28/04/2010 06:01 GMT+7

Nước mắt dành cho ngày gặp mặt

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - 30-4-1975, ngày vui lớn của toàn dân tộc, nhiều người đã rơi nước mắt. Những ngày tháng 4-2010 này, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều người rơi nước mắt. Những giọt nước mắt tràn đầy mừng vui, tự hào mang theo một chút xót xa, đau đớn vẫn y như 35 năm trước.

z6ECa8Uc.jpgPhóng to

Tấm ảnh thu được từ văn phòng tổng tham mưu trưởng chính quyền Sài Gòn. Trong ảnh: người đứng giữa, đeo kính là đại tá Nguyễn Thế Truyện, tư lệnh phân khu 1 Sài Gòn - Gia Định - Ảnh tư liệu

Cái giá phải trả cho chiến tranh quá lớn. Những mất mát đã được ghi nhớ và nhắc nhở ngay từ phút đầu tiên vòng nguyệt quế của chiến thắng xuất hiện, và từ bấy đến nay vẫn chưa một phút nguôi quên. “Đó chính là điều an ủi lớn nhất với gia đình chúng tôi về sự hi sinh của ba mình” - bà Nguyễn Thế Thanh nghẹn ngào vuốt một tấm ảnh cũ đã ố vàng ép plastic cẩn thận và được coi như bảo vật của gia đình bà.

30-4-1975, Sài Gòn

Cánh quân phía đông của phó tư lệnh Lê Trọng Tấn vào Sài Gòn đầu tiên. Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, bộ đội bắt đầu tiếp quản toàn TP. Điểm đầu tiên mà tướng Lê Trọng Tấn đến xem xét không phải là dinh Độc Lập. Ông đến bộ tổng tham mưu của chính quyền Sài Gòn, vào ngay phòng tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên.

Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, súng, quần áo vương vãi khắp nơi, dấu tích của một cuộc tháo chạy tán loạn. Tướng Lê Trọng Tấn ngồi vào bàn, giở những tập hồ sơ mật. Phút thăng hoa nhất của chiến thắng, lạ thay, ông lại muốn lấp đầy ngay bằng công việc, kìm nén bớt những cảm xúc trào lên trong lòng. Ông dừng lại ở một bức ảnh. Tấm ảnh đen trắng được phóng to chụp lại một buổi làm việc của Bộ tư lệnh Miền với chú thích rõ ràng tên, chức vụ của từng người, hẳn là nét chữ của một kẻ “chiêu hồi” nào đó. Trong ảnh, ông, tướng Lê Trọng Tấn, ngồi ngay góc bên trái. Trọng tâm tấm ảnh là một người cao gầy, đeo kính đứng thuyết trình.

Tướng Lê Trọng Tấn không nhớ tấm ảnh này đã được chụp trong trường hợp nào, ông cũng không nghĩ xem vì sao nó đã rơi vào tay đối phương. Ông chỉ nhớ Năm Truyện, đại tá Năm Truyện, Năm “mắt kiếng”, người em, người đồng đội thân thiết đã từng cùng ông bao lần vào sinh ra tử. Trong ảnh, Năm Truyện với vẻ nhẹ nhàng, thư sinh nhưng tự tin, quyết đoán quen thuộc đang trình bày một phương án tác chiến nào đó, và nhìn vẻ mặt của ông, người thủ trưởng biết chắc chắn ông sẽ thành công. Năm Truyện đã nằm lại phía đông thành phố từ chiến dịch Mậu Thân, không được nhìn thấy hòa bình.

Tấm ảnh chụp rất rõ ràng này rất có thể là nguyên nhân căn cứ bị lộ, dẫn dến sự hi sinh của Năm Truyện, để lại nỗi đau xót cho toàn quân năm ấy. “Không ngờ anh em chúng ta lại được gặp nhau ở đây, trong giờ phút ngất ngây này” - tướng Lê Trọng Tấn như nhìn thấy Năm Truyện hiển hiện ngay trước mặt.

Một thôi thúc trào dâng trong lòng, ông bỗng làm một việc vượt ngoài nguyên tắc: rút cây bút đỏ, lật mặt sau tấm ảnh và viết “Thân tặng chị Cầm vinh dự của chị và các cháu. Ngày 30-4-1975. Ba Long”. Ông chuyển tấm ảnh cho người trợ lý, bảo: “Gửi ngay bằng đường quân sự đến gia đình đại tá Năm Truyện”.

X8QzDnC9.jpgPhóng to
Mặt sau tấm ảnh với bút tích của tướng Lê Trọng Tấn ngày 30-4-1975 - Ảnh tư liệu

30-4-1975, Hà Nội

Sáng ấy, Nguyễn Thế Thanh thi vấn đáp môn cuối cùng của khóa cử nhân ngoại ngữ. Ngồi chờ gọi tên nhưng lòng cô cứ chộn rộn lắng nghe tiếng radio vang vang phát qua loa báo từng bước đi của quân giải phóng.

Theo dõi tình hình chiến sự đã trở thành thói quen của người Hà Nội từ bao giờ, và hôm nay biết ngày thống nhất đã gần kề, tim Thanh đập mạnh hơn bao giờ hết. Miền Nam chính là quê hương ba má cô, nơi hai người yêu nhau và làm lễ cưới, nơi cô cất tiếng khóc chào đời khi cha đã ra cứ, mẹ ở lại nội thành và cắn răng che chở cho đứa con vừa tượng hình trước những đòn thù tra khảo. Miền Nam cũng chính là nơi cha cô đã nằm lại sau những năm tháng oanh liệt nơi chiến trường. Miền Nam đang gần hơn bao giờ hết...

“Vui sao nước mắt lại trào...”

Những ngày tháng 4, thiếu tướng Hoàng Dũng rơi nước mắt khi trao tặng bảo tàng những kỷ vật cuối cùng, nhắc đến hàng ngàn, hàng vạn đồng đội vô danh vẫn đang còn đâu đó trong từng tấc đất ngoài kia. Những người cựu chiến binh của lữ đoàn đặc công biệt động 316 đứng nghiêm, rưng rưng thả vòng hoa xuống lòng sông Rạch Chiếc, nơi 52 người anh hùng của họ đã nằm lại trong vòng một ngày đêm mở đường vào TP.

Những bản báo cáo tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh ghi nhận có hơn 6.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hi sinh xung quanh TP từ ngày 29 đến 30-4...

“Chiến dịch Hồ Chí Minh nằm trong điều kiện thuận lợi chín muồi về mọi mặt nhưng chiến thắng cũng đâu phải giản đơn” - thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên chánh văn phòng Bộ chỉ huy chiến dịch, trầm ngâm. Vì thế mà “vui sao nước mắt lại trào”.

Thanh sốt ruột vì cái tên nằm gần cuối của mình, đề nghị một cậu bạn đổi cho cô thi trước. Xong, Thanh vội đón xe buýt về nhà. Vừa đến khu vực Quốc Tử Giám quen thuộc, bước xuống xe cô đã nghe cả đường phố hò reo náo nức: “Sài Gòn giải phóng rồi”. Cờ đỏ tung bay khắp các phố, các cửa hàng bia hơi tấp nập người uống mừng chiến thắng. Những người Hà Nội hồ hởi nắm tay nhau, ôm nhau mà cười, mà khóc.

Thanh lính quýnh “bay” ngay về nhà. Cả khu tập thể bộ tư lệnh đang xôn xao, người cười, người khóc. Và mẹ cô đang lặng lẽ lau vội những giọt nước mắt để nở nụ cười với con. Đất nước thống nhất, mơ ước của ba má đã thành hiện thực, cả nhà sẽ được trở về quê hương nhưng vẫn sẽ mãi mãi không còn ba nữa, mấy chị em Thanh đều biết rõ điều đó. Nhưng dù có như thế thì đây vẫn là những ngày vui nhất, ba đã hi sinh để có ngày vui này, Thanh an ủi mẹ, khuyên mẹ đừng khóc nhiều kẻo ảnh hưởng đến niềm vui chung của bao người.

Một ngày, hai ngày, ba ngày... Không khí vẫn náo nức lắm. Mọi người nấu những món ăn tươi, sửa soạn những mâm cơm tươm tất cúng ông bà, tổ tiên. Và nhà Thanh bỗng có khách. Một anh bộ đội đến, tự giới thiệu là trợ lý của bác Lê Trọng Tấn, người bạn, người thủ trưởng thân thiết của ba, và anh đưa cho mẹ Thanh một phong bì. Mở ra, bà lại òa khóc. Chị em Thanh xúm lại xem tấm ảnh vừa được rút ra, “Ba, ba đã về...”. Hôm ấy là ngày 2-5-1975.

Tháng 4-2010, TP.HCM

Đại tá liệt sĩ Nguyễn Thế Truyện được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình và các đồng đội của ông mới an lòng. Đã hơn 41 năm từ ngày ông hi sinh nhưng trong ký ức những người còn sống, Năm Truyện vẫn rỡ ràng là một “tư lệnh sư đoàn dũng cảm vô song” như lời nhận xét của cố thượng tướng Trần Văn Trà, “một tư lệnh gang thép” như đánh giá của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các cựu binh 62 năm của tiểu đoàn 302 vẫn kể về một tiểu đoàn trưởng đã có công lớn trong việc sáng tạo cách đánh đặc công, vận động độc đáo một thời vang tiếng miền Đông Nam bộ.

Trung đoàn 1 chủ lực Miền vẫn nhớ cách chỉ huy quyết đoán, mưu trí của trung đoàn trưởng trong những trận đánh Mỹ cấp trung đoàn đầu tiên ghi đậm dấu ấn trong quân sử: Bình Giã, Bàu Bàng, Đồng Xoài, Dầu Tiếng. Những cán bộ tình báo cài cắm ở Sài Gòn không thể quên một sư đoàn trưởng, tư lệnh phân khu 1 đã đích thân cải trang, xuất sắc sắm vai một nghị sĩ để tự mình vào quan sát, điều nghiên sân bay Tân Sơn Nhất, tìm ra phương án tác chiến chắc thắng, nhanh gọn và ít thương vong nhất cho đơn vị...

“Cha tôi hi sinh năm 40 tuổi, chiếc huy hiệu bằng nhôm được tặng các chiến sĩ tham gia chiến dịch Mậu Thân cũng chưa kịp nhận. Con đường đi không trọn vẹn nhưng chắc cha không vấn vương vì đã sống, cống hiến hết mình. Chị em chúng tôi chỉ biết bảo nhau phải sống sao cho không hổ danh là con ông Năm Truyện” - bà Nguyễn Thế Thanh tâm sự, đến hôm nay vẫn chưa thôi rơi nước mắt...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên