08/02/2025 10:38 GMT+7

Nồi khổ qua và thịt kho của má cứ nhỏ dần

Tiếng lách cách từ mớ chén dĩa khua trong gian bếp, mùi thơm của nồi khổ qua hầm liu riu, nồi thịt kho hột vịt làm ngôi nhà ba thế hệ chúng tôi thêm ấm cúng, tràn đầy không khí Tết.

 Nồi khổ qua và thịt kho của má cứ nhỏ dần - Ảnh 1.

Nồi khổ qua mỗi năm má hầm ít lại

Đầu tháng chạp, má đã nhắc cả nhà Tết năm nay 29 rồi tới mùng một, nhanh lắm nha mấy đứa. Rồi má ngồi lẩm bẩm một mình tháng chạp mà thiếu ngày 30 như đòn bánh tét cuối cùng vét hết đậu nếp, thịt mỡ, gói xong cũng thành dáng thành hình nhưng ngắn đòn đi một chút.

Từ 15 tháng chạp, má bắt đầu "lên lịch" làm các món Tết, các loại bánh mứt hương vị truyền thống, các món ngâm từ rau củ, dưa món, kiệu chua, …

Chị em tôi được phân công mỗi người một việc, người chọn mua đậu nếp thịt mỡ, người phụ trách mua nguyên liệu làm các món mứt và rau củ, cải chua.

Khoác sắc màu cho các món mứt

Đó là mứt gừng - loại mứt thảo dược đầy lợi ích cho ba ngày Tết và mứt dừa sợi đủ màu.

 Nồi khổ qua và thịt kho của má cứ nhỏ dần - Ảnh 2.

Má bên mẻ mứt màu củ dền

Má dặn làm mứt nào cũng vậy, luôn cần một đôi tay tỉ mỉ và chịu khó, từ khâu "canh lửa" sên mứt, đảo đều, đến canh đường, khi đường cạn dần, keo lại thì hạ lửa. Vài khúc lá dứa thêm vào để làm tăng hương vị chảo mứt.

Lúc đường "áo" mịn xung quanh sợi mứt, lát mứt thì tắt bếp, đảo thêm vài bận để mứt được thơm ngon tránh bị cứng và cháy khét.

Chị em tôi học "nghề" má theo kiểu "mẹ dạy con, bà dạy cháu", đứa lớn dạy đứa nhỏ, dần rồi quen, ai cũng "bỏ túi" vài bí kíp làm các loại mứt vào dịp Tết.

Cả nhà quây quần bên nhau cạo vỏ xắt lát các củ gừng, rửa sạch rồi cho lên bếp luộc sơ qua để lát gừng bớt độ cay nồng, để ráo rồi ướp đường.

Trong thênh thang nắng tháng chạp, mùi gừng cay cay quyện vào mật đường tan chảy dậy lên những mùi hương ngọt lành, thơm thảo. Tiếng nói cười rôm rả, tiếng gọi ngoại ơi làm chộn rộn, xôn xao cả gian bếp.

Rổ cơm dừa được làm sạch, bào thành những sợi ngắn, sợi dài mềm mại, rửa sạch, ngâm đường, tạo màu từ lá dứa, rau củ, rồi đem phơi nắng.

 Nồi khổ qua và thịt kho của má cứ nhỏ dần - Ảnh 3.

Mẻ mứt gừng thảo dược

Khoảng sân tháng chạp như được tô điểm thêm sắc màu bên những chậu kiểng đang bật lên các mầm xanh, chồi biếc. Những sợi dừa mang sắc đỏ củ dền, thẫm xanh lá dứa, vàng từ nhánh nghệ, màu tím lá cẩm… dậy màu lên trong nắng Tết.

Quyện vào gió xuân là mùi gừng cay cay, mùi lá dứa thơm nồng, mùi dừa ngấm trong chảo đường vừa chín tới. Vài tấm ảnh cả nhà bên gian bếp và các mẻ mứt dừa thành phẩm sắc sắc, màu màu được bọn trẻ lưu giữ lại như một dịp "khéo tay hay làm" để gửi khoe bạn bè.

Vị Tết từ sắc màu rau củ

Từng lát củ cải trắng muốt, cà rốt tỉa bông, đu đủ, kiệu chua, hành tím,… xếp đều tăm tắp hong phơi trong nắng Tết. Mùi rau củ hăng hăng tràn qua những bậc thềm ký ức, đưa hương vị Tết bay khắp sân nhà góc bếp.

Nồi khổ qua và thịt kho của má cứ nhỏ dần - Ảnh 4.

Rau củ dậy sắc màu trong nắng chạp

 Nồi khổ qua và thịt kho của má cứ nhỏ dần - Ảnh 5.

Phơi kiệu

Qua vài đợt nắng, rau củ được gom lại rồi đem sơ chế cho sạch. Khi gian bếp thơm nồng mùi nước mắm đường, mùi giấm chua ngọt, những hũ thủy tinh đựng thành phẩm dưa món, kiệu chua đã được xếp ngay ngắn lên kệ bếp.

Má khen Tết này cả nhà đã "lên tay"

Những "sợi" rau củ ngâm ngập trong nước mắm đường đã đậm vị nở lại dáng bông cà rốt và lát cải trắng, lát đu đủ trông thật bắt mắt. Má cắn thử nghe giòn rụm. "Thêm vài lát bánh tét là Tết luôn được rồi", má cười, mái tóc bạc trắng những sợi thăng trầm đời người.

Ngoài sân, cây mai đã được ba tuốt lá, chuẩn bị ra nụ, thay chiếc áo vàng đón Tết.

Gian bếp dậy hương Tết từ nồi khổ qua liu riu

Canh khổ qua hầm và thịt kho trứng là hai món ăn dân dã chứa đựng nhiều ý nghĩa, thông lệ ngày Tết, không thể thiếu trong mâm cơm dâng cúng ông bà tổ tiên và bữa cơm gia đình ngày đầu năm mới.

Theo quan niệm dân gian, ngày Tết ăn canh "khổ qua" thì mọi khó khăn, vất vả trong năm cũ sẽ "qua", năm mới sẽ may mắn hơn. Vị đắng trong trái khổ qua còn giúp "cân bằng" thịt mỡ, có tác dụng thanh lọc bụng dạ, hỗ trợ tiêu hóa ba ngày Tết.

Đó là món canh "ký ức" dành cho ba má tôi và các phụ huynh trong gia đình. Bọn trẻ, đứa chịu ăn thì bỏ vỏ, chỉ ăn phần nhân giòn sần sật có nấm mèo, bún tàu.

Thịt kho hột vịt là "cặp đôi truyền thống" với món canh khổ qua, gắn liền ý nghĩa với đời sống và phong tục các gia đình ngày Tết. Miếng thịt vuông, quả trứng tròn như mang đến những ước muốn tốt lành, tròn đầy cho năm mới.

Mỗi năm nồi khổ qua và thịt kho của má cứ "nhỏ dần"… (theo tôi quan sát) bởi Tết ngày nay đủ đầy những thức ngon, vật lạ. Người lớn thì "giữ dạ" sợ thịt mỡ, trẻ con thì thích những món ăn nhanh, lạ vị.

Dù vậy má vẫn lui cui nơi góc bếp, canh lửa cho hai cái nồi "chủ đạo", cứ sợ ngày 29 Tết trôi nhanh. Má nói làm cực chút xíu mà vui nhà vui cửa, sẵn dạy cho con cháu biết đến phong vị ngày Tết.

Không nói ra nhưng bọn trẻ cũng cảm nhận được dịp chúng tề tựu về mái nhà chung, phụ giúp ngoại những ngày giáp Tết để bày biện, làm bánh mứt cùng nhau là những khoảnh khắc đáng nhớ trong hành trình khôn lớn.

Nắng cuối chạp đang trải vàng mênh mang lên hai chậu bông vạn thọ trước sân nhà, mùi nhang trầm thiêng liêng, thơm dịu thoảng đưa theo làn gió xuân thênh thang.

Thương sao cái tết vương màu bụi - Ảnh 1.

Diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ diễn ra từ ngày 20-1 đến 20-2-2025, do báo Tuổi Trẻ và Công ty INSEE Việt Nam đồng hành.

Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều có thể gửi bài tham dự diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ. Bài viết gửi đến địa chỉ email muaxuan2025@tuoitre.com.vn.

Bài viết tối đa 1.000 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email, số căn cước công dân cùng số tài khoản để ban tổ chức liên lạc.

Bài viết phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài viết chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bạn đọc chịu trách nhiệm về bản quyền, khiếu nại xảy ra (nếu có).

Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.

Giải thưởng diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ

Các bài bạn đọc gửi đến diễn đàn sẽ được chấm điểm theo tiêu chí cùng với điểm do bạn đọc bình chọn.

Trong đó điểm chuyên môn do ban tổ chức chấm chiếm 50%, bạn đọc bình chọn chiếm 50% tổng số điểm của bài dự thi.

Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.

- 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng.

- 3 giải nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

- 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.

Các bài được chọn đăng sẽ được chấm trả nhuận bút theo quy định.

 Nồi khổ qua và thịt kho của má cứ nhỏ dần - Ảnh 10.Bộ quần áo duy nhất bố mua cho tôi dịp Tết

Người Tày có câu 'luc đếch đáy rứa khóa mấu hoằn nèn le phằng' (Tết đến trẻ nhỏ được quần áo mới thì vui mừng).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên