02/02/2012 07:19 GMT+7

Ông đảng viên... nông dân

THẠCH HÀ
THẠCH HÀ

TT - Hơn 20 năm làm nông dân, đến một ngày bà con chòm rẫy bỗng thấy ông Trần Thanh Sơn được kết nạp Đảng, ít lâu sau thì lên chức phó chủ tịch UBND rồi HĐND thị trấn Phước Dân (H.Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).

NACiDICQ.jpgPhóng to
Ông Trần Thanh Sơn cùng trò chuyện về nghề gốm với người dân địa phương - Ảnh: THẠCH HÀ

Nhưng cái áo nông dân thì ông phó chủ tịch vẫn không “cởi” ra được. Tết này, với người dân xóm Bàu Trúc, ngoài những căn nhà dường như tinh tươm hơn khi bên cạnh màu vôi mới, sơn mới đón xuân còn có một tấm biển ghi rõ số nhà và địa chỉ là “khu phố Bàu Trúc”. Chữ “Bàu Trúc” thật ngắn nhưng bà con người Chăm, người Kinh ai cũng ưng bụng. Bởi đã mười mấy năm nay, xóm Bàu Trúc vẫn mang cái tên khu phố 7. Bây giờ trở về cái tên cũ của ông bà đặt, ai cũng thấy ấm lòng, và nhắc đó là nhờ có chú Sơn.

Làm theo ý bà con

Ông Trượng Văn Tận - bí thư chi bộ khu phố Bàu Trúc - kể hồi đặt lại tên khu phố, cả thị trấn chia làm 12 khu, và theo quy định của UBND tỉnh thì cứ đếm số mà đặt. Nhưng sau mấy ngày chạy xe vòng vòng khắp xóm, ông Sơn về kiến nghị với chi bộ, với UBND thị trấn giữ lại cái tên Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc (hai làng nghề thổ cẩm và gốm của người Chăm). Bàn mãi không xong, cuối cùng bỏ phiếu biểu quyết thì 31 phiếu làm theo quy định, mình ông Sơn “chống lệnh” đề nghị lấy tên cũ.

Mấy hôm sau, Sở Nội vụ Ninh Thuận nhận được biên bản, thấy lạ bèn gọi hỏi ông căn cứ vô đâu mà đề xuất “trật” quy định của tỉnh. Ông Sơn nói luôn: “Căn cứ vô dân! Bà con bảo với tôi người ta chỉ biết gốm Bàu Trúc, chứ có ai gọi “gốm khu phố 7” bao giờ”. Câu trả lời thẳng đuột nhưng có lý, nửa tháng sau cái phiếu biểu quyết “lạc đàn” của ông Sơn đã được Sở Nội vụ gửi văn bản đồng ý.

Kiểu làm việc “ngang ngang” ấy của phó chủ tịch HĐND thị trấn Trần Thanh Sơn không phải mới lần đầu. Cán bộ thị trấn Phước Dân không hiếm lần hết giờ làm còn được ông phó chủ tịch gọi điện quay lại để đóng dấu hay giải quyết việc cho người dân. Mà lần mới nhất là chiều 26 tết vừa qua, đang bon bon xe về nhà lo tết sau giờ làm thì ông Sơn nhận điện thoại của một đôi vợ chồng hưu trí đã cắt hộ khẩu khỏi thị trấn ba năm trước, hỏi về tiền tết cho người đi kháng chiến.

Giải thích đến nóng cả điện thoại rằng đã cắt khẩu thì chế độ hưu trí không còn ở địa phương, ông bà hưu trí vẫn không nghe. Cuối cùng, ông Sơn điềm tĩnh bảo: “Hai bác đợi tới ngày mai”, rồi quay xe kêu mấy nhân viên UBND cùng trở lại lục hết hồ sơ và phát hiện hai cán bộ hưu trí này sơ suất quên làm thủ tục chuyển chế độ kháng chiến. Sơ suất của ai tính sau, nguyên ngày 27 tết, ông Sơn ngược xuôi lên tỉnh báo lại trường hợp bị sót chế độ tiền tết và xuất quỹ của thị trấn để hai cán bộ hưu trí có tiền tết đúng hẹn.

Lúc nào cũng “cấp bách”

Chuyện ông Sơn từ một nông dân được kết nạp Đảng, rồi làm phó chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND thị trấn đến giờ nhiều người ở Phước Dân vẫn còn lạ. Lạ là bởi xuất ngũ từ chiến trường Campuchia về năm 1980, ông Sơn thành một nông dân vác cuốc làm nho, nuôi cá gần 20 năm. Cho tới năm 1999, ban điều hành khu phố nơi ông ở gần như bị tê liệt vì không có ai cáng đáng công việc, ông được thị trấn mời ra làm trưởng khu phố.

Tưởng chỉ làm một vài năm, nhưng ông nông dân Trần Thanh Sơn làm quá năng nổ. Một năm sau, khối phố trở thành khu phố văn hóa, còn ông trưởng khu phố thì lọt vào “mắt xanh” của chi bộ và được kết nạp Đảng, rồi làm phó bí thư chi bộ, được cử đi học trung cấp chính trị. Nhiệm kỳ HĐND xã kề đó, ông Sơn trúng cử và được bầu làm phó chủ tịch UBND, rồi phó chủ tịch HĐND thị trấn.

Lật những tờ báo số cận Tết Nguyên đán vừa qua, có đăng toàn văn những việc cấp bách mà nghị quyết trung ương 4 của Đảng vừa quyết, ông Sơn bảo ông thích một trong những điểm “cấp bách” mà nghị quyết nêu là cán bộ dân cử phải sống gần dân, nắm bắt tâm tư dân. Vì theo ông: “Đó là chuyện lúc nào cũng cấp bách, thời nào đảng viên, cán bộ cũng cần phải làm. Chứ không thể làm được một lúc, một vài lần rồi nghĩ rằng không còn cấp bách nữa”. Và có lẽ vì nghĩ vậy nên gần chục năm trên cương vị phó chủ tịch UBND, HĐND hay phó bí thư chi bộ, người ta vẫn hay gặp ông Sơn ghé hết xóm này đến xóm khác như hồi nào.

Ăn mặc dĩ nhiên có bảnh bao hơn thời làm nông dân rặt, nhưng câu chuyện bên ấm trà, chén rượu nơi có mặt ông thì vẫn như trước. Ghi lại được khối chuyện “cấp bách” từ bạn bè, cô bác nông dân từng theo nước ruộng, xịt thuốc nho chung một thời mà có khi họ chưa kịp kiến nghị hay còn đang tâm tư để trong bụng. Những chuyện “cấp bách” ấy có khi ông ghi được từ lần rề rà nghe hầu chuyện các cụ già người Chăm như chuyện giữ lại cái tên làng gốm.

Có lúc nhờ dẫn những đoàn khảo sát đánh giá thực tế mà ông rõ được từng gia đình làm gốm, làm thổ cẩm để kiến nghị cấp trên có chính sách kịp vực làng nghề. Hay khi thì đơn giản từ tính cách trẻ trung, chơi được với đám trẻ trong thị trấn, ông gom đám thanh niên nhảy hip hop mất trật tự trên phố lại để lập ra CLB hip hop của thị trấn, đi biểu diễn, thi thố khắp nơi trong tỉnh...

Đã sang nhiệm kỳ thứ ba từ nông dân lên cán bộ, ông phó chủ tịch Trần Thanh Sơn sau giờ làm vẫn bám mấy sào vườn, ở ngôi nhà nằm sâu tít giữa đồng. Ông bảo: “Mình chẳng rũ được áo nông dân, có cái áo ấy mình nói chuyện với bà con mới gần gũi, rồi mai mốt có về lại với anh nông dân. Và tôi tự hào về điều đó, Đảng từ trong dân mà ra mà “nguyên chất” cũng dễ”.

Hướng dẫn viên của làng

Đây là địa bàn có gần 50% dân số là dân tộc Chăm, ngày được dân tín nhiệm bầu vào chức phó chủ tịch UBND, rồi sau đó là phó chủ tịch HĐND thị trấn Phước Dân, việc đầu tiên ông Sơn làm là đi kiếm sách để đọc về tập quán, lịch sử của người Chăm. Như một cậu học trò, ông lân la đến những bô lão, cả sư người Chăm để nghe họ kể chuyện về làng mình, dân tộc mình.

Nhờ vậy, bây giờ ông Trần Thanh Sơn trở thành một hướng dẫn viên đắt “sô” mỗi khi tỉnh có đoàn khách, đoàn tìm hiểu văn hóa Chăm về Bàu Trúc hay Mỹ Nghiệp tham quan. Mỗi dịp đưa gốm đi triển lãm, làng Chăm lại cứ phải mời được chú Sơn đi cùng để kể câu chuyện làm gốm, chuyện truyền thống của người Chăm cho du khách. Mới đây, ông còn tự liên hệ và cùng dẫn chương trình trong talk show S - Vietnam trên VTV để giới thiệu về làng gốm và văn hóa Chăm.

Ông Trượng Văn Tận - đảng viên người Chăm, bí thư chi bộ khu phố Bàu Trúc - bảo rằng: “Bà con người Chăm xem anh Sơn như người làng, vì không chỉ hiểu được bà con, văn hóa Chăm mà còn nói giùm họ những điều đó với mọi người”.

Mình là đảng viên, phải có trách nhiệm, đấu tranh vì lẽ phải của người dân, không sợ ai bảo mình ngang, chỉ sợ dân nói mình làm không đúng

THẠCH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên