Chị Tình cùng các thành viên đội tình nguyện đưa liệt sĩ về với quê hương - Ảnh: KIỀU LINH
Chị là Nguyễn Thị Tình (51 tuổi), sống tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Mệnh lệnh từ trái tim
Từ nhiều năm nay, căn nhà nhỏ của chị Tình ở thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên có những ngày đông đúc lạ thường khi tiếp đón thân nhân liệt sĩ hay họp đội tìm kiếm, nhưng cũng có khi cả tháng trời cửa đóng then cài bởi chị đang mải mê lao vào những chuyến đi theo mệnh lệnh từ trái tim.
Chị nói cũng như gia đình mình, mỗi ngày vẫn còn những người mẹ ngóng đợi tin con, nhiều gia đình lặn lội mấy chục năm đi tìm mộ người thân thất lạc. Chị trăn trở phải làm gì đó để giúp họ và đưa được càng nhiều hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà.
Nghĩ là làm, vào năm 2008, chị tìm đến các cựu chiến binh ở Đà Nẵng, những người có chung chí hướng như mình, cùng tập hợp lại và lập nên Đội xác minh, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ tình nguyện tại Đà Nẵng. Căn nhà nhỏ của chị cũng được trưng dụng làm nơi hội họp của đội và lưu trú cho các gia đình liệt sĩ khó khăn.
Để làm được công việc tìm kiếm các liệt sĩ và thân nhân cho liệt sĩ, chị đã không ngại bỏ công sức, tiền bạc, mồ hôi và cả nước mắt.
Chồng chị mất sớm khi con trai còn rất nhỏ, chị chọn không đi bước nữa để dành toàn tâm toàn ý vào việc tìm kiếm liệt sĩ. Một mình chị vất vả lo làm ăn, nuôi con ăn học. Bao nhiêu tiền kiếm được chị dành làm lộ phí đi đường.
Có những chuyến xác minh liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Campuchia phải đi cả tháng trời, chị cùng các thành viên phải tự xoay xở.
Nữ thủ lĩnh không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong đưa được những liệt sĩ đang nằm lại nơi núi rừng về quê hương - Ảnh: KIỀU LINH
Hồi chị mới bắt đầu hành trình đi tìm liệt sĩ, không mấy ai ủng hộ. Với người đời, việc một phụ nữ làm chức phận vốn thuộc về cánh đàn ông là điều khó chấp nhận. Thấy chị bỏ tiền ra đi rừng đi núi, không ít người nói chị… khùng.
"Áp lực về mọi mặt đôi lúc làm tôi suy sụp tinh thần nhưng trong tâm can tôi luôn có điều gì đó thôi thúc lắm. Hình ảnh những người mẹ già đang ngày đêm tựa cửa ngóng tin con để yên lòng nhắm mắt lại thôi thúc tôi lên đường" - chị Tình xúc động nhớ lại.
Bỏ lại sau lưng mọi điều tiếng, chị bắt tay vào tìm hiểu thêm kiến thức, nghiệp vụ, tự học hỏi các tài liệu của các cựu chiến binh đi trước. Kết nối với quân đội để có những thông tin chính xác về các liệt sĩ, bản đồ quân sự. Cứ thế qua mỗi chuyến đi chị đúc rút thêm kinh nghiệm cho mình.
Nay đội của chị đã quy tụ được 20 thành viên tình nguyện cùng nhau thực hiện nghĩa cử cao đẹp. Thành viên trong đội có những người đã kinh qua tháng ngày bom đạn, nhiều người tuổi đã gần 80. Cũng có những người chỉ làm ăn, buôn bán nhỏ nhưng mong muốn góp sức mình để tìm kiếm các liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập dân tộc.
Vượt suối, băng rừng với chị là chuyện thường - Ảnh: KIỀU LINH
Vượt suối, băng rừng
Những thử thách ban đầu chưa là gì so với khó khăn trên suốt hành trình dài của chị. Trái tim và tấm lòng thiện nguyện thôi chưa đủ để một phụ nữ chân yếu tay mềm làm những điều không phải ai cũng làm được.
Gian nan nhất là việc chị phải băng rừng, lội suối dọc theo chiều dài đất nước cho đến tận nước bạn Lào, Campuchia. Có những chuyến đi suốt hàng chục ngày trời giữa rừng thiêng nước độc. Nhiều hôm phải mắc võng, căng lều qua đêm giữa rừng sâu khi công việc còn dang dở.
Là phụ nữ khó khăn là thế nhưng mỗi lúc lên đường chị luôn chu toàn nhu yếu phẩm cho cả đội, chăm chút từng bữa ăn cho các thành viên khác trong đoàn.
Có chuyến đi kéo dài cả tháng, hết lương thực mang theo, chị và đồng đội phải nương nhờ bà con đồng bào thiểu số và người dân nước bạn - Ảnh: KIỀU LINH
Với chị Tình, vượt suối băng rừng là chuyện thường. Mọi khó khăn, vất vả đều tan biến khi họ chứng kiến giọt nước mắt của thân nhân gia đình liệt sĩ đón nhận hài cốt là con, em của họ trở về.
Suốt nhiều năm qua, mỗi khi có yêu cầu của đơn vị quy tập chuyên trách phía quân đội hoặc các gia đình liệt sĩ là chị cùng các thành viên trong đội lại lên đường.
Không ít chuyến đi chị nếm đủ đói, rét, sống nhờ vòng tay người đồng bào thiểu số. Sức khỏe của chị cũng xuống dốc rất nhiều. Nhưng đổi lại, con số gia đình đã tìm được liệt sĩ lại nhân lên.
Liệt sĩ Hoàng Quốc Doanh là một trong hàng trăm liệt sĩ được Đội tình nguyện hỗ trợ tìm kiếm, xác minh đưa về quê nhà - Ảnh: LIỀU LINH
Điều thân nhân liệt sĩ còn trăn trở
Chúng tôi lần tìm kết nối với một số gia đình đã tìm được liệt sĩ nhờ sự giúp đỡ của đội quy tập. Anh Hà Hữu Hoàng (cháu họ của liệt sĩ Hoàng Quốc Doanh, quê Hà Nam) kể lại, gia đình nhận giấy báo tử đã hơn 40 năm nhưng chưa một lần được thắp hương lên phần mộ.
Liệt sĩ Doanh là cán bộ thuộc Quân khu 5, trên đường đi làm nhiệm vụ thì bị thương, được đưa về Quân y viện 17 để điều trị và không qua khỏi. Lúc bấy giờ, trong quá trình thay đổi nơi đóng quân của một số đơn vị đã thiếu trích lục quân nhân cho liệt sĩ Doanh.
Khi tưởng chừng vô vọng, năm 2020, anh Hoàng kết nối được với Đội xác minh, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ tình nguyện tại Đà Nẵng. Đội đọc ngay chính xác về thông tin liệt sĩ Doanh như nhóm lại ngọn lửa vốn tưởng đã tắt của gia đình.
Chỉ từ một thông tin gia đình nhận được là liệt sĩ hy sinh ở Đà Nẵng, sau nhiều ngày chị Tình và các thành viên miệt mài tìm kiếm, xác minh, cuối cùng hồ sơ của liệt sĩ Doanh nằm trong hồ sơ Viện quân y 17 cùng với các tử sĩ.
Lui tới xác minh và tìm kiếm thông tin liệt sĩ, chị Tình là gương mặt quen thuộc với các cán bộ phòng LĐ-TB&XH - Ảnh: KIỀU LINH
Anh Hoàng chia sẻ, mấy chục năm nay, gia đình đã rất tủi thân. Có người cho rằng ông của anh không phải liệt sĩ, gia đình ở quê cũng gặp phải nhiều điều tiếng mà không thể giải thích được.
"Nay đưa được ông về, cái lớn nhất là trả lại sự minh bạch trong câu chuyện ông tôi đã hy sinh trên chiến trường, ngã xuống vì quê hương và hoàn thành tâm nguyện của cụ cố (tức mẹ liệt sĩ - PV) trước lúc lâm chung" - anh Hoàng xúc động nói.
Anh Hoàng gửi gắm, có một điều anh vẫn rất tâm tư khi đội tìm kiếm là những người dù không có quyền lợi gì nhưng rất tâm huyết.
"Tôi mong muốn cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách phần nào động viên họ về vật chất và tinh thần đáp lại việc họ bỏ công sức, thời gian đi làm việc không lương" - anh Hoàng giãi bày.
Nữ thủ lĩnh tâm huyết
Bà Trịnh Thị Hằng, cán bộ Phòng Lao động - thương binh và xã hội phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), nhìn nhận việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là công việc thiêng liêng, ẩn chứa sâu sắc quan niệm tâm linh.
Vậy mà có người phụ nữ chân yếu tay mềm dám đứng ra đảm nhận là một điều rất tuyệt vời.
"Đặc biệt, thái độ của chị Tình với công việc ấy rất tâm huyết và năng nổ. Khi có thân nhân khắp nơi liên hệ hay phường có công việc cần đội phối hợp là chị tham gia bất kể nắng mưa. Tôi đánh giá rất cao tinh thần ấy" - bà Hằng nói.
Gia đình đã thấu hiểu
Ông Trần Ngọc Doanh, một thành viên trong Đội xác minh, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ tình nguyện tại Đà Nẵng, cho biết ông rất khâm phục nữ đội trưởng Nguyễn Thị Tình. "Không dễ gì một phụ nữ chấp nhận gác việc gia đình để nhận cái việc mà hầu như người phụ nữ nào cũng e ngại ấy.
Điều mọi người mừng nhất là nay gia đình chị Tình đã thấu hiểu cho công việc của chị, động viên tinh thần để chị cố gắng. Đặc biệt, con trai chị cũng đủ lớn để thấu hiểu và chia sẻ cho công việc khó khăn của mẹ" - ông Doanh nói.
Trong hơn chục năm qua, đội tình nguyện đã tìm kiếm và hỗ trợ tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ, giúp hàng trăm liệt sĩ về được với quê hương, trong đó có cả ngàn liệt sĩ nằm lại ở bên kia biên giới được đưa về đất mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận