm ăn bình thường sẽ thấy thoải mái hơn với George W. Bush hay George HW. Bush” - ông Mark Bloomfield, chủ tịch Hội đồng hình thành vốn Mỹ, nhận định.

Theo cây bút Anh, tổng thống Bill Clinton cũng từng có năm đầu tiên rất lận đận nhưng đã thay đổi để giành nhiệm kỳ thứ hai với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Còn ông Trump đến nay vẫn đang chìm ngập trong bê bối, điều tra.

Tổng thống George W Bush từng bị chỉ trích vì đe dọa hòa bình quốc tế hay tổng thống Reagan cũng bị châu Âu coi nhẹ.

Nhưng chưa có tổng thống nào tuột dốc nhanh và sâu như ông Trump và khoảng cách giữa lời nói và hành động của ông là “liên lục địa”, ông Wolffe so sánh.

“Sáu tháng đầu tiên không phải là điềm báo tốt lành cho ông Trump và nước Mỹ. Nếu ý tưởng của ông Trump là một nước Mỹ mạnh mẽ hơn thì ông ấy nên lo lắng về bạn bè của mình hơn là những kẻ thù ở nước ngoài” - nhà báo Anh bình luận.

Ông Trump đẩy thủ tướng Montenegro tại trụ sở NATO ở Brussels

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên