05/09/2008 02:45 GMT+7

Nữ phi công

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Sân bay Phú Quốc. Một nữ phi công trẻ, nhỏ nhắn bước ra khỏi chiếc máy bay ATR 72 đi về phía nhà ga. Cô tên La Trần Cẩm Linh, 33 tuổi, Việt kiều Canada, lái phụ máy bay ATR 72 cho Vietnam Airlines. Linh là một trong bốn nữ phi công trong tổng số 414 phi công của đoàn bay 919.

XATO6Da8.jpgPhóng to
TT - Sân bay Phú Quốc. Một nữ phi công trẻ, nhỏ nhắn bước ra khỏi chiếc máy bay ATR 72 đi về phía nhà ga. Cô tên La Trần Cẩm Linh, 33 tuổi, Việt kiều Canada, lái phụ máy bay ATR 72 cho Vietnam Airlines. Linh là một trong bốn nữ phi công trong tổng số 414 phi công của đoàn bay 919.

Kỳ 1: Những tay lái trẻ Kỳ 2: Con đường trở thành phi công

Mê bay quá!

Linh kể từ nhỏ cô đã muốn trở thành phi công. Ước mơ được điều khiển máy bay luôn xuất hiện trong giấc mơ của cô nhưng vì nhỏ con (cao 1,55m) lại là con gái nên ở nhà chẳng có ai ủng hộ. “Bố, mẹ và bà ngoại bảo con gái không nên làm những việc nặng nhọc, căng thẳng và đi nhiều. Với phụ nữ Á Đông công việc văn phòng sẽ thích hợp hơn”, Linh kể. Năm 2001, tốt nghiệp cử nhân khoa học Đại học Alberta, cô vẫn tiếp tục làm nhân viên khai thác dịch vụ mặt đất ở sân bay quốc tế Edmonton như hồi sinh viên. Rồi khi thi vào làm tiếp viên cho Hãng hàng không Air Transac (Canada), tiếp xúc với những người bạn phi công, ước mơ muốn được bay của cô lại trỗi dậy.

Linh quyết chí thi vào lớp học đào tạo phi công bằng tiền vay mượn của người thân và bạn bè. Hai năm sau, Linh là một trong năm người vượt qua các kỳ thi kiểm tra để trở thành phi công. Ngày nhận chứng chỉ tốt nghiệp các bạn đồng nghiệp nước ngoài tuy không nói ra nhưng nể Linh lắm “vì mình nhỏ con nhất mà lại là phụ nữ”. Nhận bằng xong Linh thuê máy bay chở cả nhà bay hơn 1 giờ rồi vòng về để chứng minh mình hoàn toàn có thể trở thành phi công giỏi.

8h2iwOvf.jpgPhóng to
La Trần Cẩm Linh trong mô hình cabin điều khiển máy bay

Tốt nghiệp xong, Linh xin bay cho Hãng Central Mountain Air (Canada) chuyên phục vụ các chuyến bay nội địa và xuống Nam Mỹ. Sang Canada từ năm 5 tuổi, ký ức về quê hương VN càng lớn dần qua những lần về thăm nhà, giờ đã là phi công Linh lại muốn trở về quê hương bay cho Hãng Hàng không quốc gia VN. Cô mạnh dạn làm đơn xin làm việc cho Vietnam Airlines.

Nộp đơn, chờ đợi chẳng thấy hồi âm. Linh sang VN, tìm đến Vietnam Airlines thì được biết đến cuối năm 2005 Vietnam Airlines mới có chính sách tuyển dụng nữ phi công. Chờ các thủ tục, kiểm tra lại hồ sơ. Cuối năm 2007, Linh quay lại VN liên lạc với Cục Hàng không để hoàn tất tất cả thủ tục cần thiết cũng như các bài kiểm tra về kiến thức, sức khỏe và bằng cấp. Ngày 1-2-2008, Linh bắt đầu làm phi công cho Vietnam Airlines điều khiển ATR 72.

Nỗi buồn nữ phi công

Học để trở thành một phi công đã khó, với các cô gái công việc này còn khó hơn và buộc họ phải hi sinh nhiều hơn. Trưởng đoàn bay 919 Phan Xuân Đức cho biết năm 2005, lần đầu tiên Vietnam Airlines tuyển học viên phi công là nữ. Bốn cô gái đầu tiên lọt qua các kỳ sát hạch kiểm tra để học ở trung tâm huấn luyện bay, nhưng chỉ còn một người đủ tiêu chuẩn sang Úc học ở Trường đào tạo bay Adelaida. Nhưng rồi nữ học viên này cũng không qua khỏi các kỳ thi bắt buộc của trường này. Cô phải quay về VN để trở thành tiếp viên hàng không.

Cũng đã có trường hợp một nữ tiếp viên Vietnam Airlines rất giỏi, có đủ tố chất, kỹ năng để đào tạo thành một nữ phi công. Ban lãnh đạo Vietnam Airlines khi ấy quyết định đưa cô sang Pháp đào tạo thành nữ phi công đầu tiên của hãng. Một cơ hội làm việc tốt hơn mở ra cho nữ tiếp viên này. Nhưng đến khi phải đưa ra quyết định cuối cùng, cô nữ tiếp viên đã từ chối vì cho rằng nghề này phải hi sinh quá nhiều cho công việc, và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều.

Cxkm0LaH.jpgPhóng to

Cơ trưởng Veronica Foy (trái) và cơ phó người Philippines Mace La Laguno

Với Linh, bay là một niềm đam mê không thể từ bỏ. Linh bảo cô chỉ thật sự thoải mái và tự do khi ngồi trên con chim sắt điều khiển nó bay lên bầu trời. Hồi sinh viên làm thêm có bao nhiêu việc Linh không chọn mà lại làm nhân viên mặt đất để có thêm cơ hội tìm hiểu làm thế nào trở thành phi công.

“Tôi đã xác định làm phi công là phải hi sinh khá nhiều, trước mắt là khó có một cuộc sống ổn định”, Linh chắc nịch. Linh ham bay lắm. Khi làm việc với Vietnam Airlines, Linh chỉ nhận lương như một phi công VN (thấp hơn mức lương người nước ngoài rất nhiều), đăng ký hết tất cả các chuyến bay và chỉ khi nào mệt lắm mới nghỉ ở nhà. Sau khi bay về, thời gian rảnh ở khu tập thể của đoàn bay, Linh ôn luyện thêm kiến thức. Linh đang tham gia khóa học chuyên môn ATPL để nâng cấp lên bay Airbus A320.

Linh chia sẻ: “Tôi mê cảm giác được hạ cánh xuống các sân bay trên quê hương. Đến đâu tôi cũng tranh thủ tìm hiểu thêm, chụp hình và email cho bố mẹ thông báo mình đã đến đâu, thấy những gì...”. Mải mê học tập và bay, Linh bảo làm phi công thời gian riêng cho mình cũng khó nói chi đến chuyện yêu đương, càng khó hơn khi nghĩ đến chồng con.

Cơ trưởng Airbus A320 Veronica Foy (người Anh) của Vietnam Airlines, 39 tuổi, tâm sự nếu có con gái và một ngày nào đó con cô nói muốn trở thành phi công, cô sẽ trả lời ngay “hãy nghĩ đến một công việc khác”. “Làm nữ phi công thời gian dành cho gia đình đã phải hi sinh rất nhiều và nếu có con sẽ không thể bay tiếp và muốn bay tiếp thì phải ngưng có con”.

Theo cô, vô cùng thiệt thòi cho nữ phi công trong khi thời gian và công sức đào tạo một nữ phi công hoàn toàn không khác nam phi công. Những điều kiện nghiêm ngặt của nghề bắt buộc người phi công phải có ít nhất một lần cất/hạ cánh trong vòng 90 ngày, sáu tháng phải có huấn luyện định kỳ, nếu một năm không bay sẽ phải đào tạo lại hoàn toàn và chi phí đào tạo này rất cao. Một thực tế là các nữ phi công của Vietnam Airlines chưa ai có con.

“Ở VN bạn còn có sự hỗ trợ của gia đình, người thân và cả người giúp việc, ở nước ngoài khó có thể có được sự hỗ trợ này. Đó là lý do tại sao nữ phi công nước ngoài chúng tôi chưa có con”, cô kể. Foy nói thêm nếu bay Đà Nẵng chuyến 6g sáng, 4g45 cô đã phải có mặt ở sân bay để chuẩn bị.

Mà đâu phải chỉ bay đi Đà Nẵng, còn những chuyến bay quốc tế khởi hành từ rất sớm. “Khi đã có con, ai sẽ chăm sóc con bạn trong thời gian đó? Thời gian đâu để có thể chăm sóc và bên cạnh con mình?”, câu nói của Foy nghe sao thật buồn.

____________________

Nhiều phi công nước ngoài đã đến VN vì nhiều lý do khác nhau, nhưng ai đến rồi cũng muốn ở lại. Vì sao? Lương cao ư?

Kỳ tới: Bay đến Việt Nam

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên