19/08/2012 09:02 GMT+7

Ông Cua làm lúa thơm

Lão nông Trần Văn Chính
Lão nông Trần Văn Chính

TT - Bà con nói: “Chú là kỹ sư, phải ở trong văn phòng mới đúng chớ”. Anh cười: “Con cũng là dân ruộng mà. Kỹ sư thì càng phải lội đồng lội ruộng mới biết cây trái sống làm sao”.

EZrvJrQb.jpgPhóng to
Ông Hồ Quang Cua (đội nón) là phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng từ năm 2001 đến nay. Ông đã được trao Huân chương Lao động hạng ba năm 2002, Huân chương Lao động hạng nhì năm 2007, Huân chương Lao động hạng nhất năm 2011 và hiện đang được đề nghị phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. - Ảnh: D.T.H.

Hơn 30 năm gắn bó với đồng ruộng, ông Hồ Quang Cua và các cộng sự đã làm ra hơn 10 giống lúa thơm nổi tiếng, trở thành sản vật của địa phương mang thương hiệu “lúa thơm Sóc Trăng”, ký hiệu ST.

Duyên nợ với lúa thơm

Tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ) năm 1978, chàng trai trẻ Hồ Quang Cua về Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Lúc đầu được phân công làm cây bắp, nhưng không hiểu sao anh khoái xắn quần lội ruộng với nông dân. Bà con kết anh ở tính tình hiền lành, gần gũi, lại biết... uống rượu đế, thành ra cái gì cũng hỏi: “Chú Cua ơi, lúa bệnh vầy làm sao?”, “Chú Cua ơi, nước cỡ này được chưa?”... toàn chuyện cây lúa không hà. Riết rồi anh dính với cây lúa hồi nào không hay.

Năm 1991, phòng nông nghiệp tiếp nhận một số giống lúa Khao Dawk Mali từ GS.TS Võ Tòng Xuân (ĐH Cần Thơ) và GS.TS Nguyễn Văn Luật (Viện Lúa ĐBSCL). Lãnh đạo phòng giao kỹ sư Cua và các đồng sự có nhiệm vụ tuyển chọn và lai tạo, đưa xuống nông dân. Vào thời điểm đó, kỹ sư Cua không ngờ rằng cuộc đời mình sẽ gắn liền với những gian nan trắc trở theo bước thăng trầm của cây lúa. Lẽ ra phải ở vùng nước ngọt, đất đai màu mỡ chớ ai đời cây lúa mà lại phát triển ở vùng ven biển, nước mặn quanh năm, đất đai hoang hóa như Sóc Trăng? Cái “ngặt” của ông là ở chỗ đó!

"Từ vùng đất hoang hóa, cây lúa của ông Cua đã làm đời sống tụi tui khá hơn, hổng lo thiếu đói như trước nữa"

Nhưng qua đúc kết kinh nghiệm những ngày xắn quần lội đồng với nông dân, ông Cua biết rằng từ hơn 100 năm trước, các lão nông Sóc Trăng đã làm được giống lúa địa phương mà khi bán ra nước ngoài đã làm người Hoa đất Hương Cảng tấm tắc khen ngon, tới nỗi sau đó họ phải đưa tàu buôn tới tận cảng Bãi Xàu (nay là chợ Mỹ Xuyên) lùng mua bằng được. Điều đó chứng tỏ vùng đất này cây lúa chẳng những sống được mà còn thơm ngon nữa. Ngoài ra, qua tiếp xúc với các “cây đa cây đề” về cây lúa như GS.TS Võ Tòng Xuân, GS.TS Nguyễn Văn Luật, chịu khó nghiên cứu tài liệu nước ngoài, ông thấy Thái Lan có cùng vĩ tuyến với ta mà đã nổi tiếng với cây lúa thơm từ lâu, mỗi năm họ xuất khẩu cả triệu tấn gạo thơm, thu về cả tỉ đôla. Họ làm được, sao mình không làm được? “Nóng mũi” trước những vấn đề đó, ông Cua có thêm quyết tâm và có niềm tin rằng mình và các đồng sự sẽ làm được.

Cây lúa cứu con tôm

Năm 1994, ông Cua cho ra đời những giống lúa Sóc Trăng đầu tiên mang ký hiệu ST1, ST2, ST3 cho tới ST5, ST6, ST10... Sau đó, ông cùng các cán bộ khuyến nông xuống tận ruộng hợp tác với nông dân nhân nhanh giống lúa thơm này. Từ 34kg giống ban đầu, ba năm sau lúa thơm ST đã có mặt trên 5.000ha đồng ruộng ven biển Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên... Lão nông Trần Văn Chính ở ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên) nhớ lại: “Từ vùng đất hoang hóa, cây lúa của ông Cua đã làm đời sống tụi tui khá hơn, hổng lo thiếu đói như trước nữa. Có lúa trên đồng, ghe xuồng dưới sông cũng tấp nập đông vui tới lui mua bán. Làng quê xơ xác ngày xưa giờ no ấm lành lặn hơn nhiều”.

Tới năm 2009, lúa thơm ST đã được nhân ra trên diện tích gần 25.000ha ở toàn tỉnh Sóc Trăng. Cùng với nông dân, ông Cua còn đưa lúa thơm ST xen vô giữa vụ trồng hành tím, nuôi tôm, hình thành các mô hình xen canh như hành tím - lúa, tôm - lúa góp phần tăng năng suất vật nuôi, cây trồng. Riêng mô hình tôm - lúa ở vùng sáu xã huyện Mỹ Xuyên là để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời kỹ sư Hồ Quang Cua.

Thời điểm năm 2006, bà con vùng tôm sáu xã này nợ ngân hàng tới 300 tỉ đồng. Nhiều người đã bán đất, bán nhà bỏ xứ mà đi. Trước tình cảnh đó, ông Phan Thanh Ngàn, lúc đó là bí thư Huyện ủy Mỹ Xuyên, kêu gọi phải “lấy lúa thế tôm”. Ông Cua và “quân” của ông được điều tới lãnh ấn tiên phong. Nhưng khi ông xuống đồng thì bị dân phản ứng. Một nông dân trẻ trừng mắt: “Cây lúa của ông được giá bao nhiêu mà xuống đây định thế con tôm?”. Ý nói chỉ có con tôm mới gỡ nợ được thôi, kiểu như thua bài thì phải gỡ lại bằng... đánh bài vậy. Ông Cua “cưa” ly rượu đế với anh nông dân nọ rồi nhẹ nhàng giải thích: “Cây lúa này chẳng những không lấn mất con tôm mà còn nhờ nó mà tôm sống lại, mạnh khỏe. Bà con mình vừa có lúa vừa khôi phục được tôm”. Rồi ông Cua nói về cách trồng lúa luân canh với tôm, lúa làm nước mát, môi trường tốt, tôm không bệnh. Thêm nữa, chất đóng rong dưới thân lúa là thức ăn tốt cho tôm... Ông Cua nói riết khiến bốn hộ ở ấp Hòa Phước động lòng.

Ông Cua dựa vô bốn hộ này làm nòng cốt, đưa giống lúa xuống làm thí điểm luôn. Qua một vụ thấy hiệu quả rõ ràng. Bà con vừa có lúa, vừa gỡ được tôm. Vậy là bốn hộ đồn ra mười, mười đồn trăm. Vụ kế tiếp có hơn trăm hộ theo làm. Tới bốn năm sau, gần như 90% hộ dân làm theo mô hình tôm - lúa. Có người trồng đạt năng suất lúa lên tới 5,5 tấn/ha, thu lợi 10-12 triệu đồng/ha, chưa kể tiền bán tôm. Lúc này, anh nông dân sừng sộ với ông Cua mấy năm trước mới hối hận, xách chai rượu đế với ký tôm đi kiếm ông xin lỗi rối rít.

Cái sướng của đời làm lúa

Đầu năm 2010, mọi người đi ngang cánh đồng lúa chín xã Ngọc Đông bỗng ngửi mùi hương dứa thoang thoảng khắp nơi. Thì ra đó là hương lúa thơm ST20. Nó thơm từ ngoài đồng cho tới khi gặt, đưa vô nhà. Sướng nhất là lúc nấu lên, mùi thơm cơm mới lan tỏa khắp nhà, hơn cả để năm bảy miếng lá dứa trong nồi cơm gạo thường. Lúc này bà con mới ngất ngây “lúa thơm ông Cua có khác”.

Tháng 7-2010, Hợp tác xã Hòa Lời được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) với giống lúa thơm ST20. Sau đó, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận “Nhãn hiệu gạo thơm Sóc Trăng” cho Sở NN&PTNT Sóc Trăng. Tháng 11-2011, giống ST20 tiếp tục đoạt giải nhất tại hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt” của Festival lúa gạo VN lần thứ hai tổ chức tại Sóc Trăng.

Kể từ đó, “gạo thơm Sóc Trăng” bắt đầu có giá. Các doanh nghiệp khắp trong Nam ngoài Bắc đều tìm mua. Có lần, một doanh nhân xuất khẩu gạo ở Thốt Nốt (Cần Thơ) lấy làm lạ vì cứ cách vài ngày là có một kiện gạo xuống bến tàu gần đó xuất đi. Ông chủ lén soi một mẫu coi thử thì giật mình. Trời đất, gạo gì mà ngon hơn gạo Thái Lan. Ông tìm hiểu mới biết đó là gạo ông Cua. Ông gọi ông Cua ngay: “Anh bán gạo cho tui đi. Kỳ này tui xuất đi nước ngoài”. Ông Cua nhận lời cái rụp.

Đầu tháng 7 năm nay, ông Cua nhận được cú điện thoại của ông xuất khẩu gạo nọ. Giọng ông có vẻ bí mật: “Tui mới xuất đi Anh và Mỹ rồi. Đã lắm!”. Ông Cua hỏi: “Đã là sao?”. Ông xuất khẩu hả hê: “Đã vì tui bán được 950 USD một tấn”. Rồi ông cười một tràng khoái chí.

Ông Cua tâm sự: “Đời làm lúa sướng chỗ đó. Bán được giá cao ngất ngưởng, chứng tỏ thương hiệu của mình... xịn”.

Trong mắt mọi người

“Tui khoái ông Cua ở chỗ ổng hay xăn quần lội ruộng với nông dân. Mình hỏi cái gì, dù đang đứng trên bờ, ổng cũng lội xuống ruộng ngắt cọng lúa cho mình coi rồi giải thích nó xanh vậy là dư đạm, vàng vậy là thiếu nước hoặc có đốm đốm là bị rầy nâu. Ổng nói cái gì là đưa ra “vật chứng” liền cho tụi tui dễ hiểu”.

“Cái hay của anh Cua là ảnh có và biết sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, khuyến nông rất hiệu quả. Ảnh hướng dẫn anh em rõ ràng, kỹ càng và ai cũng có quan hệ mật thiết với nông dân, chịu lội đồng giống như ảnh”.

“Anh Cua ngoài việc làm ra giống tốt có giá trị cao còn là người làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Nông dân đâu biết doanh nghiệp đó làm ăn uy tín thế nào, còn doanh nghiệp cũng đâu biết nông dân xóm đó là ai, làm lúa đúng quy trình không. Cả hai bên đều nhờ ông Cua giới thiệu mà biết nhau, làm ăn với nhau. Ổng nói một là một, hai là hai, hổng sai trật, nên hai bên cứ tin tưởng mà mua bán với nhau”.

mDcQwmQX.jpgPhóng to

Ông Cua (bìa trái) trao đổi với nông dân về sâu bệnh hại lúa trên cánh đồng lúa - tôm ấp Hòa Đê -Ảnh: D.T.H.

Lão nông Trần Văn Chính
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên