21/07/2021 10:56 GMT+7

Olympic Tokyo 2020: Trung Quốc chật vật tìm lại vị trí... số 2

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Với 431 VĐV, đoàn Trung Quốc dự Olympic Tokyo 2020 là đoàn thể thao xuất ngoại lớn nhất trong lịch sử quốc gia này.

Olympic Tokyo 2020: Trung Quốc chật vật tìm lại vị trí... số 2 - Ảnh 1.

Nhật Bản (giữa) sẽ là đối trọng của Trung Quốc trong cuộc đua giành vị trí số 2 ở Olympic Tokyo - Ảnh: Reuters

Ở Olympic Bắc Kinh 2008, chủ nhà Trung Quốc có 639 VĐV. Còn ở Olympic London 2012 và Rio de Janeiro 2016, con số này lần lượt là 396 và 416.

Giấc mơ vượt Mỹ còn xa

Trước ngày lên đường sang Nhật, ông Gou Zhongwen - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trung Quốc - tuyên bố Trung Quốc đến Tokyo 2020 với hai mục tiêu: 1- Với mục đích thử nghiệm, nhằm xây dựng "quyền lực thể thao" vào khoảng năm 2035 (sau 4 kỳ Olympic nữa); 2- Để "ngăn cản sự sa sút" của Trung Quốc trong những kỳ Olympic gần đây.

Đó là những phát biểu "biết mình biết người" của thể thao Trung Quốc. Ở Bắc Kinh 2008, họ lần đầu tiên leo đến đỉnh của một kỳ Olympic và hoàn thành câu khẩu hiệu "vượt qua người Mỹ" mà các lãnh đạo thể thao nước này đặt ra từ 2 thập niên trước. Nhưng ngay ở thời điểm đó, các quan chức lẫn người hâm mộ Trung Quốc có lẽ vẫn hiểu được rằng câu khẩu hiệu của mình chưa được hoàn thành thực thụ khi chỉ đứng nhất ở kỳ Olympic mà mình là chủ nhà.

Và sự thật đã được chứng minh ở hai kỳ Olympic tiếp theo. Ở London 2012, Trung Quốc chỉ giành được 38 HCV, kém Mỹ 8 HCV. Đến Rio de Janeiro 2016, Trung Quốc thậm chí rớt xuống vị trí thứ 3 với 26 HCV, kém cả Anh (27 HCV) và kém xa Mỹ (46 HCV).

Bỏ qua kỳ Olympic do mình làm chủ nhà, thành tích của Trung Quốc ở Rio de Janeiro 2016 còn kém hơn cả ở Sydney 2000 - nơi họ giành 28 HCV dù chỉ cử đi 271 VĐV, hay Athens 2004 (32 HCV). Đà thăng tiến của thể thao Trung Quốc xem như đã đứt mạch sau khoảng 30 năm đầu tư không ngừng.

Quyết tâm làm cách mạng

Năm 2015, khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và WADA (Cơ quan Phòng chống doping thế giới) cùng nhau phanh phui bê bối doping ở Olympic 2008 và 2012, Trung Quốc bị tước 3 HCV ở Olympic 2008 còn Nga bị tước 5 HCV ở Olympic 2012 và án cấm thi đấu 4 năm. Sau đó, Nga và Trung Quốc thất bại ê chề ở Olympic 2016. Phải chăng khi kỷ cương được siết chặt, sự gian lận không còn đất dụng võ?

Sự sa sút của Trung Quốc thể hiện ở bơi lội và thể dục dụng cụ - hai môn thế mạnh của họ. Ở London 2012, Trung Quốc từng giành 5 HCV bơi, 5 HCV thể dục dụng cụ, nhưng đến Rio de Janeiro 2016 họ chỉ giành 1 HCV bơi (của Sun Yang). Trên đường đua xanh, Trung Quốc bị Nhật (3 HCV) vượt mặt.

Đó không hề là một thất bại nhất thời bởi ở Asiad 2018 tuyển bơi Trung Quốc một lần nữa bị Nhật đánh bại. Trước đó, tại Asiad Incheon 2014, tỉ số giữa bơi lội Trung Quốc và Nhật là 22-12. Từ đây, người Trung Quốc quyết tâm làm cách mạng và đó là lý do Tổng cục trưởng Gou tuyên bố sẽ "thiết lập quyền lực thể thao vào năm 2035". Vì vậy, họ mang đến Olympic Tokyo một đội ngũ VĐV khá trẻ với tuổi trung bình chỉ là 25,4.Trước mắt, Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để giành lại vị trí... số 2 ở Olympic Tokyo.

Chờ thế hệ kình ngư mới

Ngoài sự sa sút, tuyển bơi Trung Quốc còn tổn thất nặng nề ở Olympic Tokyo khi vắng kình ngư Sun Yang vì án phạt sử dụng doping. Sun Yang từng mang về 3 HCV Olympic và 11 HCV thế giới cho Trung Quốc.

Vắng Sun Yang, các kình ngư nam Trung Quốc khó lòng cạnh tranh nổi với Nhật và Mỹ. Thay vào đó, hy vọng sẽ đổ dồn vào đội bơi nữ với những gương mặt còn rất trẻ như Wang Jianjiahe (18 tuổi, đoạt 4 HCV ở Asiad 2018) hay Li Bingjie (19 tuổi, 2 HCV), Yang Junxuan (19 tuổi, 2 HCV)...

Những thông tin cần biết về Olympic Tokyo 2020 Những thông tin cần biết về Olympic Tokyo 2020

TTO - Ngày 23-7 tới, Olympic 2020 sẽ chính thức khai mạc. Tuổi Trẻ Online gửi đến bạn đọc những thông tin cần biết về sự kiện này. Trong đó, có đoàn thể thao Việt Nam.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên