15/10/2015 11:19 GMT+7

Ở nơi tối lửa tắt đèn có nhau

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Khu phố 3, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú (TP.HCM) hơn ba năm nay dường như chẳng còn cảnh “đèn nhà ai nấy rạng”, bởi bà con trong khu phố luôn chú ý giúp đỡ người khó khổ hơn mình.

Ban điều hành “khu phố nghĩa tình” thường xuyên họp bàn những chương trình giúp đỡ bà con - Ảnh: Thanh Tùng
Ban điều hành “khu phố nghĩa tình” thường xuyên họp bàn những chương trình giúp đỡ bà con - Ảnh: Thanh Tùng

>> Kỳ 1: Nhịp cầu cho người “hồi gia”

Những nỗi khó khăn từ vật chất lẫn tinh thần đều được san sẻ, nơi này thành chốn ấm áp, yên vui hơn.

Đi qua những nếp nhà êm ấm đang chuẩn bị bữa cơm trưa, ông Bùi Đức Sảng, trưởng ban công tác mặt trận khu phố 3, nói nhẹ nhàng: “Khu phố được như vậy là nhờ bà con cùng nhau làm chương trình Tổ dân phố nghĩa tình mấy năm nay, đối đãi với nhau bằng cái tình chân chất...”.

Không thể “mạnh ai nấy sống”

Giống như những khu phố khác tại Sài Gòn, khu phố 3 cũng nhiều người tứ xứ đổ về làm ăn. Trong cuộc mưu sinh, sự hào sảng cũng vơi đi ít nhiều.

Ông Sảng kể trước đây khu vực này nhà cửa còn thưa thớt, nhiều ngôi nhà lụp xụp, mưa dột tứ bề, nền nhà thấp nên mỗi khi mưa lớn là ngập đến đầu gối. Đó là chưa kể tình trạng chủ nhà đi vắng trộm đột nhập nhưng hàng xóm không hề hay biết.

“Ngày ngày thấy cảnh bà con như vậy tôi cũng không yên tâm. Mà muốn thay đổi cho tốt hơn thì đòi hỏi phải có người đứng ra làm, làm có hiệu quả mới được” - ông nói.

Đỉnh điểm của cảnh “mạnh ai nấy sống” là chuyện một nhà kia có con trai mất nhưng chòm xóm hầu như chẳng đoái hoài. Gia đình này thuộc diện khó khăn nên không xoay đâu ra tiền lo liệu đám tang.

Ông Lê Đức Chiến, bí thư chi bộ khu phố 3, nhớ lại: “Lúc đó tôi cảm thấy day dứt lắm. Người ta vẫn thường nói xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, huống gì gặp cảnh sinh ly tử biệt. Mình không thể để tình trạng này kéo dài mãi”.

Vậy là ông Sảng cùng với ông Chiến, với những người bạn trong hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ cùng nhau lên kế hoạch xây dựng Tổ dân phố nghĩa tình theo chủ trương của Mặt trận Tổ quốc P.Tây Thạnh.

Năm 2010, sau khi lấy ý kiến của bà con, mọi người quyết định chọn tổ 60, 65, 68 để thực hiện trước. Ông Sảng quan niệm việc giúp đỡ người dân không chỉ vật chất mà quan trọng hơn là về tinh thần.

“Phải làm sao tạo cho bà con niềm tin, nảy sinh tình cảm thân thiết quý trọng với hàng xóm láng giềng, từ đó mọi người mới gắn bó quan tâm tới nhau”.

Ông Sảng cho biết thêm: “Lúc đầu mấy chữ tổ dân phố nghĩa tình còn khá mơ hồ với bà con, chúng tôi phải giải thích và đưa ra những kế hoạch giúp đỡ cụ thể thì bà con mới đồng lòng”.

Hiện tại, mỗi tháng bà con lại họp với ban điều hành một lần để nắm tình hình và cùng giải quyết các trường hợp khó khăn, vướng mắc ở nơi mình sống. Cứ vậy, từ 3 tổ dân phố ban đầu, nay sợi dây nghĩa tình đã nối kết 25 tổ dân phố của khu phố 3.

Chị Hồ Thị Phương (phải) đã có cuộc sống ổn định hơn từ sự hỗ trợ của Tổ dân phố nghĩa tình - Ảnh: Yến Trinh
Chị Hồ Thị Phương (phải) đã có cuộc sống ổn định hơn từ sự hỗ trợ của Tổ dân phố nghĩa tình - Ảnh: Yến Trinh

Của ít lòng nhiều

Vừa ngồi uống nước trà ở trụ sở khu phố xong, ông Sảng cùng với ông Chiến và bà Phan Thị Thân, trong hội phụ nữ, bàn nhau ghé qua nhà bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (66 tuổi, hẻm 38 Chế Lan Viên), vì thường ngày con cái đi làm là bà Anh lủi thủi ở nhà một mình.

Gia đình bà Anh là trường hợp được bà con khu phố giúp đỡ đầu tiên trong mô hình Tổ dân phố nghĩa tình.

Bà Anh quê ở Tiền Giang, lên Sài Gòn ở với con gái và con rể, phụ trông nom ba đứa cháu đang tuổi ăn học.

Chỉ lên mái tôn giờ đã được thay mới, bà Anh nói: “Trước đây nhà lợp tôn ximăng, mỗi đợt mưa dột không có chỗ ngủ, ngồi thu lu nhìn nước lênh láng khắp nhà. Thiệt khổ không kể xiết”.

Sau khi đồng lòng giúp đỡ bà Anh, chỉ trong thời gian ngắn khu phố đã góp được 15 triệu đồng giúp bà sửa nhà.

“Đáng quý là nhiều người đã tự mua ximăng, gạch, tôn... đem tới cho bà Anh. Ngày căn nhà hoàn thành, bà con tới chung vui, chúng tôi mới yên tâm về mô hình mới mẻ này” - ông Sảng nói.

Tới giờ, mỗi khi có ai nhắc về căn nhà nghĩa tình, bà Anh đều xúc động: “Mừng lắm chứ, xa quê mà được đối đãi như vậy tui còn mong gì hơn”.

Ghé qua nhà chị Hồ Thị Phương (tổ 60), chị Phương đang lui cui chuẩn bị để đầu giờ chiều dọn hàng bán bánh xèo ở đầu hẻm. Từ khi rời Quảng Nam vào Sài Gòn cách đây 11 năm, chị Phương xoay đủ nghề để kiếm sống và cùng chồng lo cho hai con.

Hết làm công nhân chị lại xoay qua bán sữa đậu nành, nước mía, rồi bán bánh xèo tới giờ. Chị kể: “Ngày trước chồng tôi bị tai nạn gãy chân, nghỉ ở nhà cả năm trời. Túng thiếu nhưng may mà mấy chị trong hội phụ nữ cho vay vốn 10 triệu đồng”.

Cảm động hơn là không chỉ cho vay vốn, các chị ở hội phụ nữ còn ghé ăn thử bánh xèo của chị Phương để góp ý.

Chị Phương còn nhớ rõ một buổi chiều chị đang bán thì bà Thân và mấy chị trong hội đến. Ăn bánh xong, mấy chị mới nhận xét nước chấm làm không “bắt” lắm, chấm bánh chưa “đã”.

Ngày hôm sau, một chị trong hội lại đến chỉ cách cho chị Phương làm nước chấm. Nhắc lại chi tiết này, chị Phương vui vẻ nói: “Số mình cũng may nên mới được mấy chị giúp đỡ từng chút một như vậy”.

Trước đây mỗi ngày chỉ bán hơn 20 cái bánh xèo, giờ đây chị Phương ngày nào cũng đổ bánh hết 2kg bột.

Trong khu phố, từ người già đến trẻ nhỏ nếu gặp khó khăn ban mặt trận đều nghĩ cách san sẻ. Trẻ em trong khu phố có hoàn cảnh quá khó khăn sẽ được xét cấp học bổng, được động viên thường xuyên để không phải bỏ học vì mặc cảm.

Ông Sảng còn kể những trường hợp mâu thuẫn trong các hộ gia đình, ban mặt trận đều tìm cách hòa giải nhẹ nhàng.

Mỗi ngày, những sáng kiến để khu phố của mình thêm nghĩa tình càng được các thành viên đưa ra. Ba năm nay, người dân thích thú với sáng kiến “Ngày đầu tiên đi học” dành cho các em mới vào lớp 1.

Ông Tôn Thất Hạp (73 tuổi, hội trưởng hội người cao tuổi) cho biết: “Tôi hiểu tâm lý trẻ con, sắp vào lớp 1 đứa nào cũng háo hức lẫn lo lắng. Mình là người lớn nên nghĩ cách để động viên các cháu”. Vậy là năm 2013 tổ dân phố của ông có sáu em vào lớp 1.

Ông cùng với ban mặt trận mua tặng mỗi em 10 cuốn tập, cặp sách và chụp hình để các em lưu lại khoảnh khắc ngày đầu đi học của mình.

Chị Trần Thị Mai, phụ huynh có con từng được tặng quà, chia sẻ: “Tấm hình con tôi ngày đầu đi học tôi vẫn còn giữ”. Năm học vừa rồi, ông Hạp cùng khu phố đã tổ chức cho 144 học sinh lớp 1 vui đón ngày đầu đi học.

Kết quả dễ nhìn thấy nhất của Tổ dân phố nghĩa tình, theo ông Sảng, là toàn khu phố giờ đây chỉ còn bốn hộ nghèo và theo đà này, ông hi vọng số hộ nghèo sẽ còn là con số không.

Từ mô hình của khu phố 3, Q.Tân Phú đã nhân rộng ra toàn quận. Còn những giá trị mà phố phường nghĩa tình đem lại, là tình người đã lan tỏa trong một cộng đồng giữa Sài Gòn đất chật người đông, thì khó mà đong đếm được.

____________

Kỳ tới: Tổng đài của “Tuấn mẹc”

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên