28/04/2010 07:12 GMT+7

Oan cho thủy điện!

 TS HỒ NGỌC PHÚ(nguyên giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên - Huế)
 TS HỒ NGỌC PHÚ(nguyên giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên - Huế)

TT - Mấy ngày gần đây, vấn đề thủy điện miền Trung và Tây nguyên nóng trở lại trên báo chí, nhất là sau khi Bộ Công thương có báo cáo lên Chính phủ kết quả điều chỉnh quy hoạch thủy điện ở vùng này.

Báo cáo này của bộ vẫn cơ bản dựa trên báo cáo của UBND các tỉnh do các sở công thương triển khai. Các sở công thương hiện nay gần như không có hoặc có rất ít cán bộ chuyên môn thủy điện, thủy lợi thì làm sao nghiên cứu, điều chỉnh được các quy hoạch thủy điện?

Báo cáo có đề nghị Chính phủ bãi bỏ 38 dự án thủy điện ở miền Trung - Tây nguyên. Trước đó, Chính phủ cũng đã quyết định bỏ một số dự án thủy điện, chủ yếu là do các địa phương phản đối gay gắt, di dân quá phức tạp, ngập đất, rừng nhiều, rất khó thực hiện. Trong việc điều chỉnh này, chưa thấy yếu tố kỹ thuật can thiệp để làm rõ dự án có hiệu quả không. Theo tôi, cần phải có một cơ quan khoa học, trong đó có các chuyên gia về xây dựng thủy điện, đứng ra chủ trì để đánh giá việc này. Chẳng hạn Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN, trong đó có Hội Khoa học thủy lợi VN.

Nhiều nhà khoa học phê phán việc xây dựng và vận hành của các nhà máy thủy điện đã gây ngập lụt nghiêm trọng cho nhân dân và nhận định phải học thuộc lòng bài học xả lũ của thủy điện miền Trung trong mùa lũ năm 2009. Nhưng chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, ngành chủ quản là Tập đoàn Điện lực và Bộ Công thương vẫn bảo vệ việc làm của ngành điện là đúng về nguyên tắc: quy hoạch được duyệt, thiết kế và vận hành theo đúng quy định... Thế thì học cái gì?

Có nhiều ý kiến cho rằng làm thủy điện, nhất là thủy điện bậc thang, sẽ gây lụt nghiêm trọng và hạn hán cho vùng hạ du. Nhưng nếu các hồ chứa luôn có dung tích chống lũ cho hạ du thì làm sao lại gây ngập vùng hạ du? Các thủy điện vừa, nhỏ ở miền Trung và Tây nguyên vừa được xây dựng gần như không có nhiệm vụ, chức năng chống lũ cho hạ du, do đó không bố trí dung tích phòng lũ. Đó là nguyên nhân gây ngập lụt cho hạ du, cụ thể là trong mùa mưa lũ 2009. Hệ thống bậc thang các thủy điện và hồ chứa nước khổng lồ như Hòa Bình, Sơn La... đâu gây ngập lụt cho hạ du, mà ngược lại còn góp phần chống lũ, bảo đảm an toàn cho đê sông Hồng.

Còn nói xây dựng thủy điện gây hạn hán trong mùa kiệt ở hạ du cũng không phải. Xây dựng hồ chứa là nhằm phân phối lại dòng chảy trong năm cho phù hợp với nhu cầu của con người, cụ thể là trữ nước trong mùa lũ để sử dụng vào mùa kiệt, như vậy lượng nước mùa kiệt của sông sẽ được tăng lên. Tuy nhiên, chủ đầu tư muốn tích nước vào hồ để sớm phát điện nên gây hạn ở hạ du, nhất là trong trường hợp hồ chứa không có cống xả đáy. Nếu bắt đầu chứa nước vào hồ vào cuối mùa kiệt hoặc đầu mùa lũ sẽ không xảy ra tình trạng thủy điện gây hạn hán.

Trong quản lý xây dựng thủy điện còn nhiều việc rất quan trọng nhưng chúng ta chưa làm được. Quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, yếu trong tất cả các khâu như quy hoạch, tư vấn, xây dựng, vận hành. Hiện việc này hầu như do các chủ đầu tư của ngành điện quyết định, do đó gây mâu thuẫn giữa các ngành, địa phương dùng nước là điều chắc chắn. Chính vì cách quản lý kém nên vô tình gây tiếng oan cho thủy điện. Và bây giờ lại hình thành một sự cực đoan khác, cứ hễ nghe thủy điện là tẩy chay.

Một mùa lũ nữa lại sắp đến, nếu không có sự ứng xử thật khoa học, đúng đắn với thủy điện thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với năm trước.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đề nghị bỏ 38 dự án thủy điệnSông Bồ cạn vì hạn và thủy điệnChủ đầu tư muốn biến rừng thành... rẫyBị tái định cư trong rừng đặc dụngThủy điện gây sạt lởThủy điện “đuổi” dân chạy dài

 TS HỒ NGỌC PHÚ(nguyên giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên - Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên