17/01/2023 06:56 GMT+7

Nụ cười cửa khẩu, có gì mà khó khăn?

Người Việt có thể mỉm cười nhiều hơn, tận tụy hơn với khách. Vì sao ở nhiều nơi quá khan hiếm những nụ cười, lời cảm ơn, câu xin lỗi?

Nụ cười cửa khẩu - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi công tác ở TP.HCM, có khóa học tập và nghiên cứu ở Thái Lan. Mỗi lần làm thủ tục xuất nhập cảnh ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok), tôi đều nhận được nụ cười và lời chúc niềm nở "Have a safe trip" (tạm dịch: Chúc quý khách có chuyến đi an toàn).

Lần đầu tiên nhận được lời chúc từ một nhân viên hải quan sau khi thực hiện xong thủ tục nhập cảnh, tôi rất ngạc nhiên. Anh ấy cho tôi được cảm giác chào đón và tôn trọng. Sau nhiều lần, tôi thấy rõ rằng nhân viên hải quan tại sân bay nước bạn rất niềm nở với hành khách nhập cảnh. Ở họ, tôi cảm nhận nụ cười luôn đi trước dịch vụ và để lại ấn tượng tốt cho du khách.

Tôi biết rằng mỗi đơn vị đều có cách vận hành khác nhau và cũng không muốn so sánh dịch vụ của nước mình với nước người, thế nhưng những lần vô tình chứng kiến ấy khiến tôi tự hỏi: Bao giờ các dịch vụ công cộng tại Việt Nam được như nước bạn?

Hệ thống tàu điện ngầm MRT và tàu cao tốc trên cao BTS ở nước bạn cũng là dịch vụ mang dấu ấn những nụ cười. Nhân viên bán thẻ tại các trạm tàu đều có thể sử dụng tiếng Anh ở mức tương đối tốt, luôn tận tình và vui vẻ, tuyệt nhiên không có một chút biểu hiện nào của sự khó chịu hay mệt nhọc mặc dù thời gian làm việc đến 24h đêm.

Tôi nghĩ tất cả các dịch vụ đều tạo được cơ hội cho người sử dụng dịch vụ được chia sẻ và phản hồi của mình nhiều hơn. Và dịch vụ sẽ được cải tiến sau khi được góp ý.

Từ phía người sử dụng dịch vụ, mỗi người dân không nên e dè hay kiểu "cho qua một lần" khi không hài lòng một dịch vụ nào đó. Tôi gửi những góp ý này cũng mong dịch vụ từ cửa khẩu hoàn thiện hơn, để gương mặt Việt Nam dễ thương hơn ngay từ khâu xuất nhập cảnh. Đó cũng là cách thu hút khách du lịch đến thêm nhiều lần nữa qua những "ấn tượng ban đầu".

Người dân nên phản hồi, có thể bằng cách viết email hoặc trực tiếp nêu ý kiến đến trưởng bộ phận của dịch vụ. Tôi tin rằng những người quản lý cũng muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của người sử dụng dịch vụ để điều chỉnh cách vận hành của họ.

Người Việt Nam chúng ta rất thân thiện, hiếu khách và tôi tin rằng người Việt có thể mỉm cười nhiều hơn trong công việc, đặc biệt là các ngành dịch vụ công. Nụ cười có thể là thương hiệu quốc gia. Và tôi tin người Việt có thể cười nhiều hơn với khách từ cửa khẩu.

Cần chuẩn mực ứng xử

Không chỉ ở sân bay, ở các cửa khẩu biên giới đường bộ, nhà ga, bến tàu..., hành khách đều mong được đón tiếp bằng những nụ cười thân thiện. Mong có thêm những lời cảm ơn khi chia tay, xin lỗi khi có sai sót và nhiệt tình khi hướng dẫn hành khách từ xa mới tới.

Không chỉ là chuyện hải quan mà rộng hơn là cung cách làm dịch vụ. Nụ cười là một cách nói về sự thân thiện, về tinh thần phục vụ đúng nghĩa. Những công ty, hàng quán của Nhật, Thái, Hàn Quốc... tại Việt Nam luôn giữ phong cách chào hỏi và cung cách dịch vụ từ nước bạn. Còn chúng ta thì sao? Dịch vụ công cần được thay đổi mạnh mẽ, không chỉ ở cửa khẩu. Cần phải có định rõ trong bộ quy tắc ứng xử mới mong cải thiện được thực tế dịch vụ công.

PHƯƠNG NGA

LÊ TRƯỜNG AN

Người nước ngoài nói: Nhân viên sân bay thiếu thân thiện là "đại sứ tệ của Việt Nam"Người nước ngoài nói: Nhân viên sân bay thiếu thân thiện là 'đại sứ tệ của Việt Nam'

Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh ý kiến của bạn đọc cho rằng việc nhân viên sân bay không thân thiện đang ít nhiều ảnh hưởng đến việc thu hút khách quốc tế quay lại Việt Nam, nhiều bạn đọc người nước ngoài gửi ý kiến bày tỏ với nhiều luồng quan điểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên