26/10/2014 16:10 GMT+7

​Ông Hai Tốt làm việc tốt

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - 16g30, nắng như đổ lửa. Ông Hai Tốt chộp chiếc mũ tai bèo đội lên đầu rồi dắt xe đạp chạy thẳng đến trường học gần nhà để... giữ trật tự.

 
Ông Hai Tốt quan sát, ghi chép những hành vi không đúng của học sinh khi tan trường để sau đó khi đến trường nói chuyện thì ông nhắc lại và hướng dẫn các em nên làm gì - Ảnh: V.TR.
Không dễ gì tìm một người nhiệt tình, tận tụy làm một việc không công mà hiệu quả như ông Hai Tốt. Nhờ ông mà rất nhiều học sinh ở TP Cao Lãnh không vượt đèn đỏ, còn khi dừng đèn đỏ thì không bao giờ để bánh xe cán vạch dành cho người đi bộ. Những hành động đó sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông và làm cho thành phố văn minh hơn
Ông NGUYỄN MINH CHÍ 
(chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp)

Phụ huynh đã dừng xe đón con kín cả mặt đường. Học sinh từ trường túa ra tìm cha mẹ khiến đoạn đường trước cổng trường tê liệt.

Ông Hai Tốt len lỏi giữa dòng người nhắc phụ huynh đưa xe vào lề, rồi quay sang nói với một nhóm học trò đứng tám chuyện giữa đường: “Con đi bộ thì đi trên vỉa hè, không được đứng dưới lòng đường như vậy làm cản trở giao thông nghe chưa!”.

Ám ảnh tai nạn giao thông

Khi học sinh đã ra về gần hết, ông Hai Tốt ngồi bệt xuống vỉa hè ghi lại những hành vi không đúng của các em học sinh mà ông tận mắt nhìn thấy. Ðó là tư liệu để ông mang đến các trường hướng dẫn học sinh nên làm gì để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác.

Chúng tôi lấy làm lạ khi thấy rất nhiều học sinh ở TP Cao Lãnh chạy xe đạp trên đường nhìn thấy ông Hai Tốt thì cúi chào rất lễ phép.

Thì ra hình ảnh ông già gầy còm đeo kính, giọng nói sang sảng hay đến dự các buổi chào cờ rồi lom khom đi lên bục kể chuyện về giao thông hay thuyết giảng các câu chuyện về đạo đức đã quá quen thuộc với học sinh ở thành phố này.

Bọn trẻ hay gọi ông là “ông Hai giao thông”, ít đứa biết tên thật của ông là gì.

Ông Hai Tốt tên thật là Trần Ngọc Tốt (69 tuổi, ở P.Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp), vốn là nông dân chuyên chăn nuôi heo có tiếng trước đây ở khu vực P.Mỹ Phú. Ðến khi tuổi đã cao không còn làm lụng nổi nữa thì ông hay đạp xe đi các nơi chữa bệnh gia súc, gia cầm của người dân.

Dù chỉ đi loanh quanh gần nhà, nhưng ông đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đổ máu. Ban đầu ông không để ý lắm vì thấy cũng bình thường, nhưng về sau tai nạn càng nhiều và đều có người chết đã khiến ông mất ngủ vì bị ám ảnh.

Ông tâm sự: “Tui mới đến nhà thân chủ chích heo tuần trước, tuần sau quay lại thấy hình của người này trên bàn thờ. Hỏi thăm thì gia đình nói bị tai nạn giao thông. Tui luôn bị ám ảnh, lo sợ tai nạn sẽ tới với những người xung quanh mình rồi cả gia đình mình”.

Ông Hai Tốt có con học ở Trường THCS Nguyễn Tú, xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh. Vì lo nghĩ đến sự an toàn của con ông và hàng trăm học sinh khác của trường khi đi học, năm 2008 ông đến gặp ban giám hiệu nhà trường đặt vấn đề xin 5-10 phút mỗi buổi chào cờ đầu tuần để trò chuyện với học sinh về an toàn giao thông.

Thầy Võ Thanh Thái, hiệu trưởng, kể: “Tuyên truyền giúp học sinh hiểu và thực hiện đúng Luật giao thông đường bộ là quan trọng và cần nhiều thời gian. Chú Hai Tốt có lối nói chuyện rất duyên, nói toàn chuyện thực tế chứ không nói lý thuyết nên học sinh mê lắm. Mỗi tuần chú đến nói chuyện 1-2 lần, suốt bảy năm nay như vậy rồi”.

Được kiến thức lẫn quà

Học sinh thích nghe chuyện thật

Ông Hai Tốt bảo rằng tâm lý của học sinh là thích được khen, thích được tặng quà. Nếu mình đến trường mà giở sách luật ra đọc thì chẳng ai nghe đâu. Phải nói chuyện có thật trong thực tế và nếu có quà tặng thì các em càng thích. Để học trò chịu ngồi nghe một lão nông không có chuyên môn gì nói chuyện an toàn giao thông, ông Hai Tốt luôn chuẩn bị quà mang theo. Quà là những chiếc áo, chiếc quần, thú nhồi bông, chiếc đồng hồ, tập vở... Phần lớn quà do ông tự bỏ tiền túi mua. Đôi lần phụ huynh thấy ông đang làm một việc hữu ích cho con em họ nên góp thêm ít quà.

 

Buổi nói chuyện với học sinh Trường Nguyễn Tú kéo dài 20 phút với không khí rôm rả. Ông Hai Tốt không chỉ nói chuyện về an toàn giao thông mà còn dạy học sinh cách ứng xử giữa học sinh với nhau, với thầy cô, với ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi.

Mỗi lần đến trường nào nói chuyện ông đều chuẩn bị 5-7 phần quà để tặng các em học sinh trả lời đúng những câu hỏi ông đặt ra. Ðược mở mang kiến thức lại được tặng quà nên học sinh thấy ông Hai Tốt đến nói chuyện thì khoái chí lắm.

Khi đến Trường THPT Cao Lãnh và các trường trung học khác, ông Hai Tốt đều mở đầu bằng câu hỏi: “Nếu cho các con chọn một trong hai điều ước là có sức khỏe tốt hoặc có thật nhiều tiền, các con sẽ chọn điều ước nào?”. Học sinh nhao nhao: “Con chọn sức khỏe. Con cũng chọn sức khỏe”.

Chờ cho học sinh trật tự, ông Hai Tốt ôn tồn: “Nếu là ông thì ông cũng chọn sức khỏe. Sức khỏe là thứ quý nhất. Có nhiều tiền, vàng, thậm chí là kim cương cũng không mua được sức khỏe đâu. Các con chọn sức khỏe là đúng rồi. Nhưng ông thấy có nhiều con ra đường chạy xe đạp điện giăng hàng ba, hàng tư lại còn đùa giỡn nữa.

Còn các con gái mặc áo dài nhưng không túm gọn tà áo lại mà để bay phất phới. Nhiều cháu đã bị xích xe đạp cuốn tà áo té xuống đường. Có cháu ngồi sau xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Nếu chẳng may các cháu bị tai nạn giao thông thì có còn sức khỏe nữa không?”. Toàn bộ học sinh im thin thít.

Ông nói tiếp: “Ðể có sức khỏe đi học và cười vui như hôm nay, rồi có sức khỏe học đại học, đi làm sau này, các con ra đường nhớ phải đội mũ bảo hiểm, chạy xe sát lề và đừng có đùa giỡn. Hôm nay ông tặng quà cho các cháu trả lời đúng, nhưng nếu thấy các cháu ra đường mà làm không đúng như đã nói thì ông sẽ rầy đó nghe”.

Việc bao đồng nhưng có hiệu quả

Ðến nay ông Hai Tốt đã đến 14 trường ở TP Cao Lãnh để nói chuyện về an toàn giao thông. Chỉ còn một trường ông chưa đặt chân tới. Mới đây hiệu trưởng của trường tiểu học này chủ động liên hệ mời ông đến nói chuyện.

Thầy Võ Thanh Thái đánh giá: “Sau nhiều năm được chú Hai Tốt uốn nắn, dạy bảo, chúng tôi thấy học sinh có chuyển biến rất rõ. Ra đường các em không còn chạy xe đạp hàng ba, hàng tư, không còn tụ tập mất trật tự trước cổng trường hay đùa giỡn khi chạy xe nữa.

Về đạo đức cũng có tiến bộ nhiều. Các em biết lễ phép cúi chào thầy cô, người lớn khi gặp bất kỳ chỗ nào; một số em không còn nói tục, chửi thề”.

Một giáo viên trẻ ở TP Cao Lãnh trước đây từng được nghe ông Hai Tốt nói chuyện kể: “Tôi nhớ mãi một câu mà chú Hai Tốt nói trong buổi chào cờ. Chính câu đó đã tác động nhiều đến suy nghĩ của tôi và nhờ vậy mà tôi có được ngày hôm nay.

Chú nói rằng trộm cướp là hành động xấu xa nhất, nhưng nếu các con trộm cướp tri thức, công danh thì ông ủng hộ. Hãy cướp càng nhiều tri thức cho mình càng nhiều càng tốt”.

Cũng vì thấy ông Hai Tốt đang làm một việc bao đồng mà có hiệu quả tốt nên một số trường THPT ở huyện Tháp Mười, Lấp Vò đã tìm đến nhà mời ông đến hỗ trợ nhà trường nói chuyện về an toàn giao thông và đạo đức làm người cho học sinh của mình. 

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên