Một cơ sở tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ ở thành phố New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường giám sát phát hiện sớm ca mắc, ngăn chặn lây lan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết bộ đã nhận được báo cáo từ TP.HCM, dự kiến chiều nay 3-10 sẽ họp báo công bố thông tin.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có hướng dẫn tạm thời giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Người dân khi có các triệu chứng như: sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược thì báo ngay cho trạm y tế nơi cư trú.
Khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, bộ phận kiểm dịch y tế, nhân viên y tế khai thác thông tin, lập phiếu điều tra dịch tễ trong vòng 21 ngày.
Đối với trường hợp nghi ngờ, bộ phận kiểm dịch hoặc trạm y tế hướng dẫn người dân tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong thời gian này, nếu có dấu hiệu nặng, bệnh nhân cần đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được khám bệnh và theo dõi kịp thời.
Người bệnh mang khẩu trang y tế, di chuyển bằng xe cá nhân hoặc gọi tổng đài 115 để được hỗ trợ (hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng).
Đối với trường hợp đủ yếu tố xác định nhiễm bệnh, bộ phận kiểm dịch y tế hoặc trạm y tế hướng dẫn người dân tuân thủ đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc, tư vấn người bệnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để được khám bệnh và theo dõi.
Nếu người bệnh đồng ý, khuyến khích di chuyển bằng xe cá nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Nếu người bệnh không đồng ý, hướng dẫn di chuyển về nơi lưu trú bằng xe cá nhân để tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP thông báo cho trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức nơi người bệnh lưu trú để giám sát và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Nếu là trường hợp có thể nhiễm, nhân viên y tế của trạm y tế, trung tâm y tế lấy mẫu bệnh, gửi về khoa xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP để điều phối mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM hoặc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ được cách ly y tế, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật điều tra các trường hợp có tiếp xúc gần với trường hợp xác định để lập danh sách, theo dõi theo quy định.
Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới mà ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Năm 2003, đợt dịch đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Hoa Kỳ liên quan đến cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc, sau đó được báo cáo rải rác ở những du khách từ Nigeria đến Israel vào tháng 9-2018, Vương quốc Anh vào tháng 9-2018, tháng 12-2019 và tháng 5-2021; Singapore vào tháng 5-2019; và Hoa Kỳ vào tháng 7 và tháng 11-2021.
Từ tháng 5 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, mà chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó.
Đáng chú ý, dịch đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp bệnh. Ngày 23-7-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Đến ngày 15-8-2022 đã ghi nhận trên 35.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 92 quốc gia, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Hiện có một số quốc gia và vùng lãnh thổ gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp bệnh xâm nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận