Nhưng cũng có những quan điểm ông bà chăm cháu là đương nhiên, vậy là xảy ra không ít chuyện vui buồn.
Tự chăm con
Từ khi mới mang thai, chị L.Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã lâm vào cảnh khó xử khi cả bà nội và bà ngoại đều muốn chăm cháu, trong khi chị chỉ muốn tự chăm con của mình.
Chị Xuân nêu quan điểm: "Ông bà đến tuổi nghỉ ngơi mà lại dành thời gian chăm cháu thì có gì đó không công bằng với ông bà. Thay vào đó, tôi chỉ muốn ông bà vui thì chơi với cháu, còn lại dành thời gian du lịch, kết giao bạn bè an nhàn tuổi già".
Nhưng những gì chị mong muốn không "hợp lòng" cả nội và ngoại. Anh Hạnh, chồng chị Xuân, đồng ý với vợ. Tuy nhiên mẹ anh cho rằng bà còn khỏe, có thể đỡ đần cho con, ngay cả mẹ vợ cũng muốn chăm con sau sinh, chăm cháu ngoại khiến vợ chồng anh khó xử.
"Mẹ chỉ có mình là con trai nên muốn tự tay chăm sóc cháu nội. Nhưng mẹ vợ cũng muốn chăm cháu của cả hai con mình" - anh Hạnh chia sẻ.
Không chỉ vợ chồng chị Xuân, các vợ chồng trẻ hoặc các bà mẹ quyết định có con đơn thân cũng vậy. Với họ, việc vướng phải "rào cản" trách nhiệm mà ông bà tự thấy mình phải có, khó chịu khi bị "tước đoạt" quyền chăm sóc con cháu, có khi là tự ái khiến không khí gia đình căng thẳng thay vì phải vui vẻ.
Tìm cách nói với ông bà
Tâm lý "mẹ chăm con không bằng bà chăm cháu" vô tình trở thành quy luật bất thành văn trong các gia đình Việt Nam, sự ràng buộc trong mối quan hệ ba thế hệ.
Đầu tiên, xuất phát từ tình thương của ông bà đối với cháu và với con, muốn đỡ đần cho con, sợ con không có kinh nghiệm bằng mình. "Tôi không hài lòng với cách con gái chăm cháu. Nó ỷ còn khỏe, còn trẻ, con mới hơn một tháng mẹ đã áo hai dây ra đường, đi siêu thị, suốt ngày nằm máy lạnh... cũng chẳng xông hơ gì.
Chưa kể, cháu mới sinh cũng chẳng ủ ấm, chèn gối khi ngủ cho khỏi giật mình... Tất tần tật mọi thứ mình làm nó đều gạt đi" - bà Kim Liên (55 tuổi, Q.7, TP.HCM) bức xúc kể.
Cháu càng lớn, mâu thuẫn giữa bà và con gái càng tăng khi bà muốn can thiệp việc chăm cháu đều bị con ngăn cản, từ chuyện ăn uống, mang hay không mang tã đến những câu nói của bà cũng bị "gò ép" phải như vầy, không như thế kia để tránh tổn thương cháu. Nhưng bà thấy chính mình mới là người bị tổn thương.
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, sau tình thương là sự muốn sở hữu và ảnh hưởng của mình lên con cháu, như vậy cháu mới là của mình.
"Cha mẹ trẻ có trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy một đứa trẻ. Qua quá trình chăm sóc và nuôi dạy con, họ sẽ trưởng thành, nếu không thì cha mẹ mãi là những đứa trẻ sinh thêm một đứa trẻ.
Hơn nữa, khi chăm con, tình cảm của cha mẹ và con cái sẽ gia tăng từng ngày và các vợ chồng trẻ sẽ hiểu cha mẹ mình hơn. Lúc này, vai trò của ông bà là nền tảng cho cả gia đình phát triển" - bà Huệ phân tích.
Vì vậy, theo bà Huệ, việc ông bà chăm sóc cháu để cha mẹ trẻ đi làm cũng không có gì quá căng thẳng. Quan trọng là cha mẹ phải chủ động xác định mình là người nuôi dạy chính, ông bà chỉ hỗ trợ. Và cần có cách nói để ông bà không "phật lòng" và bớt gánh nặng trong việc chăm cháu.
Chị Thu Hà (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) từ khi sinh con đã chủ động chuyển đổi công việc để được tự tay chăm sóc con. "Mình thấy không nên đùn đẩy việc chăm con cho bà ngoại hay bà nội. Bà vui thì chơi với cháu, không thì thôi, đó không phải trách nhiệm con cái đổ lên cho bà ở tuổi già sức yếu" - chị Hà nói.
Bên cạnh những vợ chồng trẻ muốn chủ động trong việc nuôi, dạy con, có những vợ chồng cho rằng nên để ông bà chăm cháu như chia sẻ của chị N.H. (Q.Gò Vấp, TP.HCM): "Tôi sinh hai con liên tiếp trong 4 năm. Nếu bà nội và bà ngoại không thay phiên chăm cháu, làm sao vợ chồng có thể yên tâm đi làm? Chỉ có bà chăm cháu là tốt nhất".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận