03/08/2015 15:34 GMT+7

Ông Ba Đò

ĐỨC TẤN
ĐỨC TẤN

TT - Ông có bộ dạng khá đặc biệt: tướng đi hơi đổ về phía trước, hai vai thường so lại, đầu hay ngẩng lên, nhưng đôi mắt luôn ngó xuống.

Ảnh minh họa

Tôi biết ông Ba (Ngô Văn Ba, 63 tuổi, ngụ khu vực 6, P.Hưng Phú, Q.Cái Răng, TP Cần Thơ) trong một lần làm khách tham quan chợ nổi Cần Thơ. 

Người ta bảo ông bị “bệnh nghề nghiệp”, trông lúc nào cũng như đang chèo đò vậy! Nhận xét coi bộ không sai, bởi như ông Ba tự nhận: “Từ trước tới giờ tui chỉ biết có nghề đưa đò thôi, tính ra cũng hơn 40 năm rồi”!

Đứng trên bến Ninh Kiều (P.Tân An, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) ngó sang bên kia sông là địa danh Xóm Chài (P.Hưng Phú, Q.Cái Răng), với những dãy nhà chen chúc của hàng ngàn hộ dân, sinh sống bằng đủ thứ nghề có tên và không tên.

Trước đây người dân Xóm Chài qua lại trung tâm TP Cần Thơ chủ yếu bằng đò chèo. Đò rất nhiều, nhưng khách đi lại đông nên thu nhập của dân chèo đò cũng kha khá.

Từ khi có phà sắt chạy qua chạy lại như con thoi, dân chèo đò co cụm, ai nấy đổi nghề, giờ chỉ còn hơn chục người vừa chạy đò ngang vừa chạy đò dọc theo yêu cầu của khách.

Mấy chục năm đưa đò, vợ chồng ông Ba đã nuôi nấng trưởng thành bảy người con. Giờ các con đã có vợ có chồng, ra ở riêng, ai cũng tất bật lo chuyện cơm áo từng ngày, ông Ba vẫn tiếp tục gắn mình với con đò.

Có điều hồi trước đưa khách bằng đò nhà, còn bây giờ, do tuổi cao sức yếu, bà Ba lại mắc bệnh thấp khớp, đi lại khó khăn, làm chỉ đủ ăn, không vốn để tậu đò mới, ông Ba đành chuyển sang “chạy chia”.

Chủ cũng là dân vạn đò, thấy ông Ba khó khăn nên giao hẳn con đò cho ông chạy, Các khoản thu nhập sau khi trừ tiền xăng, được chia theo tỉ lệ 4/6 (chủ đò bốn phần, người chạy đò sáu phần).

Để cạnh tranh với phà sắt “vừa nhanh vừa rẻ”, ông Ba thường chọn thời điểm nửa đêm về sáng (lúc phà chạy thưa chuyến) để đưa đón những người khách đi sớm về muộn, muốn qua sông về nhà ngay.

Mỗi chuyến đò ngang ông Ba chỉ lấy 4.000 đồng, dù khách chở hàng nhiều hay ít. Ông bảo: “Không nên lợi dụng lúc người ta cần mình mà bắt chẹt, chặt chém giá cao”.

Thức thâu đêm, vậy mà khi trời tờ mờ sáng, ông Ba lại tiếp tục ra bến Ninh Kiều xếp tài chuyến cùng với những bạn đò khác để chở khách đi chợ nổi hoặc qua cồn Ấu, vô Phong Điền, Mỹ Khánh tham quan vườn sinh thái.

Làm việc cật lực như vậy, thường mỗi ngày ông Ba được chia chừng 200.000 đồng.

“Bữa nay hên thiệt, có bốn vị khách Tây kêu tui chở vô rạch nhỏ (Phong Điền) chụp hình vườn cây, ruộng lúa. Gặp con nước ròng, đò mắc cạn tui phải lội xuống đẩy một đoạn. Trưa về họ boa thêm 150.000 đồng” - ông Ba khoe. Chúng tôi chia vui: Vậy là ông “sống khỏe” một ngày rồi.

Nhưng bất ngờ ông Ba nói: “Tui đâu hưởng một mình, phải nhập chung vô tiền công chở khách rồi chia cho chủ đò nữa chứ”. 

ĐỨC TẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên