Thông tin về tuyến đường được đầu tư hơn 1,5 tỉ USD bị nứt đã gây nhiều nỗi hoài nghi trong lòng người dân.
Trước đó không lâu, tại cuộc họp ở Bộ GTVT vào chiều 24-6-2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải kêu lên: “Tôi nhiều đêm mất ngủ vì chuyện hằn lún mặt đường” khi nói về tình trạng mặt đường bêtông nhựa bị lún, càng khắc phục càng lún.
Lý do làm tư lệnh ngành mất ngủ vì chất lượng công trình không được như mong muốn cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì thời gian qua, nhiều dự án công trình giao thông xuất hiện hư hỏng, lún nứt ngay cả khi đang thi công hoặc vừa mới đưa vào khai thác.
Riêng việc lún mặt đường bêtông nhựa, Bộ GTVT đã huy động cả bộ máy, các chuyên gia trong và ngoài ngành vào cuộc tìm nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để.
Câu chuyện đường chờ lún diễn ra tại Việt Nam trong hàng chục năm qua đã có rất nhiều lý giải. Ai cũng biết một tuyến đường đi qua nhiều vùng địa chất khác nhau là điều không tránh khỏi.
Nhưng trí tuệ của loài người trong hàng trăm năm qua đã đưa ra các giải pháp xử lý nền đất yếu. Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, các giải pháp này ngày càng hiệu quả và hiện đại hơn. Thế nhưng ở Việt Nam vẫn kéo dài tình trạng đường chờ lún.
Ngoài các yếu tố về khảo sát, thiết kế, thi công để xử lý đất yếu, các chủ đầu tư thường đưa ra lý do dự án gặp vướng mắc, bàn giao mặt bằng chậm nên không đủ thời gian xử lý.
Vì vậy phải chấp nhận thông xe và tiếp tục theo dõi lún để hoàn thiện mặt đường sau. Về mặt xã hội thì tuyến đường phát huy hiệu quả sớm hơn, nhà đầu tư cũng thu phí sớm hơn sau khi bỏ ra số tiền rất lớn để làm đường.
Nhưng với người dân, những người đóng thuế, trả phí để làm đường, họ chỉ có một mong muốn là đường đã hoàn thành thì phải tốt, không hư hỏng, đi lại thuận tiện, an toàn.
Người dân cũng có quyền hỏi rằng: dự án xây dựng đường kéo dài 5-10 năm, giãn tiến độ nhiều lần, tại sao những người có trách nhiệm thực hiện dự án không thực hiện các giải pháp để có mặt bằng sớm nhằm xử lý những vị trí đất yếu đã biết trước thông qua khảo sát? Bên cạnh đó là cả loạt nghi vấn về khảo sát, thiết kế kỹ thuật, phương pháp thi công thế nào mà để những đoạn đường vừa thông xe đã hỏng?
Sản phẩm của ngành giao thông khi hoàn thành đều phơi bày ra rõ ràng và tác động trực tiếp hằng ngày, hằng giờ với người dân.
Nhưng khác với những ngành khác, ngành giao thông không thể cử người kiểm soát chất lượng từng sản phẩm trước khi xuất xưởng để loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng.
Còn người dân, dư luận dù có thể thông cảm với những sự cố, sai sót khi thi công, cảm thông với sự chậm trễ do điều kiện mặt bằng nhưng hiếm ai hài lòng khi phải sử dụng một sản phẩm vừa hoàn thành đã hư hỏng ngay.
Rõ ràng, tiền làm đường dù là vốn vay nước ngoài, vốn ngân sách hay từ các tổ chức, cá nhân đầu tư thì chung quy vẫn là đồng tiền do người dân trả qua thuế, phí.
Chính vì thế mà không nên để nứt đường làm rạn nứt cả niềm tin của người đóng thuế làm nên những con đường này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận