13/02/2017 11:16 GMT+7

Ông Trump công kích hệ thống tòa án  

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Phán quyết của tòa và phản ứng của các thành viên Cộng hòa cho thấy những giới hạn ngày một lớn cho phong cách lãnh đạo phi truyền thống của tân tổng thống Mỹ sau ba tuần nhậm chức.

Biểu tình phản đối chính sách nhập cư của ông Trump và những cuộc khám xét bắt người nhập cư bất hợp pháp ở New York ngày 11-2 - Ảnh: Reuters
Biểu tình phản đối chính sách nhập cư của ông Trump và những cuộc khám xét bắt người nhập cư bất hợp pháp ở New York ngày 11-2 - Ảnh: Reuters

“Hệ thống pháp lý của chúng ta đã hỏng. 77% người tị nạn đã được phép vào Mỹ kể từ khi lệnh cấm nhập cảnh bị đình hoãn là người từ 7 quốc gia đáng ngờ. Thật nguy hiểm!”.

Đó là dòng tweet mới viết ngày 11-2 của Tổng thống Donald Trump, trong đó ông viết hoa các chữ cuối cùng “Thật nguy hiểm” như một cách cảnh báo với người dân rằng những gì hệ thống luật pháp của Mỹ đang làm chống lại sắc lệnh của ông là một kiểu làm vô trách nhiệm, đe dọa an nguy cho nước Mỹ.

Có vẻ cuộc đối đầu của tổng thống Mỹ với hệ thống pháp lý của nước này sẽ còn xảy ra dài dài khi tổng thống cùng đội ngũ của ông thường đưa ra những quyết sách quyết liệt, đụng chạm đến thói quen lâu nay và cả quyền lợi của một số người.

Ngay sau phán quyết của tòa phúc thẩm khu vực 9 hôm 9-2 ủng hộ quyết định của tòa cấp dưới về việc đình chỉ sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia Hồi giáo, ông Donald Trump đã thề sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý và tự tin giành chiến thắng. Ông cũng tuyên bố sẽ ra một sắc lệnh mới toanh về nhập cư trong tuần sau.

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, từ trước khi ông Trump nhậm chức, các luật sư làm việc cho thống đốc (bên Đảng Dân chủ) của bang Washington Jay Inslee và tổng công tố Mỹ đã lên chiến lược nhằm ngăn chặn các chính sách của chính quyền mới.

Ngay sau khi tân tổng thống công bố sắc lệnh kiểm soát nhập cư gây tranh cãi, các công tố viên toàn quốc đã quyết định làm “ngập lụt” các tòa án Mỹ bằng các đơn kiện với hi vọng ngăn chặn được sắc lệnh này.

Tổng công tố Lori Swanson của bang Minnesota tham gia đơn kiện ở Washington, tổng công tố Eric Schneiderman của New York tham gia đơn kiện của Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ ở Brooklyn, trong khi tổng công tố Maura Healey của Massachusetts tham gia ở Boston... Chỉ có vụ kiện ở Washington giành chiến thắng.

“Đó là 72 giờ căng thẳng trong văn phòng của tôi. Mọi người làm việc liên tục để nộp lên đơn kiện” - tổng công tố Bob Ferguson của Washington nhớ lại.

Ăn mừng sau phán quyết của tòa phúc thẩm hôm 9-2, thống đốc Inslee nói rằng ông không hề ngạc nhiên. “Tổng thống đã không thèm nhấc ngón tay để đưa ra chứng cứ vì ông ấy tin rằng mình có thể thắng vụ này bằng những câu tweet” - ông Inslee mỉa mai về cách làm việc của ông Trump.

Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly cũng thừa nhận sai lầm khi nói rằng “đáng lẽ ra tôi nên hoãn sắc lệnh lại một chút, hoặc tôi nên nói chuyện trước với các thành viên quốc hội”.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump cũng cho biết đã đặt thêm các biện pháp kiểm soát mới nhằm kiểm tra kỹ lưỡng các sắc lệnh trước khi ban hành. “Đó là một kinh nghiệm suýt chết. Mọi người sẽ phải suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động” - quan chức này nói.

Tuần thứ ba cũng cho thấy ngày một nhiều thành viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ xa lánh ông Trump. Theo Wall Street Journal, xu hướng này xuất hiện mạnh mẽ sau khi tổng thống Mỹ nói về vấn đề cải tổ thuế và hoãn việc thay thế đạo luật y tế Obamacare khiến nhiều chính trị gia bất ngờ.

“Nếu họ muốn kéo dài vụ này (Obamacare), tôi tin rằng có đủ thành viên hạ viện để gửi lên đạo luật và tổng thống sẽ quyết định có ký nó thành luật hay không” - nghị sĩ Mark Walker nói.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên