Cáo trạng truy tố ông Lê Thanh Thản - chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh - thể hiện từ khi quảng cáo đến ký hợp đồng mua bán, vị "đại gia điếu cày" đều đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của những căn hộ xây sai quy hoạch.
Ông Lê Thanh Thản khai do "nóng vội" nhưng… xây cả tòa nhà không phép
Ông Lê Thanh Thản nắm 90% cổ phần và là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Bemes, số cổ phần còn lại do một người thân và con gái ông Thản nắm giữ.
Video: Cận cảnh tòa nhà sai quy hoạch của 'đại gia điếu cày' xin tự phá dỡ, trả lại tiền cho người mua
Từ năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ra quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Hai năm sau, nửa đầu năm 2010, công ty của ông Lê Thanh Thản nhiều lần xin điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch tại dự án trên nhưng không được chính quyền Hà Nội đồng ý.
Tuy nhiên sau đó ông Thản vẫn chỉ đạo thi công xây dựng dự án vượt quy hoạch, hàng trăm căn nhà được xây dựng không phép và bán cho người dân.
Ông Thản với vai trò người đứng đầu Bemes đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình dự án CT6 Kiến Hưng "vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng được phê duyệt", cáo trạng nêu.
Sau khi xây cả tòa nhà sai quy hoạch, hàng trăm căn hộ vượt quy hoạch, ông Thản đã chỉ đạo cấp dưới quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án. Viện kiểm sát cáo buộc việc làm này của ông Thản nhằm mục đích bán các căn hộ được xây trái pháp luật.
Các hợp đồng mua bán căn hộ do ông Lê Thanh Thản ký với khách hàng đều cam kết "dự án xây dựng đúng quy hoạch" và hứa sẽ hỗ trợ người dân làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do tin tưởng vào quảng cáo gian dối từ công ty và cam kết của ông Thản, hàng trăm người mua nhà tại dự án mà không hề hay biết nhà xây vượt quy hoạch.
Tại cơ quan điều tra, ông Thản khai nhận hành vi phạm tội xây nhà vượt quy hoạch và bán cho dân. Ông lý giải "do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh" nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính trình điều chỉnh quy hoạch dự án.
Ông Thản đề nghị mua lại nhà và tự phá dỡ
Theo cáo trạng, dự án CT6 Kiến Hưng có 1.620 căn hộ. Sau khi bán nhà cho khách hàng, Công ty Bemes cùng phối hợp thực hiện và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp sổ đỏ cho 916 căn hộ chung cư, 18 nhà thấp tầng.
Còn lại 438 căn hộ của tòa tháp CT6C và 82 căn hộ khác chưa được cấp sổ do đây đều là những căn xây ngoài quy hoạch.
Cơ quan điều tra đã làm việc với 488/520 khách hàng của ông Thản và xác định số tiền họ phải bỏ ra để mua nhà nhưng không được cấp sổ là hơn 534 tỉ đồng. Sau khi trừ tiền thuế, viện kiểm sát xác định ông Thản thu lời bất chính từ việc lừa dối bán nhà xây vượt quy hoạch là hơn 481 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, tất cả 488 khách hàng đều cho biết khi ký hợp đồng họ không biết các căn hộ tại dự án xây sai quy hoạch. Khách hàng đều tin tưởng "đại gia" Lê Thanh Thản xây nhà bán cho dân đúng theo quy hoạch và đúng với cam kết khi ký hợp đồng.
Đến nay, đa số các bị hại đều đề nghị được hỗ trợ cấp sổ đỏ các căn hộ đã mua. Có sáu người đề nghị trả lại nhà cho chủ đầu tư và đề nghị ông Thản trả lại tiền mua nhà, tổng là 7 tỉ đồng.
Ông Thản có đơn đề nghị khắc phục hậu quả của vụ án theo ba phương án. Thứ nhất ông đề nghị xem xét xử lý với hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Thứ hai, ông Lê Thanh Thản xin được tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco5.
Phương án 3, ông Thản tự thỏa thuận với người mua nhà tại dự án CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ tòa CT6C Kiến Hưng.
Quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án trả lại tiền hoặc mua lại nhà đã bán, sau đó tự phá dỡ tòa CT6C Kiến Hưng.
Tuy nhiên đến nay Công ty Bemes vẫn không thỏa thuận được với khách hàng khắc phục hậu quả theo phương án trên.
Do đó ông Lê Thanh Thản đề nghị bảo lãnh số tiền 530 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Ông Lê Thanh Thản đề nghị tính toán lại khoản tiền thu lợi bất chính
Ông Thản cũng có đơn đề nghị xem xét lại khoản tiền thu lợi bất chính bị cơ quan tố tụng cáo buộc. Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh lý giải đã phải chi hơn 632 tỉ để đầu tư xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng và hơn 67 tỉ nộp tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên viện kiểm sát cho rằng do ông Thản đã chỉ đạo xây dựng sai quy hoạch nên khi xác định tiền hưởng lợi bất chính không có căn cứ trừ đi chi phí xây dựng.
Viện kiểm sát xác định khoản thu lợi bất chính hơn 481 tỉ đồng, cũng chính là số tiền gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho 488 khách hàng.
Luật sư: Nếu lấy lại nhà phải trả tiền bằng giá thị trường
Luật sư Trương Anh Tú - chủ tịch Công ty TAT Law firm - đánh giá đề xuất trả lại tiền lấy lại nhà để tự nguyện tháo dỡ "là thiện chí của ông Thản và là giải pháp chấp nhận được".
"Tuy nhiên, việc trả lại tiền cho khách hàng thực hiện như thế nào? Theo tôi gợi ý nên trả theo giá thị trường bây giờ, bởi 5-10 năm trước, họ bỏ ra 1-2 tỉ mua được ngôi nhà thì giờ số tiền đấy không đủ để mua nhà với vị trí tương đương, chất lượng tương đương.
Do đó cần tính toán mua lại theo giá trị ngôi nhà tương đương ở thời điểm hiện tại để đảm bảo người dân có thể an cư, sau khi nhận tiền mua được ngôi nhà nơi khác.
Nếu thực hiện được phương án như thế thì tôi cho là trọn vẹn, ông Thản có cơ hội sửa sai, sự việc được giải quyết theo đúng pháp luật và hài hòa lợi ích các bên, nhất là đối với người dân. Do đó còn điểm nào chưa đồng thuận thì nên tiếp tục trao đổi, bởi chỉ có cách giải quyết này mới triệt để", luật sư Tú phân tích.
Về mong muốn của người dân đề nghị Nhà nước cấp sổ đỏ, theo luật sư cần nghiên cứu xác định lại khu vực dự án có thể điều chỉnh cục bộ quy hoạch thì mới tiến tới biến thành khu dân cư để được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên chuyển đổi quy hoạch rất khó vì Nhà nước đã tính toán hết các điều kiện về hạ tầng cơ sở.
"Nếu có thể thì chính quyền nên "vớt vát cho người dân" chấp nhận tình huống đã rồi để nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận