09/02/2018 16:22 GMT+7

Ông 'Tâm xe điện' và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Không chỉ trình làng chiếc ôtô chạy bằng động cơ điện lăn bánh êm ru trên đường, ông Tâm còn ấp ủ kế hoạch chế tạo những phiên bản khác có thể “lội phà phà” trên những con đường nước ngập sâu nửa mét.

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 1.

Ông Tâm kiểm tra thông số chiếc xe điện do mình chế tạo - Ảnh: HỮU KHOA

Tui lên mạng coi thấy ở Việt Nam mình chưa ai chế tạo ôtô chạy điện. Tui quả quyết là người nước ngoài họ làm được thì người Việt cũng làm được

Ông TRẦN MINH TÂM

Mấy ngày qua, ông Trần Minh Tâm, chủ một tiệm bán xe đạp điện ở thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM bỗng trở nên nổi tiếng khắp vùng với biệt danh "Tâm xe điện" khi công bố chế tạo thành công chiếc ôtô 5 chỗ ngồi chạy bằng điện với vận tốc tối đa 50km/h. 

Điều đặc biệt ở chỗ, chiếc ôtô điện "nhìn như thật" này được chế tạo hoàn toàn thủ công mà không qua một dây chuyền công nghệ nào.

Nghĩ được là làm được!

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình đã có cả đội xe chở khách nên ông Tâm có niềm đam mê xe đến kỳ lạ. 

Ông Tâm tự nhận mình chỉ học tới lớp 9 nhưng khoe từng làm lơ xe rồi thành tài xế, nhờ vậy rất am hiểu về xe. Về sau, khi thôi kinh doanh vận tải, ông chuyển sang mua bán xe đạp điện và bắt tay chế tạo những chiếc xe chạy bằng động cơ điện, từ hai bánh, ba bánh cho tới bốn bánh.

Trên vách tiệm của ông treo chi chít hình ảnh những chiếc xe ông tự chế trong hơn chục năm "chơi với điện". 

Trong đó, có một chiếc xe điện 3 bánh 3 chỗ ngồi có mui che nắng chạy bằng ắcquy từng đoạt giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM năm 2007 do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP tổ chức.

"Sau thành công đó, tui nhờ một người bạn biết đường đi nước bước làm thủ tục xin phép sản xuất hàng loạt với hi vọng nó thay thế cho xe xích lô, nhưng không được. Mấy cơ quan mà bạn tui nộp hồ sơ chỗ thì nói 'nó mới quá Việt Nam chưa ai làm', chỗ thì trả lời 'nước ngoài có rồi thì nhập đi, chế tạo làm chi" - ông Tâm kể. 

Chiếc xe được trao giải ba ấy và một chiếc xe khác giờ đang nằm rệu rã ở góc sân sau nhà.

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 3.

Không xin được phép sản xuất hàng loạt, chiếc xe điện 3 bánh chạy bằng ắcquy từng đoạt giải đành xếp xó - Ảnh: N.TRIỀU

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 4.

Chứng nhận giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM 2007 - Ảnh: N.TRIỀU

Không cụt hứng, ông Tâm vẫn lặng lẽ mày mò chế tạo những chiếc xe khác theo "đề bài" mà khách đặt ra. 

Người già muốn có chiếc xe chạy trong vườn để chơi với con cháu, người khuyết tật cần tự di chuyển an toàn trong xóm, người thì muốn chiếc xe phải đẹp, người thì yêu cầu xe phải gọn… ông đều đáp ứng được. 

Ông Tâm khẳng định: "Mấy dạng xe này phục vụ nhu cầu cá nhân tối thiểu của từng người và không bắt buộc thủ tục gì. Mình làm vì đam mê sáng tạo là chính. Cái khó là ở chỗ ý tưởng như thế nào, chỉ cần nghĩ được là làm được"!

Và ý nghĩ chế tạo chiếc ôtô chạy điện nảy ra đời năm 2015 khi ông xem một bản tin trên truyền hình nói rằng một số nước châu Âu đang tính tới việc hạn chế dần lượng xe chạy bằng xăng, dầu và thay bằng xe điện để bảo vệ môi trường. 

"Tui lên mạng coi thấy ở Việt Nam mình chưa ai chế tạo ôtô chạy điện. Tui quả quyết là người nước ngoài họ làm được thì người Việt cũng làm được. Thế là tui bắt tay làm luôn" - ông Tâm kể.

Công nghệ… tưởng tượng

Do không có kiến thức về chế tạo ôtô nên việc đầu tiên mà ông phải làm là… tưởng tượng ra một chiếc xe rồi cứ theo như những gì đã hình dung trong đầu để bắt tay biến nó thành hiện thực. 

Ông Tâm kể: "Đầu tiên tui mua mấy cái ghế xe hơi về đặt trên nền nhà, ước lượng khoảng cách sao cho vừa phải, rồi tới tính vị trí mấy cái bánh, sau đó tính chiều dài, chiều cao, chiều rộng toàn bộ xe. 

Động cơ điện mình không làm được thì phải dùng động cơ xe đạp điện rồi chế tạo hệ thống truyền động, hệ thống lái. Khung xe thì hình dung trong đầu rồi vẽ ra giấy sau đó cắt thành rập thuê thợ gò hàn. 

Kính chắn gió trước, sau cũng vậy, tự hình dung ra hình dạng, độ cong rồi tìm lò mướn họ làm. Bảng mạch điện tử mình không biết làm thì nhờ một kỹ sư, nói với họ tui cần cái công tắc này với chức năng ra sao... thì họ làm y như vậy".

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 5.

Bên trong chiếc ôtô điện, nhìn từ phía sau - Ảnh: HỮU KHOA

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 6.

Cổng kết nối để nạp điện cho xe - Ảnh: HỮU KHOA

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 7.

Hai cửa thiết kế dạng cánh gấp, nâng thẳng lên trên nhờ hệ thống thủy lực - Ảnh: HỮU KHOA

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 8.

Nếu không có dòng chữ "Vietnam Electric car", rất khó nhận ra đây là một chiếc xe điện - Ảnh: HỮU KHOA

Theo ông Tâm, chiếc xe mà ông đặt tên là CITY 18 có vận tốc tối đa 50km/h, phù hợp với điều kiện lưu thông trong nội ô đô thị và khi sạc đầy có thể chạy được 160km mới phải sạc lại. Trên xe có cả máy lạnh và hệ thống karaoke kết nối với điện thoại qua mạng bluetooth.

Nguồn điện cấp cho máy lạnh và karaoke được thiết kế độc lập với nguồn điện cho động cơ nên không ảnh hưởng tới cự ly di chuyển của xe. Đặc biệt, bộ phận nạp điện được thiết kế rời, chỉ cần có nguồn điện 220V là có thể cắm dây và sạc điện cho xe.

Và theo tính toán của ông, chi phí tiền điện để chạy 100km thấp hơn khoảng 100.000 - 120.000 đồng so với chi phí nhiên liệu xe chạy xăng.

Chiếc ôtô điện được ông Tâm chế tạo có hai cửa nhưng không mở ra hai bên như những chiếc xe thường thấy mà được thiết kế dạng cánh gấp khi mở được nâng thẳng lên trên nhờ hệ thống thủy lực. 

Ưu điểm của thiết kế này là khi đóng mở cửa không chiếm diện tích và an toàn cho người và phương tiện bên ngoài. Khi đóng cửa, bốn cánh tay thủy lực được giấu gọn gàng trong khe trên mui. 

Chỉ riêng bộ phận cửa, ông Tâm đã phải làm đi làm lại đến bốn lần mới tạm hài lòng về sự tiện dụng và tính thẩm mỹ. Ông Tâm cho biết nếu có điều kiện làm phiên bản khác, ông sẽ thiết kế thêm hệ thống điện để khi đóng mở cửa chỉ cần bấm nút, không phải dùng tay.

Sau khi hoàn tất việc chế tạo, ông Tâm đưa xe ra các con đường vắng người qua lại ở gần nhà để chạy thử và đo đạc các thông số kỹ thuật và độ ổn định của xe. 

Theo ông Tâm, chiếc ôtô điện đầu tay mà ông chế tạo đến nay đã hoàn thành. Nếu có tiền, ông sẽ chế tạo những phiên bản khác có thể chạy tốc độ tối đa theo quy định hiện nay 120km/h với cự ly 300km khi nạp đầy điện và đặc biệt là có khả năng "lội nước phà phà" trên những con đường ngập sâu đến nửa mét.

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 10.

Ông Đỗ Văn Giùm, một người dân huyện Bình Chánh, tìm tới tận nhà để xem chiếc xe điện ông Tâm vừa chế tạo - Ảnh: HỮU KHOA

Ông Tâm xe điện và chiếc ôtô điện 5 chỗ CITY 18 - Ảnh 11.

Chiếc xe lăn bánh ra con đường vắng, nhiều người dân tới xem trầm trồ "trông như thật" - Ảnh: HỮU KHOA

Nếu sản xuất hàng loạt chỉ khoảng 250 triệu đồng/chiếc

Ông Tâm cho hay, để chiếc ô tô điện đầu tiên nên hình như hiện nay ông đã mất gần ba năm vừa nghĩ vừa làm và điều chỉnh từng chút một, chi tiết nào không ưng ý là phải làm lại. Quá trình chế tạo, làm đi làm lại, tiêu tốn của ông khoảng 500 triệu đồng.

"Đó là vì tui làm thủ công, không có dây chuyền máy móc gì, nghĩ ra rồi tự làm hoặc mướn người làm từng món rồi ráp lại. Theo tính toán của tui, nếu có nhà đầu tư hợp tác làm nhà máy, dây chuyền chế tạo để sản xuất hàng loạt thì giá thành mỗi chiếc chỉ chừng 250 triệu đồng trở lại" - ông Tâm nói.

Ông Tâm cho biết vừa nộp hồ sơ xin cấp bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho chiếc xe do ông chế tạo.

Đây là chiếc xe ông chế tạo để thỏa mãn đam mê sáng tạo của mình, không đưa vào lưu thông nên ông sẽ không xin đăng kiểm kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu có nhà đầu tư thì ông sẵn sàng hợp tác để tiến hành các thủ tục cần thiết để có thể sản xuất, đưa ra thị trường.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên