08/05/2020 16:50 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Bình: Giá điện thấp thì không thể kêu gọi đầu tư

NGỌC AN - ĐỨC BÌNH
NGỌC AN - ĐỨC BÌNH

TTO - Việc xây dựng chính sách giá điện theo hướng thị trường cần tiếp tục theo đuổi, bên cạnh an sinh xã hội, để đảm bảo ngành điện phát triển bền vững, thu hút tư nhân tham gia, xóa thế độc quyền.

Ông Nguyễn Văn Bình: Giá điện thấp thì không thể kêu gọi đầu tư - Ảnh 1.

Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 8-5 - Ảnh: XUÂN TIẾN

Nội dung trên được ông Nguyễn Văn Bình - trưởng Ban Kinh tế trung ương - đưa ra trong Hội nghị báo cáo viên trung ương do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 8-5, với nội dung quán triệt Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến 2045. 

Ông Bình kể lại một giai đoạn mọi sinh hoạt đời sống thiếu thốn, phải xếp hàng đi mua dầu, học hành bằng đèn dầu "để thấy ý nghĩa và thấm thía của vai trò của năng lượng", vì thế, khi có điện, cảm thấy "xa xỉ lắm", như Hà Nội chỉ có một nhà máy điện Yên Phụ, nhưng công suất yếu, đèn mờ, phải kích điện để thiết bị (quạt) chạy được.

"Nhấn mạnh điều này để thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với ngành điện, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng. Bởi vậy điện đã trở thành điểm sáng, tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế đất nước" - ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng vấn đề khó khăn đặt trong phát triển ngành năng lượng là vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn rất lâu.

Để ngành điện phát triển theo hướng đi trước một bước, ông Bình đề cập đến chủ trương từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh, khuyến khích nhiều thành phần tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền năng lượng, nhà nước chỉ giữ độc quyền truyền tải điện.

Theo đó, đã có những chính sách xây dựng giá điện phù hợp để khuyến khích đầu tư, tăng sức cạnh tranh, tách chính sách xã hội ra khỏi giá điện sản xuất. 

Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho rằng giá là yếu tố quan trọng, bởi "giá mà thấp thì làm sao kêu gọi đầu tư, giá thấp thì doanh nghiệp lỗ, trong khi tư nhân đầu tư thì phải có lãi".

Do đó, với chủ trương này ta đã có giá điện từng bước theo thị trường, phản ánh chi phí sản xuất ngành điện. Song ông Bình cho rằng tới đây mục tiêu xây dựng chính sách giá điện theo hướng thị trường cần tiếp tục theo đuổi, bên cạnh với an sinh xã hội, để đảm bảo ngành điện phát triển bền vững.

Ông Bình nhấn mạnh việc không hoàn thành được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không thay đổi được mô hình tăng trưởng và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, không đạt được mục tiêu phát triển.

Theo ông Bình, năng lượng đi trước một bước thì phải tăng trưởng trên dưới 10%, nghĩa là "ta cần 150 tỉ USD, tức trung bình mỗi năm cần 15 tỉ USD".

Yêu cầu đó đặt ra sự cần thiết để ra đời Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng quốc gia bền vững. Theo đó, các nhóm giải pháp trọng tâm là đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, hội nhập, tạo mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia, kiên quyết loại bỏ độc quyền, thiếu minh bạch…

TP.HCM kiến nghị dừng áp dụng cách tính giá điện bậc thang đến khi công bố hết dịch COVID-19 TP.HCM kiến nghị dừng áp dụng cách tính giá điện bậc thang đến khi công bố hết dịch COVID-19

TTO - Tại buổi làm việc của Chính phủ với TP.HCM sáng 8-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị dừng việc áp dụng cách tính giá điện bậc thang cho đến khi công bố hết dịch COVID-19.

NGỌC AN - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên