Trong tuyên bố chung ngày 10-7, Mỹ và Đức tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu bố trí tên lửa tầm xa ở Đức từ năm 2026 nhằm thể hiện cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hệ thống phòng thủ châu Âu.
Việc Washington bắt đầu triển khai từng đợt vũ khí hỏa lực tầm xa của lực lượng đặc nhiệm ở Đức vào năm 2026 cũng là một phần trong kế hoạch duy trì hoạt động của các vũ khí trong tương lai.
Những loại vũ khí này bao gồm hệ thống SM-6 và tên lửa hành trình Tomahawk, vốn đã bị cấm ở châu Âu cho đến khi Washington rút khỏi một hiệp ước quân sự mang tính bước ngoặt từ thời Chiến tranh lạnh vào năm 2019.
Trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm Ngày Hải quân tại thành phố St. Petersburg ngày 28-7, ông Putin cảnh báo Mỹ rằng động thái triển khai tên lửa từ phía Washington có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa như thời kỳ Chiến tranh lạnh.
“Chúng ta sẽ triển khai những biện pháp đối phó tương ứng để đáp trả hành động của Mỹ và các đồng minh châu Âu”, ông Putin nhấn mạnh.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Putin cho biết thời gian bay của các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do Mỹ triển khai đến những mục tiêu trên lãnh thổ Nga có thể chỉ mất khoảng 10 phút. Điều này sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Nga.
Bên cạnh đó, ông Putin nêu rõ tình hình hiện tại nhắc nhớ đến một sự kiện thời Chiến tranh lạnh, liên quan đến việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung Pershing tại châu Âu.
Trước đó, người đứng đầu Điện Kremlin từng cảnh báo Nga có thể tiếp tục sản xuất tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn, sau đó cân nhắc triển khai chúng nếu Mỹ có động thái tương tự tại châu Âu và châu Á.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận