![]() |
Bữa trưa đạm bạc của những nữ phu hồ đang làm việc tại công trình xây dựng ký túc xá ĐH Bách khoa TP.HCM |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đó là chị Nguyễn Thị Bước, quê Sóc Trăng. 19 tuổi lấy chồng, nhà nghèo, vợ chồng quần quật quanh năm chỉ với hai công ruộng nên lâm vào cảnh thiếu ăn. Vợ chồng chị quyết định bán tất cả ruộng đất khăn gói lên Tp.HCM lập nghiệp. Chồng phụ hồ. Còn chị, ban đầu mua ve chai, thu nhập khoảng 600.000 đồng/tháng.
Cuộc sống thiếu trước hụt sau khi đứa con đầu lòng chào đời. Để có thu nhập khá hơn, chị quyết định theo chồng làm nghề phụ hồ, đến nay đã được 11 năm. " Là phụ nữ làm nghề phụ hồ rất cực. Nhưng mình nghèo, lại một chữ bẻ đôi không biết thì biết làm nghề gì khác..." - chị Bước tâm sự. Nghe tiếng tổ trưởng gọi đổi phiên, chị vội đeo khẩu trang, chạy đến ngồi bên chiếc máy làm thẳng sắt, cầm chiếc kềm to, lấy sức cắt sắt ra từng đoạn. Nắng gió và nhọc nhằn công trường đời phu hồ làm người phụ nữ này già hơn tuổi 32 rất nhiều.
Quần quật…
Nhìn lên giàn xây cao gần 20m, thấy thấp thoáng vài bóng người đầu đội nón, mặt trùm kín mít đang buộc dây kẽm đổ bêtông. Họ đều là phụ nữ. Chị Lê Thị Hạnh, 26 tuổi, đồng hương với chị Bước, đang xách hai xô hồ (nặng khoảng 20kg) cho biết: "Sàng cát, rửa gạch, trộn hồ, cắt sắt là việc bình thường. Còn xách hồ leo lên tầng 1, tầng 2, trộn bêtông, ngồi trên tầng cao chót vót cột kẽm ngán lắm! Chỉ có chị em nào không sợ độ cao, sức khỏe tốt, quen nghề mới dám đảm đương".
|
![7Nmb8Oja.jpg](http://static.tuoitre.vn/tto/i/s626/2007/08/30/7Nmb8Oja.jpg)
Một nữ phu hồ làm việc trên giàn giáo cao. Họ luôn thiệt thòi hơn đồng nghiệp nam
Chịu thương chịu khó mà vẫn thiệt thòi…Công trường nhọc nhằn nhưng bất cứ đâu cũng đều có hình ảnh của các nữ phụ hồ. Phần lớn nữ phụ hồ khi mới vào nghề được trả lương khoảng 50.000 đồng/ngày, thấp hơn phụ hồ nam khoảng 10.000đ. Khi đã thạo nghề có thể làm những việc như: cột kẽm, đổ bêtông trên giàn giáo cao... mức lương được tăng lên 60.000đ/ngày.
Công nhân nữ thường chỉ làm các công việc như: rửa gạch, trộn hồ, cắt sắt, khiêng gạch... Nữ phụ hồ thường phải làm thêm những công việc sai vặt, không bao giờ được cầm đến chiếc bay để xây, thế nên đừng "mơ” ngày trở thành thợ.
"Do tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ mà bất kỳ một công trình nào cũng cần phải có một vài công nhân nữ" - ông Trần Thanh Phương - phó giám đốc Công ty xây dựng Đăng Quang, nhận xét. Theo ông Phương, tính cẩn thận là điều rất quan trọng mà các công nhân nam ít khi có được. Nhiều chị em làm lâu, tay nghề không thua các công nhân nam.
Giới phụ hồ khu vực quận Tân Phú ai cũng biết và thương chị Nguyễn Thị Tuyết. Chị Tuyết quê Thanh Hóa, 32 tuổi, vừa làm phụ hồ vừa chăm sóc hai con. Chồng chị cũng là một thợ xây nhưng thường hay đi công trình xa. Chị Tuyết làm phụ hồ được bốn năm, nhờ cần cù, chịu khó lại biết cách trộn hồ (hồ tô phải ướt, hồ xây thì khô hơn một chút), nên chị được trả công cao hơn đồng nghiệp khác, hơn 60.000 đồng/ngày. Một ngày của chị tất bật không kịp thở: 5g sáng đi chợ, nấu cơm, đưa hai con đi học làm đến trưa vội vã đạp xe đến trường đón con chiều lại đi làm tiếp. Để tiện việc chăm sóc con, chị thường phụ hồ ở Q.Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú.Như thấu hiểu nỗi khổ cực của mẹ, năm nào hai anh em Đình Huy, Đình Hoàng (học lớp 6, lớp 3) cũng đạt học sinh giỏi, học phí được giảm một nửa. "Đời mình như vầy rồi, chủ yếu làm việc kiếm tiền lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn, hi vọng cuộc đời con mình sẽ thoát khỏi những công việc cực khổ này" - chị Tuyết tâm sự. Bên cạnh đó, vì công việc tiếp xúc thường xuyên trong môi trường bụi bặm, căn bệnh viêm xoang mãn tính lại phát, hành hạ chị mỗi ngày.
"Hết nợ em sẽ đi may…"
Trong "đội quân" nữ phụ hồ còn có không ít các cô gái ở tuổi mười tám, đôi mươi. Nguyễn Thị Lộc quê ở An Giang được xem là "bóng hồng" trẻ tuổi nhất trong số hơn 10 "bóng hồng" phụ hồ tại công trình xây dựng ký túc xá Đại học Bách Khoa TP.HCM. Nhìn đôi bàn tay thô ráp, da tróc, móng tay ố vàng của Lộc mới thấy hết sự nhọc nhằn của cô gái chưa qua tuổi 18.
Năm 17 tuổi Lộc lên TP.HCM làm công nhân may ở Khu chế xuất Tân Thuận, kiếm tiền phụ cha mẹ trả nợ hơn 10 triệu đồng. Nhưng thu nhập 800.000đ/tháng thì làm sao có dư, biết đến bao giờ giúp cha mẹ trả hết nợ? Được mấy "chàng" phụ hồ cùng quê giới thiệu, Lộc chuyển sang nghề này. "Nghề này cực quá, ngày đi làm, đêm về nhức cả người không ngủ được. Nhiều lúc cũng được các công nhân nam đỡ đần nhưng đâu thể giúp hoài. Khi nào nhà trả hết nợ tôi lại đi may" - Lộc ao ước. Theo chân Lộc về một căn nhà không số ở hẻm B2/20A, quốc lộ 50, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh: cả gia đình Lộc gồm bảy người đang ở trọ căn phòng chưa đầy 12m2.
Cũng bởi đây là nghề không dành cho phụ nữ vốn chân yếu tay mềm nên theo bạn Trương Thị Đan, làm cùng với Lộc, đã không biết bao lần đôi bàn tay của cô sưng phồng, chảy máu mỗi khi trộn hồ, khiêng gạch. Nhìn dáng người khô đét, đen sạm, có hơn bốn năm kinh nghiệm làm nghề phụ hồ, ít ai biết được cô chỉ mới 21 tuổi. Gia đình Đan có sáu người đều làm nghề phụ hồ. Đan cho biết: "Tụi tôi làm nghề phụ hồ hầu như đứa nào cũng mắc chung chứng bệnh đau lưng. Đặc biệt, không ít đứa mới vào nghề chưa quen, làm phải việc quá nặng bị cụp xương sống thế là nghỉ luôn. Đó là chưa nói những lúc cần tụi tôi vẫn phải leo cao để làm, tai nạn luôn rình rập. Thế nhưng có sức khỏe, chịu nắng, chịu khổ một chút là có tiền".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận