![]() |
Chị N. và anh B. học chung Trường THPT Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp, vốn là con một nên anh không thi đại học mà ở nhà lo chuyện đồng áng. Còn chị học trung cấp y tế, rồi xin vào làm ở bệnh viện gần nhà. Biết nhau từ trước nên khi có người mai mối, họ tiến tới hôn nhân. Sống với nhau được mấy năm, vợ chồng lục đục. Bé Đ. ra đời những tưởng hạnh phúc sẽ bồi đắp lại nhưng không ngờ mâu thuẫn vẫn gay gắt. Năm bé 5 tuổi, họ đưa nhau ra tòa ly hôn. Tòa xử chị nuôi con, anh có nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng...
Giành con
"Trẻ thơ như tờ giấy trắng, mọi lời nói ra trong tầm tai nghe, mọi chuyện thấy trong tầm mắt nhìn đều có chiều hướng tạo ra tính cách, suy nghĩ của trẻ" Lời chị N. |
Khi đội thi hành án tiến hành cưỡng chế, anh đem con đi giấu... Cuối cùng cơ quan thi hành án định dùng biện pháp hình sự đối với anh do anh không chấp hành bản án, nhưng chị năn nỉ từ từ sẽ thuyết phục được chồng cũ. Bởi chị sợ con sẽ tổn thương khi cha bị đi tù và nghĩ chẳng qua anh cũng thương con nhưng cách cư xử ích kỷ, thô bạo mà thôi.
Bé Đ. vào lớp 1. Mỗi buổi bé đi học, bên chồng đều theo canh giữ. Chị lén nhìn con mà rơi nước mắt. Phải đợi một năm, bên chồng lơi dần, chị canh giờ ra chơi đến gặp con. Những buổi đầu, đứa bé tuy còn nhớ mặt mẹ nhưng xấc xược gọi chị là bà, rằng “bà đến gặp tui làm gì, cha không cho tui gặp bà”. Chị cảm giác như ai cứa dao vào lòng. Chị cố gắng bù đắp cho con. Chị mua những món ăn mà con thích. Sắm quần áo cho con, gửi cô chủ nhiệm nhờ trao cho con nói rằng trường tặng bởi sợ bên chồng biết sẽ lớn chuyện. Dần dần qua nhiều lần đến thăm, đứa trẻ cũng chấp nhận tình thương của chị và gọi chị là mẹ. Một ngày gần cuối niên học lớp 3 của con, người chồng tình cờ hay được. Anh ta đến bắt gặp hai mẹ con đang ngồi nói chuyện vui vẻ. Anh lớn tiếng quát. Không muốn con chứng kiến cảnh cha mắng mẹ cũng như sợ anh làm kinh động trường học nên chị vội vã về. Vậy mà anh hộc tốc chạy đến quán ăn gần đó lấy dao rồi hung hãn vung lên chém nhiều nhát vào đầu chị. Chị đưa tay lên đỡ, té xuống ngất đi trước khi nhìn thấy ánh mắt mở to hoảng loạn, hãi hùng và tiếng thét đầy kinh hoàng của con. Chị bị thương tích 20%. Anh bị tòa tuyên án 3 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Đứa bé về với mẹ...
Lòng mẹ
Trở về với mẹ cũng là lúc năm học mới của bé Đ. bắt đầu. Sau cái ngày kinh hoàng đó, đôi mắt to đen láy mất dần những tia hồn nhiên trong sáng, vui tươi, thay vào bằng những tia lầm lì, bất cần đời hoặc cau có long lên sòng sọc khi giận dữ. Điều nhức nhối là đứa bé không chịu đến trường. Nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định chuyển trường cho con bởi sợ con mình sẽ không quên hình ảnh khiếp đảm đó, vả lại cũng sợ con bị bạn bè trêu chọc. Còn Đ. khi nghe chuyển trường mới chịu đi học.
Trong đứa bé như có hai tính cách tồn tại. Ở trường ít nói, co rúm lại, không chơi với ai. Việc học khá thụ động, nếu cô giáo không gọi lên thì Đ. không tham gia phát biểu. Ở nhà thì Đ. hỗn xược với người lớn. Nếu Đ. làm gì sai, mẹ chỉ rầy la chút đỉnh thì thằng bé phản ứng bằng cách lớn tiếng cự lại. Mỗi lần chị kêu ngồi vào học thì con quạu quọ, hỗn xược trả lời rằng mình không thích học. Chị vẫn ráng mềm dẻo, tươi cười với con nhưng đêm về nước mắt người mẹ lăn dài trong cả giấc ngủ. Nhưng chị vẫn kiên nhẫn bởi nghĩ nếu buông xuôi chẳng khác nào hủy hoại tương lai của con. Có lẽ nhìn thấy những giọt nước mắt, cũng như cảm nhận được sự thương yêu của mẹ dành cho mình, nên dần dà đứa trẻ cũng chịu mở lòng ra với mẹ dù rất dè sẻn...
Chị nghĩ trẻ thơ như tờ giấy trắng, mọi lời nói ra trong tầm tai nghe, mọi chuyện thấy trong tầm mắt nhìn đều có chiều hướng tạo ra tính cách, suy nghĩ của trẻ. Vì vậy phải xóa đi những vết đen khủng khiếp trong ký ức tuổi thơ của con, để con như một trang giấy trắng mới sẽ viết lên những hình ảnh tốt đẹp khác. Một mặt chị đến nhà giáo viên chủ nhiệm tâm sự hoàn cảnh gia đình mình, mong được sự giúp đỡ từ phía nhà trường. Chị cũng mua những quyển sách có tính cách giáo dục như Tâm hồn cao thượng cho con đọc. Mặt khác, chị cùng con đi làm từ thiện vào những ngày nghỉ. Hè đến chị khuyến khích con tham gia công tác xã hội...
Đ. bây giờ là học sinh lớp 11, biết lắng nghe những điều mẹ dạy, hòa nhập với trường lớp, bạn bè. Tuy nhiên chị không thể nào xóa được hình ảnh người cha đã vung dao chém mẹ mà đứa con chứng kiến. Từ ngày người cha ra tù, anh không ghé thăm con dù chỉ một lần. Thằng bé cũng không chịu đến thăm cha. Mỗi lần chị nhắc con đến thăm cha là ánh mắt con trẻ hằn lên tia khiếp sợ, rúm người lại, rằng: “Gặp cha, lỡ cha nóng lên chém con thì sao”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận