25/11/2020 08:50 GMT+7

Ông Biden phác họa chính sách đối ngoại

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Nếu ông Joe Biden chính thức là tổng thống Mỹ, chính sách đối ngoại của ông sẽ nghiêng theo hướng chú trọng đa phương và trấn an đồng minh, thể hiện qua việc lựa chọn nội các.

Ông Biden phác họa chính sách đối ngoại - Ảnh 1.

5 ứng viên quan trọng được ông Biden chọn cho nội các tiềm năng, bao gồm (từ trái qua): Ngoại trưởng Antony Blinken (58 tuổi); giám đốc Tình báo quốc gia Avril Haines (51); cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan (43); Bộ trưởng An ninh nội địa Alejandro Mayorkas (61); và đặc phái viên tổng thống về khí hậu John Kerry (76) - Nguồn ảnh: các viện nghiên cứu, cơ quan Mỹ

Chúng tôi không có nhiều thời gian để mất khi đề cập tới an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Tôi cần một đội ngũ sẵn sàng ngay ngày đầu, nhằm giúp tôi lấy lại vị thế của nước Mỹ, tập hợp thế giới lại để cùng ứng phó với những thách thức chúng ta đang đối mặt, và thúc đẩy an ninh, thịnh vượng, cũng như các giá trị của chúng ta.

Ông Joe Biden phát biểu trong thông cáo ngày 23-11

Sau những tranh cãi và chờ đợi, quá trình chuyển giao quyền lực trong chính quyền Mỹ được kích hoạt. Trong một lá thư đề ngày 23-11, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) Emily Murphy thông báo ông Biden được tiếp cận các nguồn lực liên bang phục vụ công tác chuyển giao chính quyền từ đương kim Tổng thống Donald Trump.

Bộ sậu gắn kết

Trong danh sách "Những thành viên then chốt về chính sách đối ngoại và đội ngũ an ninh quốc gia" công bố ngày 23-11, chiến dịch của ông Biden giới thiệu những ứng viên và người được bổ nhiệm "lịch sử". Cụ thể, nội các tiềm năng này bao gồm bộ trưởng an ninh nội địa đầu tiên người gốc Latin và nhập cư, người phụ nữ đầu tiên cho vai trò giám đốc Tình báo quốc gia (DNI)... và đặc biệt là sự xuất hiện của một trong những ứng viên cố vấn An ninh quốc gia trẻ nhất lịch sử Mỹ vài thập niên gần đây - Jake Sullivan (43 tuổi).

Nhưng có thể thấy đây không phải một khuynh hướng "lạ", vì Đảng Dân chủ ít ra từ thời cựu tổng thống Barack Obama đã thường thổi vào nội các một làn gió tươi mới, thể hiện sự đa dạng. Điểm thứ hai, nội các tương lai ông Biden hướng tới thực chất cũng không phải những gương mặt lạ lẫm.

Lấy ví dụ Antony Blinken, Jake Sullivan hay Linda Thomas-Greenfield đều là những người từng phục vụ dưới trào Obama. Ứng viên ngoại trưởng Blinken cũng đã làm việc với ông Biden gần 20 năm nay, còn ứng viên cố vấn An ninh quốc gia Sullivan từng công tác trong Bộ Ngoại giao Mỹ và là phụ tá của bà Hillary Clinton, chưa kể cũng chính là "lính ruột" của ông Biden thời còn làm phó tổng thống trước đây. Người còn lại được chọn phụ trách vấn đề khí hậu là gương mặt quen thuộc với giới quan sát Việt Nam: cựu ngoại trưởng John Kerry.

Về lý thuyết, việc chọn một bộ sậu quen thuộc sẽ giúp chính quyền ông Biden vận hành trơn tru, trong bối cảnh không có nhiều thời gian chuẩn bị.

Thử thách đa phương hóa

Dĩ nhiên khi tập hợp một nhóm có kinh nghiệm công tác cùng nhau qua nhiều năm, ông Biden hi vọng sẽ tận dụng được sự ăn ý, nhất quán trong nhiều vấn đề. Nhưng ngược lại, như một phân tích trên BBC của Philip J. Crowley, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ, điểm trừ của cách làm này là khả năng bộ sậu của ông Biden sẽ thiếu sự đa dạng về ý kiến.

Sự đa dạng ý kiến nêu trên lại là điều cần thiết nếu chính quyền tiềm năng của ông Biden muốn tạo ra đột phá, ít nhất trong chính sách đối ngoại. Lối làm việc cũ của họ sẽ là một thách thức cho chính họ trong các ưu tiên đảo ngược (thật nhanh) các chính sách của Tổng thống đương nhiệm Trump.

Lấy ví dụ, giới quan sát chính trường Mỹ đa số cho rằng ông Biden sẽ chủ trương lấy lại vị thế của Mỹ bằng việc quay trở lại với các khuôn khổ hợp tác đa phương, "làm lành" với các đồng minh. Điều này bao gồm hàn gắn với các đồng minh NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc... quanh chuyện gánh nặng tài chính, cũng như duy trì vị trí của Mỹ ở Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tái cam kết với thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris... Đây là những mối quan hệ được mô tả đã xáo trộn lớn trong bốn năm của ông Trump.

Trong bài phân tích trên NBC ngày 24-11, tác giả Richard Hanania, nhà nghiên cứu thuộc Defense Priorities, khẳng định trong vài năm tới Mỹ sẽ chứng kiến thực tế rằng Washington không còn là nhân tố thống trị trong các vấn đề quốc tế, với nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thúc đẩy hành trình đi xuống của Mỹ.

Khi nhóm của ông Biden chú trọng đa phương hóa, ôn hòa hơn, điều đó cũng không đồng nghĩa họ sẽ xoay chuyển được cục diện một sớm một chiều. Việc các nước ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang dấu ấn đậm nét của Trung Quốc vừa qua, dù chưa thể đánh giá mức độ hiệu quả của kinh tế - thương mại, có thể là tín hiệu cho thấy nước Mỹ sẽ khó khăn khi tìm cách tái định vị vai trò của mình trên trường quốc tế, đặc biệt khi điều này đòi hỏi sự đột phá về tư duy đối ngoại.

Nhà Trắng: Nhà Trắng: 'Chỉ nhân viên được ủy quyền mới nói chuyện trực tiếp với nhóm ông Biden'

TTO - Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã gửi thư cho nhân viên ngày 24-11 để thông báo rằng công việc của họ vẫn chưa kết thúc và chính quyền sẽ "tuân thủ mọi hành động cần thiết để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên