08/02/2017 09:11 GMT+7

Tòa chưa ra phán quyết về lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sáng 8-2 (giờ Việt Nam) phiên điều trần tại Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 về lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump đã kết thúc nhưng chưa có phán quyết lập tức.

Một người phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump đứng bên ngoài Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 ở thành phố San Francisco, California ngày 7-2 (giờ Mỹ) - Ảnh: Reuters

Chủ trì phiên điều trần lần này là ba thẩm phán Richard R. Clifton, William Canby và Michelle T. Friedland của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9. 

Kết thúc phiên tranh luận trực tiếp qua điện thoại kéo dài hơn 1 giờ, thay mặt Tòa phúc thẩm khu vực 9, thẩm phán Friedland tuyên bố tòa sẽ ra phán quyết cuối cùng về sự vụ lần này trong thời gian "sớm nhất có thể".

Cuộc điều trần là sự đối đầu giữa hai bên: một bên là Bộ Tư pháp Mỹ ủng hộ sắc lệnh cấm nhập cảnh (đối với công dân 7 quốc gia có dân Hồi giáo chiếm đa số) được Tổng thống Donald Trump ký ngày 27-1; bên còn lại là hai bang Washington và Minnesota bảo vệ phán quyết đình chỉ lệnh cấm nhập cảnh được thẩm phán liên bang James Robart tuyên ngày 3-2 và có hiệu lực trên toàn quốc.

Phán quyết của Robart "quá rộng"

Trọng tâm của cuộc buổi điều trần chiều 7-2 (giờ Mỹ) xoay quanh quyết định của thẩm phán Robart và cơ sở để chính quyền Trump đưa ra lệnh cấm nhập cảnh.

Ông August E. Flentje, luật sư từ Bộ Tư pháp và là đại diện cho chính phủ Mỹ trong vụ việc, cho rằng lệnh của thẩm phán Robart là "quá rộng" khi nó được áp dụng trên toàn nước Mỹ.

"Nó quá rộng... Nó không nên bao gồm những người chưa từng đặt chân đến Mỹ", luật sư Flentje biện hộ.

Đại diện của chính quyền Trump tranh luận rằng lẽ ra lệnh đình chỉ của thẩm phán Robart chỉ nên áp dụng đối với công dân của 7 quốc gia trong danh sách cấm đã từng đến Mỹ, sinh sống ở Mỹ nhưng bị kẹt ở nước ngoài bởi sắc lệnh của Tổng thống, cũng như những trường hợp chỉ đang sống ở bang Washington.

"Rõ ràng là Quốc hội đã ủy quyền để Tổng thống có thể ngăn chặn một số trường hợp người nước ngoài đến Mỹ và đó là tất cả những gì Tổng thống đã làm", luật sư Flentje giải thích.

Lập luận của luật sư Flentje dựa trên việc Tổng thống có quyền ký sắc lệnh hành pháp tương đương đạo luật được Quốc hội thông qua và nhấn mạnh, sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump là phù hợp với Hiến pháp Mỹ, với thẩm quyền của một Tổng thống Mỹ.

Các thẩm phán sau đó đã chất vấn đại diện của chính phủ rằng họ đã dựa vào chứng cứ nào để đưa 7 quốc gia là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen vào danh sách đen.

"Các thủ tục đã được xúc tiến rất nhanh", luật sư Flentje nói mà không đưa ra bất kỳ ví dụ cụ thể nào, theo Reuters. Ông cho rằng danh sách này xuất xứ từ việc cả Quốc hội và chính phủ Mỹ đã xác định rằng 7 nước này có nguy cơ khủng bố cao nhất và từng đưa ra yêu cầu siết chặt thị thực đối với những nước này.

Lệnh cấm nhập cảnh phải bị đình chỉ

Cố vấn pháp luật bang Washington, ông Noah Purcell bắt đầu màn tranh luận bằng việc kêu gọi Tòa phúc thẩm phục vụ "như một cơ chế kiểm tra về sự lạm quyền" và "nhìn vào động cơ đằng sau" của sắc lệnh ngày 27-1.

Ông Purcell lập luận rằng chính phủ đã không chứng minh được "những thiệt hại không thể bù đắp được" từ việc duy trì lệnh hạn chế tạm thời (TRO) ngày 3-2 của thẩm phán Robart, trong khi những thiệt hại từ việc tiếp tục lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump là rất rõ ràng.

"Các gia đình bị chia cắt. Những người có thẻ xanh không thể ra nước ngoài. Nguồn thu thuế sụt giảm", ông Purcell lập luận.

Đi xa hơn nữa, cố vấn pháp luật bang Washington cho rằng lệnh cấm nhập cảnh đã mang sẵn tư tưởng phân biệt đối xử tôn giáo khi nhắm tới 7 quốc gia nói trên, đồng thời khẳng định chính quyền bang Washington không cần phải chứng minh là lệnh cấm đã ảnh hưởng tới từng người theo đạo Hồi cụ thể.

Ông Purcell cũng khẳng định phạm vi áp dụng của TRO của thẩm phán Robart là không quá rộng và việc xem xét sắc lệnh của Tổng thống nằm trong thẩm quyền của thẩm phán liên bang.

Trước đó, đại diện của chính phủ có nhắc đến việc có thể chấp nhận khả năng lệnh cấm nhập cảnh được tái khởi động nhưng sẽ được áp dụng với phạm vi hẹp hơn. Vấn đề này đã bị ông Purcell đưa ra trong phần tranh luận của mình và chất vấn ý của chính phủ là gì khi nói điều này.

Lập luận của ông Purcell rằng lệnh cấm nhập cảnh mang tư tưởng bài Hồi giáo sau đó đã bị thẩm phán Richard Clifton chất vấn: tại sao nó bị xem là chống Hồi giáo nếu chỉ nhắm vào và ảnh hưởng tới một tập hợp nhỏ của những người theo đạo Hồi.

"Bảy nước này chỉ chiếm phần trăm nhỏ trong số (những nước theo) Hồi giáo", ông Clifton giải thích.

Sau phiên điều trần tại tòa, tờ Los Angeles Times nhận định nhiều khả năng Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 sẽ chọn một giải pháp mang tính thỏa hiệp là ra phán quyết ngăn chặn một phần sắc lệnh của ông Trump chứ không phải lật lại toàn bộ nó.

Một phán quyết đình chỉ toàn bộ sắc lệnh này có thể đẩy sự việc lên Tòa án tối cao, vốn đang khuyết một ghế thẩm phán.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên