Người dự đám tang của Mukaddes Elif Topkara và Adem Topkara, hai trong số sáu nạn nhân của vụ đánh bom trên đại lộ Istiklal, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14-11-2022 - Ảnh: REUTERS
Nghi can nhập cảnh lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ
Vào đầu ngày 14-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Suleyman Soylu thông báo: "Cách đây không lâu, kẻ để lại quả bom đã bị các đơn vị của Sở Cảnh sát Istanbul bắt giữ". Cảnh sát xác định nghi can là Ahlam Albashir, một nữ công dân Syria.
Vụ đánh bom ở Istanbul xảy ra ngày 13-11 ở đại lộ Istiklal, một đại lộ nổi tiếng với các cửa hàng và nhà hàng dẫn đến quảng trường Taksim.
Cảnh sát Istanbul cho biết họ đã xem xét video từ khoảng 1.200 camera an ninh và các cuộc đột kích được tiến hành ở 21 địa điểm. Có ít nhất 46 người khác cũng bị tạm giữ để thẩm vấn. Nghi can được cho là đã rời khỏi hiện trường trên một chiếc taxi sau khi để lại quả bom chứa chất nổ loại TNT trên đại lộ.
Vụ đánh bom là một lời nhắc nhở với Thổ Nhĩ Kỳ rằng các cuộc tấn công như vậy vẫn phổ biến ở đất nước này. Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu một loạt vụ đánh bom chết người từ năm 2015 đến 2017, một số do nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện, số khác do các chiến binh người Kurd, những người muốn tăng quyền tự trị hoặc độc lập thực hiện.
Cảnh sát cho biết nghi can khai rằng mình được đào tạo thành một "sĩ quan tình báo đặc biệt" bởi Đảng Công nhân người Kurd và nhóm người Kurd theo Đảng Liên minh dân chủ và cánh vũ trang của họ ở Syria. Cô nhập cảnh bất hợp pháp vào Thổ Nhĩ Kỳ qua thị trấn biên giới Afrin của Syria.
Truyền hình ở Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật cảnh nghi can bị bắt. Cảnh sát đã lục soát ngôi nhà và tịch thu được nhiều tiền mặt, vàng và một khẩu súng.
Bộ trưởng Soylu nói với các phóng viên rằng các chiến binh người Kurd được cho là đã ra lệnh giết nghi can chính để tránh bị truy ra bằng chứng có liên hệ với họ nhưng không thể kiểm chứng phát ngôn này.
Đảng Công nhân người Kurd phủ nhận
Theo báo Washington Post, dù phía Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc, Đảng Công nhân người Kurd ra tuyên bố phủ nhận họ có liên quan và khẳng định họ không nhắm mục tiêu vào dân thường.
Tại Syria, nhóm People's Defense Units - nhóm dân quân chính của người Kurd - cũng phủ nhận mọi liên hệ với nghi can. Nhóm này cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang muốn thu hút sự ủng hộ của quốc tế cho kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công mới vào miền bắc Syria trước cuộc bầu cử vào năm tới.
Bộ trưởng Nội vụ Soylu cho biết nếu không bị giam giữ, nghi can có thể đã trốn sang nước láng giềng Hy Lạp.
Ông Soylu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa mạnh mẽ sau vụ đánh bom.
Ông Soylu cũng đổ lỗi cho Mỹ và cho rằng một thông điệp chia buồn từ Nhà Trắng giống như "kẻ giết người cũng là người đầu tiên xuất hiện tại hiện trường vụ án".
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xung đột vì Mỹ hỗ trợ cho các nhóm người Kurd ở Syria.
Thống đốc Istanbul Ali Yerlikaya cho biết có 81 người phải nhập viện và 57 người đã được xuất viện sau vụ tấn công. Trong số những người còn lại, có 8 người bị thương nặng. Những người chết thuộc về 3 gia đình, trong đó có 2 trẻ em 9 tuổi và 15 tuổi.
Đại lộ Istiklal được mở lại vào lúc 6h ngày 14-11. Tại hiện trường, nhiều người để lại hoa cẩm chướng để tưởng niệm các nạn nhân trong khi đường phố được trang trí bằng hàng trăm lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đảng Công nhân người Kurd, hay PKK, đã chiến đấu trong một cuộc nổi dậy vũ trang ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984. Cuộc xung đột đã làm hàng chục ngàn người tử vong cho đến nay.
Cả Ankara và Washington đều coi PKK là một nhóm khủng bố, nhưng họ có quan điểm khác nhau về vấn đề các nhóm người Kurd ở Syria vì những nhóm này chiến đấu chống lại IS ở Syria.
Trong những năm gần đây, ông Erdogan đã dẫn đầu một cuộc đàn áp rộng rãi nhằm vào các chiến binh cũng như các nhà lập pháp và nhà hoạt động người Kurd.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận