18/07/2020 10:30 GMT+7

'Nỗi oan Thị Mầu' TikTok trong mắt Mỹ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - TikTok luôn một mực khẳng định không chia sẻ dữ liệu với chính quyền Bắc Kinh. Nhưng trong mắt của các chính trị gia ở Washington, những lời giải thích đó chẳng khác gì 'nỗi oan Thị Mầu' - tức sự việc đã rành rành mà vẫn cứ kêu oan.

Nỗi oan Thị Mầu TikTok trong mắt Mỹ - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ Mỹ đã sử dụng TikTok để “trêu ghẹo” Tổng thống Trump, khi đăng ký nhưng không xuất hiện khiến sự kiện tranh cử của ông tại thành phố Tulsa ‘trống huơ trống hoác” - Ảnh: Reuters

Các quan chức Mỹ đã bắn tiếng về việc sẽ có một lệnh cấm TikTok hoạt động tại nước này. Nền tảng chia sẻ video thuộc Tập đoàn ByteDance của Trung Quốc đang đứng trước thách thức lớn kể từ khi ra đời năm 2017.

Đó là một rủi ro bảo mật lớn. Chúng ta có thực sự muốn Bắc Kinh có dữ liệu vị trí địa lý của tất cả các nhân viên liên bang không? Chúng ta có thực sự muốn họ có tổ hợp phím bí mật không?

Thượng nghị sĩ Josh Hawley đặt vấn đề khi trình dự luật sẽ cấm tất cả nhân viên liên bang Mỹ dùng TikTok.

Lo ngại đe dọa an ninh

Chính quyền Washington xem cuộc trấn áp TikTok là một phần của chiến dịch chấm dứt các hành vi của Trung Quốc trong đánh cắp sở hữu trí tuệ, khai thác dữ liệu người dùng và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Dù không mặn mà với việc bảo vệ TikTok như đã làm với Huawei, Bắc Kinh vẫn thể hiện quan điểm nhưng theo cách khác. Chẳng hạn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói như chế giễu rằng "chẳng biết một nước Mỹ hùng mạnh từ bao giờ lại đi sợ các ứng dụng Trung Quốc như vậy".

Các chính trị gia Mỹ nhìn TikTok hay WeChat theo cách hoàn toàn khác. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15-7 cảnh báo người Mỹ nên thận trọng khi sử dụng các ứng dụng của công ty Trung Quốc, điển hình như TikTok. Theo một đạo luật được Trung Quốc ban hành năm 2017, các công ty nước này có nghĩa vụ phải hỗ trợ và hợp tác với công tác tình báo quốc gia.

Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro thì bày tỏ hi vọng Tổng thống Donald Trump sẽ có "hành động mạnh mẽ" chống lại TikTok và WeChat vì đã tham gia vào một "cuộc chiến thông tin" chống lại Mỹ. Ông nhấn mạnh kể cả khi TikTok được bán cho một công ty Mỹ, vấn đề cũng không được giải quyết.

Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ thuộc Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ thảo luận vào ngày 22-7 về dự luật "Không có TikTok trong các thiết bị của Chính phủ Mỹ". Tại Nhà Trắng, các cuộc thảo luận đang diễn ra. 

New York Times dẫn các nguồn tin riêng cho biết chính quyền Trump đang cân nhắc sử dụng Đạo luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế để chống lại các công ty như TikTok. Đạo luật này cho phép tổng thống Mỹ có biện pháp trừng phạt các công ty của nước khác "trước các mối đe dọa bất thường".

"Oan Thị Kính" hay "oan Thị Mầu"?

So với Huawei - gã khổng lồ viễn thông đang bị Mỹ bóp nghẹt, TikTok hay WeChat (cũng của Trung Quốc) không thể sánh bằng về giá trị thương mại. Bù lại, hai ứng dụng này có được mức độ phổ biến khiến Huawei phải ganh tị.

Với gần 1 tỉ người dùng toàn cầu, TikTok nổi tiếng trong giới trẻ khi cho phép họ tạo ra những video ngắn trên nền nhạc bắt tai hay các hiệu ứng độc lạ và đẹp mắt. Trong khoảng 26,5 triệu người dùng TikTok (hay còn gọi là TikToker) ở Mỹ, có 60% là từ 16 đến 24 tuổi.

Nhiều nghệ sĩ và nhân vật có tiếng nói ảnh hưởng trong một lĩnh vực trên mạng xã hội (KOL) đã chọn TikTok cùng với các mạng xã hội khác như Instagram, Facebook, Twitter để quảng bá hình ảnh, kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo. 

Tại Trung Quốc, TikTok được biết đến với cái tên Douyin và hoạt động từ năm 2016. Mới đây nhất, Chính phủ Trung Quốc đã định nghĩa lại thất nghiệp và xem những người phát trực tiếp để bán hàng trên Douyin là lao động có việc làm.

Với nhiều lợi ích tích cực như vậy cùng khả năng giải trí đem lại, phần lớn TikToker bình thường ở Mỹ cảm thấy không hiểu tại sao chính phủ lại muốn cấm cửa nền tảng này. "Nếu họ cấm TikTok, coi như tôi mất cả cuộc đời. TikTok là cuộc sống của tôi", một TikToker khác than vãn.

Vẫn có một số ít hơn nhìn ra vấn đề và cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung cuối cùng đã cháy lan tới nền tảng yêu thích của họ. "TikTok sẽ bị trừng phạt dù nó chẳng làm gì sai". Nhóm người này vẫn tin TikTok bị "oan Thị Kính" - nghĩa là bị oan mà không nói và làm gì được.

Trên thực tế, TikTok không im lặng mà đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc từ Mỹ. Công ty này chỉ ra việc có giám đốc điều hành là một người Mỹ và nhấn mạnh TikTok là một phiên bản quốc tế của Douyin - đồng nghĩa các cơ sở dữ liệu sẽ được đặt bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Người phát ngôn của TikTok Jamie Favazza cho biết dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ ở bang Virginia và Singapore.

Theo New York Times, TikTok đã thuê một đội vận động hành lang lên tới 35 người, bao gồm cả những người "có quan hệ sâu sắc với ông Trump", để thuyết phục các chính khách Mỹ rằng "lòng trung thành" của công ty dành cho Washington chứ không phải Bắc Kinh.

Cố vấn Nhà Trắng: TikTok muốn không bị cấm thì tách khỏi Trung Quốc, thành công ty Mỹ Cố vấn Nhà Trắng: TikTok muốn không bị cấm thì tách khỏi Trung Quốc, thành công ty Mỹ

TTO - Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, gợi ý TikTok nên tách ra khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc và hoạt động "như một công ty Mỹ độc lập" giữa lúc có nhiều đồn đoán nói Mỹ sắp cấm cửa nền tảng này với lý do đe dọa an ninh.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên