11/05/2018 07:56 GMT+7

Nước giàu phòng chống mất trí nhớ thế nào?

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Tuy Đan Mạch là quốc gia có mức sống cao nhất châu Âu, nhưng người già ở đây vẫn mắc chứng mất trí. Nhưng gần đây, tỉ lệ người mắc bệnh đã giảm. Họ đã làm điều đó như thế nào?

Nước giàu phòng chống mất trí nhớ thế nào? - Ảnh 1.

Tình nguyện viên đạp xích lô chở người bệnh đi chơi

Đan Mạch có một hệ thống chăm sóc sức khỏe thuộc hàng tốt nhất thế giới nhưng chứng mất trí là nguyên nhân tử vong thường thấy thứ 5 tại đây. Trung bình cứ mỗi 3 tiếng đồng hồ lại có một người Đan Mạch chết vì một trong những chứng bệnh mất trí nhớ và căn bệnh này gây thiệt hại cho xã hội hơn 20 tỷ kroner (hơn 72,5 ngàn tỉ đồng) mỗi năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo về sức khỏe của cơ quan chức năng Đan Mạch, riêng tại thủ đô Copenhagen, tỉ lệ người trên 65 tuổi có dấu hiệu suy giảm trí nhớ giảm từ 4,1% năm 2007 xuống còn 3,6% năm 2016. Tỉ lệ người bị mắc bệnh cũng giảm từ 1,2% năm 2013 xuống còn 1% năm 2015.

5 lời khuyên để giảm nguy cơ lãng trí

Hiện nay tại Đan Mạch có khoảng 70.000 tới 85.000 người mắc chứng mất trí nhớ và khoảng 400.000 người sống với một người thân bị mắc chứng mất trí, trong khi dân số chỉ có 5,7 triệu và đang lão hóa. Đó là chưa kể tới những người bệnh sống tại các viện dưỡng lão.

Tháng 3-2018, nước này công bố Chương trình Quốc gia chống bệnh mất trí nhớ 2025 do Thái tử phi Mary bảo trợ. Theo giáo sư Gunhild Waldemar, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh mất trí nhớ Đan Mạch, hoàn toàn có khả năng phòng ngừa chứng bệnh này.

Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh mất trí nhớ, Trung tâm Alzheimer của Đan mạch và Đại học Deakin của Hoa kỳ đã đưa ra 5 lời khuyên để giảm nguy cơ lãng trí:

1. Giữ trí óc luôn hoạt động, học, bổ sung kiến thức suốt đời. Càng động não càng thường xuyên, bộ óc chúng ta càng mạnh khỏe. Việc kích thích não bộ hoạt động sẽ làm giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ.

2. Sống hòa đồng, tích cực giao tiếp với những người chung quanh để kích thích não hoạt động. Trong giao tiếp, người ta sẽ nghe thấy người khác nói và não sẽ có phản ứng.

3. Năng Vận động. Người trung niên và cao tuổi rất cần vận động, từ đi bộ, đạp xe đạp, tập thể dục tới làm việc nhà. Vận động giúp cho máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng nghẽn mạch máu hay não bị thiếu oxy. Khảo sát cho thấy nguy cơ lãng trí của người năng vận động thấp hơn người không vận động tới 38%.

4. Bỏ hút thuốc, giảm uống chất có cồn, theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Việc hút thuốc lá trong nhiều năm sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh Alzheimer tới 70 - 80%. Khi bỏ hút thuốc thì nguy cơ này sẽ giảm đi. Một chế độ dinh dưỡng với nhiều ngũ cốc, dầu thực vật và các loại rau xanh như rau dền, broccoli (bông cải xanh), bắp cải, cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lãng trí. Trong khi uống nhiều bia, vang, rượu mạnh sẽ làm tăng nguy cơ này.

5. Kiểm soát thường xuyên lượng đường và tỉ lệ cholesterol trong máu, huyết áp. Stress cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ.

Nước giàu phòng chống mất trí nhớ thế nào? - Ảnh 2.

Vận động giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng nghẽn mạch máu hay não bị thiếu oxy

Sáng kiến chống bệnh mất trí nhớ

Cũng trong tháng 3-2018, Bộ Y tế Đan Mạch đã công bố sách trắng về bệnh mất trí nhớ, bằng tiếng Anh, giới thiệu những phương pháp chăm sóc những người bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer hoặc bị các chứng mất trí khác.

Một trong những sáng kiến tỏ ra rất hữu hiệu là hội "Demensven" (Bạn của những người lãng trí) của Tổ chức người cao tuổi Đan mạch.

Thông qua một ứng dụng được thiết kế riêng, Demensven kết nối những người mắc chứng mất trí nhớ và thân nhân, bạn bè của họ với các tình nguyện viên trong khu vực. Các tình nguyện viên thì được trang bị kiến thức về chứng bệnh mất trí nhớ và cách chăm sóc người bệnh.

Với sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các tình nguyện viên, hội thường xuyên tổ chức các buổi "họp cà phê" cho các bệnh nhân cùng thân nhân của họ cùng tham gia.

Trong những buổi họp này, mọi người cùng nhau trò chuyện, khiêu vũ, ca hát, những hoạt động nhằm kích thích não bộ người bệnh hoạt động tích cực hơn thông qua việc khơi gợi ký ức, tập thể dục, hoạt động thể chất, đi dạo khi trời tốt.

Năm 2012 hội đã có sáng kiến lập nhóm "Cùng đạp xe" (Cycling without age), những tình nguyện viên đạp xích lô (tương tự như xích lô bên ta nhưng thùng xe lớn hơn, sàn xe thấp hơn) chở những người bệnh đi chơi vòng vòng.

"Cycling without age" đã có tại 70/98 khu vực hành chính tại Đan mạch với 400 chiếc xích lô và 4.000 tình nguyện viên.

Sáng kiến này nay đã nhanh chóng lan sang Anh, Scotland, Ý, Canada, Úc, New Zealand, Tây Ban Nha, Mỹ và nay đã được áp dụng tại 37 quốc gia.

Sách trắng cũng đề cập đến những phương tiện phụ trợ để giúp người bệnh sinh sống tại các viện dưỡng lão, như đeo thiết bị định vị GPS trên tay người bệnh để dễ kiếm thấy nếu đi lạc, lắp đèn phù hợp với nhịp sinh học não bộ (circadian rhythms), dán hình người bệnh trước cửa phòng để họ có thể vào đúng phòng của mình….

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

Có bao giờ bạn hỏi não được cấu thành từ chất gì? Có bao giờ bạn hỏi não được cấu thành từ chất gì?

TTO - Ngoài tốt cho não, omega 3 còn tốt cho tim mạch, gan nhiễm mỡ, điểm vàng, da, hệ miễn dịch… Hãy bổ sung omega 3 dạng dễ tiêu mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên