PGS.TS Hoàng Đức Hạnh: Tình hình dịch bệnh liên quan đến Bệnh viện Việt Đức không quá đáng ngại vì đã triển khai truy vết, khoanh vùng nhanh chóng, kịp thời - Ảnh VGP
Trao đổi với phóng viên báo chinhphu.vn, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết: “Việc xuất hiện một số ca F0 cộng đồng liên quan đến Bệnh viện Việt Đức đã nằm trong dự đoán chứ không có gì bất ngờ.
Không chỉ Việt Đức mà tất cả các bệnh viện đều có nguy cơ rất cao vì những người có bệnh mới vào viện điều trị nên nguy cơ lây lan dịch đã lường trước. Đến nay, tình hình không quá đáng ngại vì đã triển khai truy vết, khoanh vùng nhanh chóng và kịp thời”.
Đến sáng 3-10, tại Hà Nội có 25 ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Việt Đức, chủ yếu nằm ở Trung tâm phẫu thuật đại trực tràng tầng sinh môn (tầng 7 nhà D của bệnh viện). Vì vậy, bệnh viện chỉ khoanh nơi có liên quan, các khoa phòng khác vẫn phải hoạt động, khám chữa bệnh bình thường.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng hiện nay Hà Nội vẫn đang đi đúng hướng và chắc chắn. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi được hạn chế vì đây là dịch bệnh mới nên làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó; biến chủng mới lây lan rất nhanh và trong thời gian ngắn (khoảng 2-3 ngày).
Bên cạnh đó, về ý thức của người dân, lúc đầu họ có hợp tác bài bản nhưng sau đó có một số không hợp tác vì sợ lây bệnh nên đã không ra lấy mẫu xét nghiệm hoặc lúc đầu nhiều người dân không tiêm vắc xin.
Theo ông Hạnh, vì những nguyên nhân trên nên trong lần dịch thứ 4 này, cách làm của Hà Nội cũng khác, quyết liệt hơn và mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cũng nhấn mạnh về quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống dịch lần này là rất quyết liệt nhưng phải linh hoạt, hiệu quả, an toàn và người dân vẫn phải là trung tâm.
Ông Hạnh cũng khuyến cáo: “Chống dịch thành công hay không do ý thức của người dân. Vì vậy người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch khi đi ra ngoài, vệ sinh sát khuẩn tay nhanh, đeo khẩu trang…
Đồng thời hiểu được cơ chế của dịch là lây trực tiếp hoặc lây gián tiếp qua vật trung gian, hay trong buồng kín chứ không phải lây qua không khí; chỉ lây qua không khí trong buồng kín chứ không phải ngoài trời.
Thứ hai là tiêm vắc xin sớm, để tạo miễn dịch cộng đồng khi đạt 70% dân số tiêm đủ 2 mũi. Sau có thể vẫn nhiễm bệnh nhưng không nặng và hầu như không có tử vong. Quan trọng nhất của bệnh là chữa được, không có tử vong như vậy là đã thành công.
Khi Hà Nội tiêm phủ mũi 2 cho người trưởng thành thì tình hình dịch sẽ ổn hơn, nhưng khi chưa tiêm đủ hết 2 mũi, chúng ta chỉ nên nới lỏng chứ không được buông lỏng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận