10/10/2022 12:12 GMT+7

Nói với Đoàn: Ghi chép lịch sử Đoàn

DƯƠNG TRỌNG PHÚC
DƯƠNG TRỌNG PHÚC

TTO - Ngay tại thời điểm này, chỉ cần thao tác tìm kiếm trực tuyến hình ảnh anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, chúng ta sẽ thấy kết quả được trả về là bức chân dung của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi!

Nói với Đoàn: Ghi chép lịch sử Đoàn - Ảnh 1.

Tham gia phòng chống dịch COVID-19 cần được ghi lại như một phần lịch sử hoạt động của Đoàn - Ảnh: Q.NG.

Nhiều cơ sở Đoàn, thậm chí nhiều tỉnh thành Đoàn vẫn đang sử dụng hình ảnh sai này trong các sản phẩm tuyên truyền.

Trong hành trình tìm kiếm thông tin về nhóm đoàn viên TNCS đầu tiên, tôi may mắn được gặp đại tá, tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan. Ông cụ năm nay đã ngoài 90 nhưng vẫn minh mẫn. Ông từng được gặp bà Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận và có một số nghiên cứu về anh hùng Lý Tự Trọng. Biết tôi có kế hoạch thu thập thông tin về nhóm đoàn viên đầu tiên, ông cầm tay tôi rưng rưng bảo đáng lẽ Đoàn phải làm việc này từ lâu.

22 năm tham gia công tác Đoàn, câu nói của ông làm tôi chạnh lòng. Tôi từng vác ba lô đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 và 2, qua hàng chục bảo tàng, thư viện của nhiều tỉnh thành, gửi cả thư sang Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại của Pháp, cũng đọc và nghiên cứu khá nhiều tài liệu nhưng chưa thể trả lời cho chi tiết về ngày bị bắt, ghi chép phiên tòa, ngày bị xử tử của anh Lý Tự Trọng...

Kha khá tài liệu lịch sử của Đoàn chủ yếu là những dòng viết giản đơn, chép lại từ quyển này sang quyển khác, thậm chí khác nhau giữa các quyển mà không có cơ sở minh chứng. Ngoài cuốn Lý Tự Trọng - Sống mãi tên anh của nhà văn, nhà sử học Văn Tùng, gần như chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của anh hùng Lý Tự Trọng - người mang thẻ Đoàn danh sự số 01.

Tôi lo lắng nếu sự mơ hồ này tiếp tục kéo dài, những con người thật bằng xương bằng thịt rất có thể trở thành huyền sử. Câu chuyện nghiên cứu về anh hùng Lý Tự Trọng và nhóm đoàn viên đầu tiên là một trong nhiều vấn đề mà lịch sử Đoàn còn bỏ ngỏ. Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam của Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2001 bổ sung năm 2007, nhiều vấn đề chưa được ghi chép, nhiều anh hùng, tấm gương tiêu biểu của Đoàn nói thật được viết khá sơ sài.

Ở góc độ địa phương, không nhiều tổ chức Đoàn ghi chép và xuất bản ấn phẩm về lịch sử Đoàn. Vì thiếu ghi chép lịch sử nên vẫn còn không ít tranh luận về một số chương trình, phong trào của Đoàn.

Lịch sử của Đoàn là một phần trong lịch sử đất nước. Giáo dục truyền thống là mảng lớn trong công tác giáo dục của Đoàn. Rất mong các cấp bộ Đoàn chú trọng việc nghiên cứu, ghi chép lịch sử Đoàn của địa phương, đơn vị, có lưu trữ tài liệu, hiện vật, số hóa văn bản, xuất bản ấn phẩm.

Chỉ khi làm được việc này, công tác giáo dục truyền thống của Đoàn mới trực quan, sinh động, đảm bảo tính khoa học, góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu tổ chức Đoàn, hình thành các giá trị tích cực trong thanh thiếu nhi, góp sức xây dựng và phát triển con người Việt Nam văn minh, đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Trailer Đại hội Đoàn TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027

Nói với Đoàn: Ghi chép lịch sử Đoàn - Ảnh 3.
Nói với Đoàn: Đặc trưng của thanh niên thành phố mang tên Bác Nói với Đoàn: Đặc trưng của thanh niên thành phố mang tên Bác

TTO - Với vị thế trung tâm kinh tế - tài chính trọng điểm phía Nam, vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM đòi hỏi mỗi thanh niên TP phải đặt mình trong bối cảnh phát triển với các "đặc trưng" mà tôi nghĩ cần phải có.

DƯƠNG TRỌNG PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên