22/08/2015 10:27 GMT+7

​Ở lò đào tạo phi công chiến đấu

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TT - Có một lò đào tạo đặc biệt, nơi ấy lớp học là... bầu trời với học cụ là máy bay! Để có những chuyến bay dạn dày và kiêu hãnh, học viên được tôi luyện trong những giờ bay dũng cảm và nhọc nhằn.

Học viên Nguyễn Văn Diện chuẩn bị bài bay trên máy bay L-39 - Ảnh: Trung đoàn 910
Học viên Nguyễn Văn Diện chuẩn bị bài bay trên máy bay L-39 - Ảnh: Trung đoàn 910

4g30 sáng, doanh trại trung đoàn không quân 910 thuộc Trường Sĩ quan không quân TP Nha Trang, Khánh Hòa đã nhộn nhịp.

Các giảng viên, học viên, bộ phận kỹ thuật, hậu cần... cùng ra sân bay. Học viên lần lượt xếp hàng kiểm tra khám sức khỏe, đo huyết áp và các thủ tục khác để quyết định đủ điều kiện được lên máy bay hay không.

Khổ luyện trên mây

Mặt trời ló dạng. Đúng 5g30, máy bay trinh sát khí tượng báo về thời tiết thuận lợi. Trung đoàn trưởng trung đoàn 910 - đại tá Dương Hồng Trường quyết định buổi tập bắt đầu. Chiếc máy bay đầu tiên lăn ra khỏi hàng, chạy đà trên đường băng rồi xé gió lao vút lên bầu trời.

Trên bầu trời, học viên thực hiện các bài bay huấn luyện (vòng kín, công kích mục tiêu trên không, dưới đất, bay xuyên mây...) theo hướng dẫn trực tiếp của giảng viên và đài chỉ huy. “Trong không quân sợ nhất là mất liên lạc.

Trong chiến đấu, điều ấy càng nghiệt ngã hơn. Hệ thống thông tin vô tuyến điện tử nối trên không với vô tuyến mặt đất như người dẫn đường cho phi công” - đại tá Trần Hà Lan, phó chủ nhiệm chính trị Trường Sĩ quan không quân, giảng giải.

Sau khi cất cánh, học viên sẽ thực hiện bài bay khoảng 50 - 60 phút rồi bay về. “Không vực huấn luyện xa nhất mà học viên thực hiện huấn luyện bay trong vòng bán kính 73km. Mỗi học viên sẽ thực hiện 2 - 3 lượt bay trong một buổi huấn luyện” - thiếu tá Nguyễn Minh Nhật, phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn 910, cho biết.

Hiện trung đoàn không quân 910 là nơi thực hiện “công đoạn cuối cùng” trong quá trình đào tạo phi công của Trường Sĩ quan không quân. Sau hai năm đầu học lý thuyết cơ bản tại trường và năm 3 làm quen với máy bay Yak-52, năm học thứ 4 học viên được huấn luyện thực hành tại đây với máy bay L-39 hoặc trực thăng Mi-8.

Trở về từ bầu trời, học viên thượng sĩ Hoàng Việt Thái cho biết cảm giác thú vị của lần bay đầu tiên vẫn nguyên vẹn. Đó là tháng 1-2014, anh được thực hành trên máy bay Yak-52 để làm quen dần với độ cao, môi trường làm việc trên không và công việc của phi công.

Thái kể đối với mỗi học viên, khi được bay một mình là dấu ấn không quên, chứng tỏ học viên có thể làm chủ được máy bay và trở thành phi công. Còn thường, khi bắt đầu bước vào huấn luyện là có giảng viên bay kèm.

“Trước ngày bay đơn, hầu như cả đêm ấy tôi không ngủ được. Lo lắng và hồi hộp. Liệu mình có thực hiện được chuyến bay đó không? Các tình huống bất trắc nào sẽ xảy ra, liệu mình có xử lý được không? Có hạ cánh được không? Và hôm sau, khi thực hiện chuyến bay đơn thành công, tôi thở phào nhẹ nhõm và cực kỳ vui vì bước đầu mình đã chạm vào được giấc mơ phi công quân sự” - anh thổ lộ.

Theo thượng sĩ Thái, bản lĩnh xử lý sự cố đối với phi công là vô cùng quan trọng. Lần ấy anh bay đơn, thực hiện động tác nhào lộn phức tạp trên máy bay Yak-52. Sau khi thực hiện xong thì xảy ra tiếng động lớn.

“Tôi nghĩ liệu có gì hỏng hóc hay động cơ có vấn đề và bắt đầu kiểm tra lần nữa. Tôi phải bình tĩnh dù lúc đầu rất lo sợ. Tôi kiểm tra lại tất cả tham số động cơ, giữ lại trạng thái trên máy bay và tiếp tục thực hiện chuyến bay, hạ cánh an toàn” - anh Thái nhớ lại.

Chọn lọc khắc nghiệt

Các học viên đang được điều khiển máy bay L-39 là những học viên xuất sắc, được tuyển chọn rất gắt gao để khổ luyện thành phi công chiến đấu giỏi, hướng đến lái những chiến đấu cơ hiện đại.

“Từ số lượng học viên đầu vào đến lúc huấn luyện trên máy bay thì chỉ 1/3 đủ năng lực, điều kiện học lái máy bay phản lực” - thiếu tá Nguyễn Minh Nhật cho biết.

Muốn trở thành phi công quân sự, đòi hỏi học viên phải nắm chắc lý thuyết cơ bản, lý thuyết thực hành bay cũng như rèn luyện kỹ năng bay đến độ tinh nhuệ. Do vậy cần phải có bản lĩnh cao và sức khỏe tốt. Phi công lái máy bay dân dụng cất cánh và bay bằng.

Trong khi phi công chiến đấu yêu cầu kỹ thuật tinh nhuệ và nguy hiểm hơn rất nhiều khi bay nhào lộn, vòng chiến đấu, bổ nhào, lên gấp, bay xoắn... với cả trăm bài bay khác nhau.

Để rèn luyện thể lực, ngay từ đầu học viên phải tập luyện các bài khó như xoay vòng ly tâm, vòng quay trụ, đu quay... Tốc độ quay càng nhanh, số vòng càng nhiều sẽ là cách để học viên rèn luyện tiền đình. Tiền đình vững là điều kiện bắt buộc đối với phi công quân sự khi bay ở độ cao hàng ngàn mét và thực hiện các động tác bay chiến đấu. Học viên phải học nhảy dù từ trực thăng để làm quen độ cao.

Đại tá Phạm Văn Đông - phó chính ủy nhà trường - kể có nhiều học viên hết hai năm lý thuyết, bắt đầu thực hành lái máy bay Yak-52 nhưng không thể bay được, bị cắt bay, phải chuyển sang đào tạo ngành khác. Thậm chí, có học viên khổ luyện thành công với Yak-52 nhưng không thể lái máy bay L-39, đành phải chuyển sang huấn luyện với trực thăng Mi-8.

Học viên Nguyễn Văn Diện - đang học năm thứ tư, lái máy bay L-39 - kể trước khi thi tuyển đầu vào, anh đã phải qua vòng khám sức khỏe đặc biệt.

“Ngoài khám tổng quát, phải kiểm tra khí áp. Bác sĩ cho mình ở cảm giác độ cao... 5.000m. Rồi ngồi trên ghế và xoay ghế rất nhiều vòng, khi đứng lên phải đi được một đoạn mà vẫn giữ thăng bằng” - Diện kể.

Tuy nhiên, sau khi đủ điều kiện thành học viên và luyện tập với cường độ cao nhất mà không đủ sức khỏe, không đủ năng lực, học viên đành phải dừng ước mơ làm chủ bầu trời.

Giảng viên dạy bay tại trường còn là người lính luôn sẵn sàng nhiệm vụ chiến đấu. Một người kèm 2 - 3 học viên.

“Giảng viên dạy bay không như giảng viên các trường khác, nghĩa là ngoài truyền thụ kiến thức thì phần còn lại quan trọng là sự tiếp thu và năng lực của học viên. Ở đây, thành công hay thất bại của trò gắn liền với trách nhiệm của thầy, của cả tập thể. Nghề bay rất nghiệt ngã” - đại tá Đông thổ lộ.

Còn học viên Bùi Mạnh Cường, quê ở Hòa Bình, tâm niệm: “Dưới mặt đất, tôi đã được học để hiểu nhiệm vụ của mình hết sức nguy hiểm nhưng cũng được dạy rằng người phi công chiến đấu khi đã bay là phải luôn cố gắng làm chủ bầu trời, nhiệm vụ cao cả là bảo vệ đất nước nên khó khăn nào cũng phải vượt qua”.

Tình huống nguy hiểm

Nhớ lại ngày 12-7-2013, thiếu tá Tô Anh Tuấn - phó phi đội huấn luyện phi đội 2 - kể khi ấy thực hiện 58 lần chuyến bay, đến bài 13: Công kích mục tiêu trên không, ở độ cao trung bình 3.500 - 4.000m trên không vực tỉnh Gia Lai. Sau khi cất cánh được 50 phút, học viên hoàn thành nhiệm vụ công kích, chuẩn bị hạ cánh thì phát hiện vòng quay treo ở 80% (tình huống này sẽ không giảm được tốc độ, giống người chạy ôtô mà không thể giảm ga).

Được sự hỗ trợ từ mặt đất của chỉ huy chính là đại tá Dương Hồng Trường - trung đoàn trưởng trung đoàn 910, thiếu tá Tô Anh Tuấn nhắc học viên ở buồng trước là Lương Nguyễn Hữu Phước kiểm tra và thấy các chỉ số vẫn hoạt động bình thường.

Hai thầy trò cùng phối hợp tính toán hạ cánh. Lúc này, tốc độ máy bay khoảng 250 km/h. Phương án tắt máy bay được đưa ra. Khi máy bay ở độ cao 8m, thiếu tá Tuấn nhắc học viên tắt máy và đã hạ cánh an toàn.

“Đây là một tình huống nguy hiểm. Nếu không tính toán thời gian nào để tắt máy, máy bay có thể hạ cánh sai lệch vị trí, đâm vào các vật khác. Hạ cánh với tốc độ lớn dễ gây nổ lốp. Tất cả các tình huống đều gây nguy hiểm đến người phía dưới, tính mạng thầy trò” - thiếu tá Tuấn nói.

Đào tạo cho cả Lào và Campuchia

Học viên ra khu vực máy bay L-39, chuẩn bị cho buổi huấn luyện bay tại trung đoàn 910 -  Ảnh: M.Phượng
Học viên ra khu vực máy bay L-39, chuẩn bị cho buổi huấn luyện bay tại trung đoàn 910 - Ảnh: M.Phượng

Trường Sĩ quan không quân được thành lập ngày 20-8-1959 ở miền Bắc. Các lứa phi công chiến đấu, lập nhiều chiến công trong kháng chiến đều trưởng thành từ đây. Đại tá Trần Hà Lan, phó chủ nhiệm chính trị nhà trường, cho biết: trước năm 1990, phi công quân sự Việt Nam một số vẫn qua Nga, Úc để huấn luyện. Tuy nhiên từ năm 1990, phi công hoàn toàn do trường đào tạo và sẽ về nhận nhiệm vụ ở các đơn vị quân đội trong cả nước. Trường còn đào tạo phi công quân sự cho Lào và Campuchia.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên