05/07/2016 09:28 GMT+7

Nước bổ sung thực phẩm uống vừa phải thôi

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

TTO - Nước đóng chai có nhiều loại, tựu chung có 3 loại được dùng nhiều: nước uống giải khát có gas hoặc không có gas, nước uống tăng lực và nước uống thực phẩm bổ sung.

Phân loại như thế là dựa vào thành phần có trong nước uống. Riêng nước uống thực phẩm bổ sung thì ngoài chứa đường, hương vị đặc biệt, còn chứa thêm chất dinh dưỡng như sữa, nước cốt trái cây và các thứ có nguồn gốc chất dinh dưỡng như: các loại vitamin, các chất khoáng, các acid amin (thành phần cơ bản của chất đạm)...

Gọi là “nước uống thực phẩm bổ sung” do chứa những chất có tác dụng của một chế phẩm “thực phẩm bổ sung”. “Thực phẩm bổ sung” được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới sử dụng, còn được gọi “hỗ trợ dinh dưỡng”, “thực phẩm chức năng”, và tên gọi “thực phẩm chức năng” (TPCN) được dùng phổ biến hơn cả.

TPCN là chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm được thay đổi thành phần qua chế biến, bổ sung nhằm đưa đến tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khỏe ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản. TPCN được bày bán với 2 loại: loại trông như thuốc và loại trông như thực phẩm - là loại nước uống thực phẩm bổ sung được đề cập trong bài này.

Nước uống thực phẩm bổ sung là TPCN nên điều kiện sản xuất loại nước uống này phải tuân thủ các quy định sản xuất, chế biến TPCN, chứ không thể giống việc sản xuất nước uống giải khát có gas hay không có gas thông thường. Nhiều loại nước uống thực phẩm bổ sung chứa lượng đường quá cao. Một số người uống nhiều nước loại này vẫn ăn nhiều sẽ có nhiều nguy cơ bị béo phì hay bị tiền đái tháo đường (dễ chuyển thành đái tháo đường).

Nhiều loại nước uống thực phẩm bổ sung chứa vitamin, chất khoáng, acid amin, thậm chí chứa thêm sữa, nước trái cây, nhưng hoàn toàn không thay thế thức ăn, thức uống. Có tình trạng đáng buồn ở nước ta là có một số bà mẹ quan tâm, tiêu tốn nhiều tiền cho con mình uống những gì mà họ ví như thuốc bổ, nhưng lại quên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng, hậu quả trẻ vẫn bị suy dinh dưỡng.

Nếu người tập thể dục thể thao loại nặng mà chỉ uống nước uống thực phẩm bổ sung loại không phù hợp để bù nước và chất điện giải thì thật không có lợi vì loại nước này không có tác dụng bù nước (có khi chứa quá nhiều đường lại không chứa đủ lượng nước mà cơ thể mất nước cần), cũng như nước không chứa đủ chất điện giải (natri, kali...) để bù.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên