30/09/2022 11:21 GMT+7

Ông Phan Văn Mãi: 'Sinh viên năm nhất mạnh dạn đóng góp, hiến kế cho TP.HCM'

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - "Đừng nghĩ sinh viên năm thứ nhất thì ý kiến, ý tưởng của mình là nhỏ mà ngại góp ý. Có thể từ sáng kiến của sinh viên, thành phố sẽ nhìn ra các vấn đề cần giải quyết và phát triển thành những việc lớn".

Ông Phan Văn Mãi: Sinh viên năm nhất mạnh dạn đóng góp, hiến kế cho TP.HCM - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trò chuyện với giảng viên, sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật tại lễ khai giảng sáng nay 30-9 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhắn nhủ như vậy với sinh viên tại lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 của Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) sáng nay 30-9.

Chào đón ý tưởng cho sự phát triển

Ông Phan Văn Mãi cho rằng tất cả mọi người đến TP.HCM học tập, làm việc và sinh sống đều có đóng góp cho thành phố. Ngược lại, thành phố có trách nhiệm với những người có công với thành phố. Do vậy, trong quá trình học tập, công tác nếu gặp khó khăn gì sinh viên cần thông tin cho nhà trường, chính quyền thành phố được biết để cùng tháo gỡ.

"Sau này các bạn sinh viên sẽ trở thành nguồn nhân lực quan trọng của TP.HCM và đất nước. TP.HCM chào đón các bạn như một công dân của thành phố. Việc của TP.HCM cũng là việc của đất nước, do vậy các bạn hãy mạnh dạn đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Chúng tôi luôn chào đón những ý tưởng, hiến kế, góp ý của các thầy cô và cả sinh viên cho sự phát triển của TP.HCM", ông Mãi nói.

Chia sẻ về nhu cầu, định hướng phát triển của TP.HCM với nhà trường, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM là trung tâm lớn nhiều mặt của cả nước, ở tầm khu vực và quốc tế, so sánh với Singapore, Bangkok (Thái Lan)… Từ đó thấy trách nhiệm của thành phố rất nặng nề, đòi hỏi sự chuẩn bị trong tư duy để đóng góp cần đặt trong chuẩn, đòi hỏi ở mức độ cao, trong bối cảnh hội nhập.

Theo ông Mãi, hiện tại không gian phát triển của TP.HCM cần được nhận diện rõ mới có thể bắt kịp với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, TP.HCM xác định tiếp tục là đầu tàu, trung tâm chuyển đổi số, trung tâm tài chính quốc tế, đô thị thông minh… Tất cả vai trò này cần có sự đầu tư lớn mọi mặt, đặc biệt là về nguồn nhân lực.

"Chúng tôi rất mong muốn sự đóng góp của Trường đại học Kinh tế - Luật nói riêng và của Đại học Quốc gia TP.HCM nói chung thật sự rõ nét, việc đào tạo gắn sát với mục tiêu hình thành trung tâm nhiều mặt của TP.HCM.

Hiện nguồn lực về kinh tế, kinh doanh, luật, chuyển đổi số… đang rất cần. Vì vậy, trong chương trình hợp tác giữa UBND TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM đã xác lập khung hợp tác về đào tạo nhân lực, chính quyền thành phố mong muốn nhà trường là cơ sở quan trọng cụ thể hóa nội dung này", ông Mãi nói.

Ông Phan Văn Mãi: Sinh viên năm nhất mạnh dạn đóng góp, hiến kế cho TP.HCM - Ảnh 2.

Sinh viên lắng nghe phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Sẵn sàng hỗ trợ các nhóm nghiên cứu

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng mong muốn các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. UBND TP.HCM sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ nguồn kinh phí nghiên cứu, luôn tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho nhà trường trong đào tạo.

Ông Mãi đề nghị nhà trường tăng cường tư vấn cho lãnh đạo thành phố về chiến lược, chính sách, mô hình phát triển để giải quyết các vấn đề vướng mắc; xây dựng mô hình, nhân lực trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM… Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe, cầu thị, tiếp thu thực hiện mọi ý kiến đóng góp của nhà trường và của sinh viên.

Trong câu chuyện đào tạo nhân lực, UBND TP.HCM mong muốn nhà trường nhanh chóng xây dựng thành kiểu mẫu đại học số, đại học khởi nghiệp. Ông Mãi cho rằng dù còn nhiều khác nhau về cách hiểu nhưng chuyển đổi số hiện nay phải được biểu hiện qua kết quả công việc cụ thể.

Theo ông Mãi, bây giờ vẫn còn không ít học sinh tốt nghiệp THPT chọn ngành đại học chưa được chính xác. Mất bốn năm học đại học nhưng chưa được chuẩn bị kỹ tinh thần, năng lực, phương pháp và kỹ năng để có thể khởi nghiệp. Khởi nghiệp ở đây là sự khởi đầu sự nghiệp, chứ không phải là khởi sự kinh doanh.

"Các trường đại học phải trang bị cho người học không chỉ kiến thức mà bằng mô hình, đào tạo mọi mặt để mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp đều trở thành nhân tố đóng góp cho sự phát triển xã hội. Như thế mới không lãng phí", ông Mãi nhấn mạnh.

Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, thí điểm mô hình đại học số Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, thí điểm mô hình đại học số

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, lựa chọn thí điểm mô hình tại 5 trường đại học trước ngày 30-8.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên