03/01/2021 11:24 GMT+7

Nữ công nhân đi học... tự tin

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Hơn 20 nữ công nhân vừa thưởng thức những ly nước ép, vừa chăm chú lắng nghe chuyên gia dạy về tâm lý trẻ nhỏ trao đổi các kiến thức liên quan cũng như việc giáo dục con cái, ứng với từng tình huống cụ thể trong cuộc sống.

Nữ công nhân đi học... tự tin - Ảnh 1.

Từ trái qua: Nguyễn Thị Ngọc Hường, Đinh Thị Ngoãn (trưởng nhóm), Phùng Thị Thanh Phượng là ba nữ công nhân tích cực của lớp học - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Mong muốn chị em công nhân trở thành người phụ nữ tự tin: tự tin trong công việc lẫn có tiếng nói trong gia đình, nhóm We are one (gồm những công nhân thuộc Công ty may Nobland, Q.12, TP.HCM) thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn để cung cấp kiến thức cho nữ công nhân trong công ty.

Vừa qua, nhóm đã mời chuyên gia để chia sẻ kiến thức nuôi dạy con và kỹ năng giao tiếp.

Khó khăn lớn nhất của công nhân là không có nhiều thời gian cho con cái nên không hiếm trường hợp con cái chưa ngoan. Không có kiến thức, chúng tôi cũng không hiểu được con qua các giai đoạn trưởng thành nên dễ bất đồng, mâu thuẫn. Lớp học giúp chúng tôi biết mình cần làm gì.

Chị Phùng Thị Thanh Phượng

Học kỹ năng nuôi dạy con 

Khác với các lớp học thông thường, "lớp học" sáng chủ nhật trong một quán cà phê ở quận 12 (TP.HCM) í ới tiếng trẻ nhỏ. Lâu lâu các bé lại ùa vào nô đùa, người quản trò phải mời các em ra ngoài để các mẹ tập trung học.

Chị Đinh Thị Ngoãn (31 tuổi, tổ trưởng tổ may mẫu) - trưởng nhóm We are one (Chúng tôi là một) - nói để tổ chức được những buổi đông đủ chị em như thế này rất khó khăn. Là công nhân, mọi người luôn "đầu tắt mặt tối" ở công xưởng, tối lại tăng ca. Cuối tuần nào được nghỉ đều dành thời gian cho gia đình, con cái.

"Mình cũng như mọi người, phải mang con theo. Có bạn cuối tuần con đi học thêm thì nhờ chồng đón con rồi chở các bé đến đây (quán cà phê - PV), vừa học vừa trông con. Chỉ có cách ấy mới có thể học xuyên suốt một ngày được" - chị Ngoãn cho biết.

Tham gia những buổi tập huấn kiến thức, các nữ công nhân nhận xét rất hữu ích. "Cơ hội chúng tôi được tiếp xúc với kiến thức chuẩn, chất lượng như thế này rất hiếm. Lớp học giúp chúng tôi biết mình cần làm gì" - chị Phùng Thị Thanh Phượng (34 tuổi, công nhân bộ phận rập) bày tỏ.

Như người một nhà

Buổi chiều, công nhân được học về kỹ năng giao tiếp. Chị em chia sẻ trước đây suy nghĩ rằng cả ngày quẩn quanh trong công xưởng thì "giao tiếp cần gì học". Tuy nhiên, qua một buổi thực tế, họ mới vỡ ra nhiều điều.

Trước đó, các chị đến từ nhiều bộ phận trong công ty, mỗi người có trình độ học vấn khác nhau. Từ khi tham gia nhóm, đúng như tên gọi, các chị thân và coi nhau như người nhà. Được học kỹ năng giao tiếp, việc trao đổi, phối hợp công việc giữa các bộ phận cũng suôn sẻ hơn.

Chị Thanh Phượng kể trong công ty vẫn có nhiều tình huống không hiểu nhau giữa mọi người, đôi khi lỗi từ bộ phận này mà bộ phận khác phải làm thêm giờ để kịp hoàn thành đơn hàng, do làm theo dây chuyền. Qua lớp học, họ đã biết "lựa lời để nói", biết suy nghĩ, thông cảm cho người khác.

Là trưởng nhóm, chị Đinh Thị Ngoãn bảo "hành trình" để chị em cùng tham gia, sinh hoạt không ít gian nan. Với 1-2 buổi đầu thì chồng cho đi, về sau nhiều chị không đi được nữa. Có chị còn bị chồng "làm khó" vì "bữa nay bày đặt tập tành đi uống cà phê", có chị thì chồng ghen tuông. 

Chị Ngoãn cùng một số chị khác phải đến tận nhà giải thích cho những người chồng này hiểu. Họ còn dùng uy tín của mình để "hộ tống" đưa đón tận nhà chị em có "ông xã khó tính".

"Chị em chở nhau đi bằng xe đạp, nay mình bận thì chị Ngoãn đến chở, chị Ngoãn bận thì Hường chở. Cực nhưng mọi người đều thương nhau, chân chất lắm" - chị Phượng kể.

Đặc biệt, thấu hiểu sự vất vả của chị em trong công việc khi đa số trình độ tiếng Anh kém, mà đơn hàng cũng như yêu cầu công việc đôi lúc phải biết nhiều từ tiếng Anh chuyên ngành, chị Ngoãn, chị Phượng, chị Hường quyết tâm làm cuốn sổ tay giải thích nghĩa của tất cả các từ tiếng Anh hay gặp, in ra tặng mỗi người một cuốn.

"Hường tự gõ chữ, tra nghĩa rồi thiết kế bằng điện thoại, sau đó gửi cho mình. Chỉ có mình làm bên bộ phận rập thì mới ngồi máy tính. Buổi trưa mọi người nghỉ ngơi, tắt đèn tối thui, riêng mình ráng loay hoay chỉnh sửa trên máy tính để in thành sổ tay. Chưa bao giờ làm qua nên cái gì cũng không biết, nhiều lần muốn bỏ cuộc nhưng vì các chị em khác, mình lại cố gắng" - chị Phượng chia sẻ.

Tập yoga để cải thiện cuộc sống

Trong khi nhóm We are one của chị Ngoãn tổ chức các lớp tập huấn kiến thức thì trong công ty, nhóm của chị Nguyễn Thị Điền (39 tuổi) tổ chức cho các thành viên tập yoga. Nữ công nhân may phải ngồi nhiều nên ai cũng bị đau lưng, đau cổ vai gáy. Thông qua buổi tập, công nhân cải thiện được căn bệnh của mình, quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, làm việc tốt hơn.

We are one với chủ đề "Người phụ nữ tự tin" là một trong khoảng 25 nhóm, mỗi nhóm gồm 30 chị em thuộc dự án "Tôi mạnh mẽ". Dự án hình thành nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nữ công nhân dệt may trong các khu công nghiệp.

Các nhóm công nhân sẽ tự lên ý tưởng để tổ chức hoạt động phù hợp với nhu cầu của mình. Dự án được một tập đoàn bán lẻ nước ngoài tài trợ, cùng sự hợp tác triển khai của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam.

Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (CCHS) là đối tác thực hiện dự án tại TP.HCM và Long An.

Giới nữ ngày càng năng động, tự tin Giới nữ ngày càng năng động, tự tin

TTO - Lãnh đạo quốc gia của đoàn Việt Nam trong chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) 2019 là chị Trần Hoàng Khánh Vân, 37 tuổi, phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên