05/01/2018 17:49 GMT+7

Nước Mỹ rối bời vì lạnh 5 5

Steve Urbanski (giảng viên báo chí ĐH West Virginia) - Hồng Vân chuyển ngữ
Steve Urbanski (giảng viên báo chí ĐH West Virginia) - Hồng Vân chuyển ngữ

TTO - Khi tôi bắt đầu chuyến đi bộ thể dục ngày 3-1, thời tiết ở Pittsburgh khoảng -3,3 độ C. Có lúc tôi phải mở dây kéo chiếc áo khoác mùa đông của mình xuống vì cảm thấy hơi... nóng.

Nước Mỹ rối bời vì lạnh - Ảnh 1.

Du khách ngắm cảnh trong khuôn viên thác Niagara ngày 3-1 - Ảnh: REUTERS

Bạn hãy hình dung trời thì -3,3 độ C và tôi cảm thấy sao mà ấm quá. Đó là bởi hôm nay là ngày đầu tiên kể từ Giáng sinh nhiệt độ ở Pittsburgh, bang Pennsylvania lên được tới -3,3 độ C.

Như Bắc cực

Nhìn lại biểu đồ thời tiết, có thể gọi thời tiết mùa đông năm nay bằng cụm từ "lạnh thấu xương". Ngày 25-12-2017: -7,2 độ C, ngày 26-12: -8,8 độ C, ngày 27-12: -13,8 độ C, ngày 28-12: -16,1 độ C, ngày 29-12: -11,1 độ C, ngày 30-12: -12,2 độ C, ngày 31-12: -15,5 độ C, ngày 1-1-2018: -16,6 độ C, ngày 2-1: -13,8 độ C...

Trong một chuyến dạo bộ khác (ngày nào tôi cũng đi bộ thể dục vào rừng), nhiệt độ buổi chiều vào khoảng -11,1 độ C và gió thổi liên hồi, khiến cái lạnh chúng ta cảm thấy ghê gớm hơn cái lạnh mà máy móc đo được.

Gió lạnh là thuật ngữ các nhà dự báo thời tiết hay nhắc đến trong những ngày này. Nhưng theo tôi, từ "đau đớn" có lẽ là thích hợp hơn. Tôi phải lấy khăn lông quấn vòng quanh mặt để bảo vệ da khỏi những cơn gió lạnh lẽo, rát buốt như kim châm và để tránh cho da mặt bị cóng. Dù vậy, khi kết thúc chuyến đi, hai chân tôi đã tê cứng.

Nhiệt độ lạnh như Bắc cực được dự báo lại ngự trị đến hết tuần. Thứ hai tuần sau mới là một ngày ấm áp, rồi sau đó lại giá lạnh. Năm nay, cứ một ngày trời lạnh bình thường, rồi lại đến 3 - 4 ngày lạnh tê tái, thậm chí lạnh thấu xương, rồi đột ngột bình thường trở lại.

Rất nhiều lần tôi đã mơ về một mùa đông ôn hòa bất ngờ như của năm ngoái. Trong tuần đầu tháng 1, trời có khi chỉ 8-10 độ C, chỉ có ba ngày nhiệt độ âm, cũng chỉ từ -1,6 tới -7,7 độ C. Năm nay mùa đông đến trễ, thỉnh thoảng có một ngày lạnh, nhưng giờ thì mới "biết tay nhau".

Giữa băng tuyết và các cơn run rẩy, có một niềm an ủi nhỏ là Pittsburgh - chỗ tôi ở - năm nay không có quá nhiều tuyết, chỉ dày độ 7-8cm ngay trước nhà tôi vào thời điểm hiện thời. 

Điều này ngược với mùa đông năm 2010, khi một cơn bão tuyết vào đầu tháng 2 tặng cho người dân một món quà không ai muốn nhận: tuyết dày tới 41,4cm. Lúc đó, tuyết đã làm tê liệt giao thông ở Pittsburgh trong nhiều ngày liền. 

Do làm việc ở Đại học West Virginia, cách 135km về phía nam Pittsburgh, tôi không đi đâu được mà phải ở nhà nhiều tuần liền. May nhờ thời đại công nghệ, tôi vẫn có thể liên hệ với sinh viên và giao các em bài tập.

Rối bời vì lạnh

Nhiều đường ống nước ở Pittsburgh bị vỡ (nước đông lại sẽ nở ra, làm vỡ đường ống). Hệ thống đường khí đốt cũng bị đe dọa gây gián đoạn, dù trong khu vực tôi sống điều này không xảy ra. 

Đã có một trường hợp tai nạn liên hoàn của 75 chiếc xe gần Buffalo vì tuyết quá nhiều, còn ở Erie tuyết dày đến hơn 1,5m chỉ mới vài ngày trước. Tuy nhiên, dân ở Erie hẳn đã quen vì họ luôn có nhiều tuyết trong mùa đông.

Thác Niagara gần như đóng băng. Đó là một cảnh tượng kỳ vĩ của thiên nhiên mà những người dám chịu lạnh muốn chiêm ngưỡng.

Với đa số mọi người, mùa đông chưa bao giờ dễ dàng. Lối đi và các con đường trở nên trơn trượt, nguy hiểm. Sưởi ấm ngôi nhà rất đắt đỏ và đôi khi máy sưởi lại bị hư vào những thời điểm không đúng lúc. 

Nhưng có một điều làm cho việc trải qua tất cả những khó khăn trong mùa đông xứng đáng: mùa xuân luôn đến như một món quà kỳ diệu và ấm áp. Sớm hay muộn, một ngày hoàn hảo khi những con chim hót véo von và những bông hoa đầu tiên nở rộ sẽ đến, và mùa đông bỗng nhiên như chưa bao giờ từng ở đó.

Tuyết rơi ở... Florida

Sở Khí tượng quốc gia cho hay các cơn mưa đóng đá đi kèm với tuyết sẽ diễn ra dọc vùng bờ biển Đại Tây Dương của nước Mỹ, từ Florida lên tới North Carolina.

Theo CNN ngày 4-1, dự báo cuối tuần này một trận bão tuyết lớn sẽ ập vào vùng đông bắc nước Mỹ, đổ tuyết dày khoảng 40cm, gió mạnh, một số nơi sẽ lạnh hơn sao Hỏa. 13 bang ở miền đông bắc được cảnh báo bão tuyết vào ngày 4-1. Đã có ít nhất 12 người chết ở Mỹ trong tuần này liên quan đến thời tiết lạnh giá.

Theo trang Flightaware.com, hơn 2.700 chuyến bay trong ngày 5-1 sẽ bị hoãn và hơn 90% các chuyến bay từ sân bay LaGuardia của New York sẽ bị hủy. Hãng American Airlines đã ngừng tất cả các chuyến bay từ Boston.

Trong một hiện tượng hiếm thấy, các bang ở miền đông nam cũng thấy băng giá và tuyết rơi - như tuyết rơi ở Florida và người dân ở những nơi này cực kỳ thích thú vì lần đầu tiên thấy tuyết ở nơi này sau khoảng 30 năm.

Steve Urbanski (giảng viên báo chí ĐH West Virginia) - Hồng Vân chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên