Xe
15/06/2024 19:18 GMT+7

Ô tô điện Trung Quốc rầm rộ trình làng khách Việt, bỏ qua phát triển trạm sạc

Hãng ô tô điện lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc "đặt chân" vào thị trường Việt Nam. Điểm chung của xe Trung Quốc là ưu tiên bán hàng, chưa phát triển hạ tầng trạm sạc.

BYD rầm rộ tổ chức lái thử tại Việt Nam cho ba mẫu xe điện, nhưng chưa có giá bán chính thức - Ảnh: CÔNG TRUNG

BYD rầm rộ tổ chức lái thử tại Việt Nam cho ba mẫu xe điện, nhưng chưa có giá bán chính thức - Ảnh: CÔNG TRUNG

Sôi động thị trường ô tô điện

Chiều 15-6, BYD là hãng xe điện lớn nhất thế giới đã chính thức tổ chức cho người tiêu dùng tại TP.HCM lái thử ba dòng xe thương hiệu đến từ Trung Quốc.

Trong đó, mẫu BYD Seal là dòng xe sedan, Dolpin là mẫu xe hatchback, Atto 3 là dòng xe SUV đô thị. Hãng tổ chức cho khách hàng lái thử 5 ngày tại thị trường Việt Nam.

Lần trở lại thị trường Việt Nam của ô tô Trung Quốc có nhiều vấn đề khác trước đây. Cả ba mẫu xe BYD giới thiệu lần này đều là dòng xe có doanh thu cao ở trên thế giới. Công nghệ, khung gồm, pin và hệ thống truyền động có điểm nhấn khi các dòng xe này di chuyển trên 400km/lần sạc đầy.

Không chỉ BYD, mà các doanh nghiệp ô tô điện Trung Quốc đang "nổi sóng" ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong một tuần có 6 mẫu xe điện được trình làng.

Ông Phạm Công Quý (62 tuổi) trải nghiệm xe điện tại buổi lái thử diễn ra ở TP.HCM - Ảnh: CÔNG TRUNG

Ông Phạm Công Quý (62 tuổi) trải nghiệm xe điện tại buổi lái thử diễn ra ở TP.HCM - Ảnh: CÔNG TRUNG

Cách đây ba ngày, Chery Automobile - một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất Trung Quốc - đặt mục tiêu đưa thương hiệu Omoda và Jaecoo chạy đua trở thành top 5 thị phần ô tô tại Việt Nam.

Chery Automobile hợp tác với doanh nghiệp Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền để xây dựng nhà máy tại Thái Bình, với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD, công suất dự kiến 200.000 xe /năm. Năm nay, hãng sẽ phân phối 4 mẫu xe, bao gồm: Omoda C5 (bản xăng), Omoda E5 (thuần điện) và bộ đôi Jaecoo J7/J7 PHEV...

Thị trường ô tô điện đang sôi động, khoảng 10 thương hiệu ô tô đang sản xuất, lắp ráp và phân phối chính hãng xe thuần điện tại Việt Nam. Chẳng hạn VinFast, Wuling, Hyundai, Rolls Royce, BMW, Mercedes, Audi, Porsche, Haima, MG...

Theo các hãng xe, Việt Nam là một trong những thị trường ô tô điện tiềm năng, bởi quy mô dân số hơn 100 triệu người và phần lớn là những người trẻ quan tâm tới công nghệ.

Dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và 1,5 - 1,8 triệu xe sau năm 2035.

Xe điện Trung Quốc đang phả hơi nóng vào thị trường xe điện ở Việt Nam. Các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt về giá bán - Ảnh: CÔNG TRUNG

Xe điện Trung Quốc đang phả hơi nóng vào thị trường xe điện ở Việt Nam. Các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt về giá bán - Ảnh: CÔNG TRUNG

Ô tô điện Trung Quốc ưu tiên bán hàng, chưa chú trọng hạ tầng sạc điện

Số ô tô điện tăng nhưng hạ tầng trạm sạc còn thiếu. Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, điểm chung của các hãng xe Trung Quốc đưa xe vào thị trường Việt Nam chú trọng bán hàng, bỏ qua phát triển hệ thống trạm sạc.

Hiện nay, VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang có hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng, cho cả xe máy và ô tô, đặt tại bãi đỗ xe, bến xe, trung tâm thương mại, trạm xăng dầu...

Các doanh nghiệp phát triển trạm sạc khác như EVIDA, Charg Plus, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… có mở điểm sạc cho nhiều dòng xe, song số lượng không nhiều. Hãng xe như Porsch, BMW, Audi… chỉ xây dựng trạm sạc tại các đại lý bán xe của mình và trang bị bộ sạc tại nhà.

Theo các doanh nghiệp, để phủ sóng trạm sạc trên toàn quốc phải tốn từ trăm triệu tới hàng tỉ USD. Nếu doanh số bán không nhiều, rủi ro sẽ rất lớn.

Ông Võ Minh Lực - giám đốc điều hành BYD Việt Nam - cho rằng Việt Nam là thị trường quan trọng khi nhiều người dùng xe đón nhận công nghệ mới. BYD chưa có kế hoạch phát triển hệ thống sạc của riêng mình tại Việt Nam, mà sẽ phối hợp cùng các bên thứ ba để cung cấp cho khách hàng Việt Nam dịch vụ này.

Cụ thể, các nhà cung cấp mang giải pháp trạm sạc công cộng và sạc cá nhân, với đa dạng công suất đầu ra lên tới 180KW như Star Charge, Autel. Charge+… Đối với BYD cũng có sự phối hợp với các bộ sạc cầm tay, sạc treo tường với công suất 7KW. 

Dù vậy, người tiêu dùng cho rằng vẫn còn trở ngại khi khu dân cư đông đúc, các tòa nhà chung cư, hiện có tâm lý e ngại, không muốn lắp trạm sạc điện vì lo cháy nổ. 

Do đó, với doanh nghiệp sản xuất ô tô điện có hạ tầng trạm sạc dày đặc như VinFast đang được khách hàng cân nhắc chọn lựa khi mua xe. Ông Võ Minh Lực cũng nhìn nhận để có thể thành công xe Trung Quốc tại Việt Nam là phải hướng tới việc lắp ráp, sản xuất trong nước.

Hạ tầng sạc pin ô tô điện Việt Nam: Trạm sạc chưa nhiều, quy chuẩn chưa đủHạ tầng sạc pin ô tô điện Việt Nam: Trạm sạc chưa nhiều, quy chuẩn chưa đủ

TTCT - Tại Việt Nam, xe điện lăn bánh trên phố ngày càng nhiều nhưng nỗi lo bắt đầu hình thành từ các trạm sạc pin.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên