09/10/2012 08:28 GMT+7

Nói dối không còn lòi đuôi

Nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN
Nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN

TT - Hồi nhỏ, có lần mẹ tôi bảo: “Nói cái gì thì nói cho thật. Bởi vì nói dối thì rất dễ lòi đuôi!”. Tôi hỏi mẹ: “Vậy con nói dối nó có đuôi hả mẹ?”.

Mẹ không trả lời và mãi đến hôm nay, tôi vẫn không biết thật rõ vì sao lại có câu thành ngữ ấy.

Làm khoa học cũng phải nói dối"Virút" thành tích, hình thức gây bệnh giả dốiThẳng thắn, thật thà là ngốc!

a0cd8v8H.jpgPhóng to
Ảnh: Q.T.
Nhớ một danh nhân nào đó có nói về sức mạnh của sự thật rằng: “Nếu anh đóng cửa lại nói với bốn bức tường điều gì thì cả trái đất đều nghe được anh nói”.

Sự thật biết xuyên tường, bất chấp thời gian và những cấm đoán khe khắt nhất. Có phải thế không? Phải chăng sự thật có khi bị che khuất không nhìn thấy nhưng không thể che khuất mãi mãi. Còn sự dối trá thì như một con kỳ nhông luôn có cái đuôi dài, thò ra bất cứ lúc nào và không thể giấu được ai khi nó xuất hiện.

Nếu sự đời luôn xảy ra như vậy thì có lẽ không ai muốn nói dối, vì sợ bị lòi đuôi. Nhưng thực tế nghiệt ngã không phải như vậy. Con dối trá thời hiện đại hình như không có đuôi, đúng hơn, có lẽ tuân theo luật Darwin, nó đã biến dần thành con rắn và biết giấu cái đuôi vào trong bụng.

Nói dối đưa lại quyền và tiền

"Sự lên ngôi của đồng tiền là động lực xô đẩy con người vốn hồn nhiên trước đây vào vòng dối trá tinh vi và xảo trá"

Sáu năm trước tại Hà Tây, một ông giáo có tên Đỗ Việt Khoa, bằng phương tiện tin học đơn giản đã đưa ra lời cảnh báo về sự dối trá trong thi cử tốt nghiệp THPT. Mọi người, kể cả ông bộ trưởng bộ giáo dục đương thời, đều nhận ra một sự thật: những tiêu cực trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (tú tài) tại một số hội đồng thi ở Hà Tây mà báo chí và thầy giáo Đỗ Việt Khoa nêu lên là chứng cứ cho việc dối trá trong thi cử kéo dài nhiều năm vì chủ nghĩa thành tích.

Và tuy chỉ bị bắt quả tang ở vài hội đồng thi như Phú Xuyên A, Đồng Quan và Dân lập Xuân Mai nhưng đó là cái đuôi của con kỳ nhông thi cử dối trá không chỉ của Hà Tây mà là cả nước.

Từ cái đuôi lòi ra ấy, Bộ GD-ĐT tuyên bố mở phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử”. Sau đó tỉ lệ tốt nghiệp THPT tụt xuống một cách thảm hại. Như Tuyên Quang năm 2006 tốt nghiệp 95,6%, năm 2007 chỉ còn 40%. Người ta nói số 40% là rất gần với sự thật và rất xa sự dối trá. Nhưng hè năm nay, người ta lại ngỡ ngàng với tỉ lệ tốt nghiệp THPT. Có vẻ như báo chí và ngay cả Bộ GD-ĐT cũng đã quá mệt mỏi nên mọi người đành ngậm ngùi chấp nhận cái tỉ lệ trên 90%, làm ngơ như con dối trá không lòi đuôi bao giờ!

Dối trá, nói dối như cuội vì thành tích, vì để mát mặt với chị em, với láng giềng còn là cái nói dối đáng trách nhưng dễ thương. Giờ đây, có vẻ như người ta cũng không mặn mà với thành tích, với giấy khen. Bởi vì những tràng pháo tay, những tấm huy chương thành tích tuy vẫn lấp lánh trên ngực nhưng không làm ra tiền, không tạo được quyền lực.

Người ta đã học được cách nói dối đưa lại quyền và tiền, con kỳ nhông có cái đuôi dài đỏng đảnh đã biến dạng thành con rắn sọc dưa xảo quyệt. Lời nói dối được nâng thành sự dối trá, cao hơn nữa là những kịch bản lừa đảo có tính chuyên nghiệp.

Dối trá có thể làm suy đồi dân tộc

Người ta cố tạo được một điểm làm bàn đạp đổ bộ vào guồng máy quyền lực bằng sự lừa dối đầu tiên là tấm bằng giả, hoặc tương tự, một tấm bằng thật nhưng kiến thức giả nhờ thuê được người học thay. Dối trá có dòng con cháu riêng của nó, sinh đẻ rất nhanh, có khả năng đề kháng mạnh để che giấu một cách hoàn hảo những cái đuôi lòi ra ngoài ý muốn.

Từ cái bằng giả “chưa bị lộ” hoặc mãi mãi không bị lộ, người ta bước dần lên những vị trí mới, chủ yếu bằng những thành tích dối trá. Không dối trá sao được khi ngồi nhầm chỗ và cái dối trá ban đầu được che giấu một cách hiệu quả bằng cái dối trá thứ hai. Và chuỗi dối trá liên hoàn tiếp tục cho đến lúc không thể dối trá được nữa, sự đổ vỡ xảy ra và con người dối trá buộc trở thành chân thật trong quan tài thiên thu định mệnh hay trước vành móng ngựa của tòa án hoặc lương tâm.

Để có quyền và tiền, người ta không ngại uốn lưỡi hàng chục lần trước khi nói. Không phải uốn lưỡi để tìm được lời hay, lẽ phải. Mà uốn lưỡi để những lời dối trá mang được vẻ chân thật nhất. Có thế mới lung lạc được lòng người.

Trước đây, kẻ dối trá chỉ nói sai sự thật hoặc phủ lên sự thật một tấm màn mờ ảo. Khi cái đuôi lòi ra, người ta dễ dàng có ngay sự thật để đối chiếu, để vạch mặt. Trò dối trá hiện đại đã biết tìm mọi cách thủ tiêu sự thật. Vì sự thật đã bị thủ tiêu nên dối trá chính là sự thật, mặc nhiên được công nhận là sự thật và không biết đến bao giờ cái gọi là sự thật duy nhất được bộc lộ. Vì nó đã chết bởi những trò dối trá.

Con rắn dối trá không sợ bị lòi đuôi! Giải thể công ty để thủ tiêu giấy tờ, chia ra sáp nhập để tù mù đất đai và hàng ngàn lẻ một cách để lấp liếm, chôn vùi sự thật trong lịch sử là những trò chơi nhẹ nhàng nhất của kỹ nghệ nói dối, làm dối. Nhưng kỹ nghệ nói dối hiện đại không khu trú trong phạm vi cá nhân tìm lợi lộc hay hư danh mà liên quan đến việc mưu lợi cho một nhóm người và làm hại đa số dân chúng. Có những lời nói dối, những việc làm dối trá có tầm ảnh hưởng lớn lao. Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ là một ví dụ.

Sự dối trá kéo dài có thể làm suy đồi cả một dân tộc hay dắt dẫn dân tộc vào ngõ cụt. Shakespeare trong Hamlet có đặt vào lời một nhân vật giao việc cho đầy tớ đi dò la con trai đang ở nước ngoài rằng: “Hãy thả cái mồi giả dối để câu lấy con cá chân lý”. Đó là thời của nhà viết kịch vĩ đại, khi người ta chỉ muốn biết một vài sự thật nho nhỏ. Nhưng thời ấy đã qua. Ngày nay, nói dối không còn dễ lòi đuôi, nếu biết thả cái mồi giả dối đúng chỗ, đúng lúc, lại có phe cánh toa rập thì giá trị giả dối còn tăng gấp nhiều lần. Rồi cái mồi giả dối ấy lại câu được những con cá giả dối khác giá trị gấp nhiều lần nữa.

Xin hãy cảnh giác và chặn lại nguồn gốc của mọi thảm họa không chỉ của riêng ai, nạn nói dối đã biến dạng, nói dối không lòi đuôi!

r9R3aoxm.jpgPhóng to
Họa sĩ Uyên Huy - Ảnh: Quang Huy

Hồi chuông cảnh báo khẩn thiết

Bệnh giả dối bắt nguồn từ sự thiếu trung thực và mất lòng tự trọng. Tất cả chúng ta từ Đảng, Nhà nước, những nhà giáo dục phải làm sao phục hồi cho được ý thức về lòng tự trọng và tính trung thực.

Tôi cho rằng hội nghị “Nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc VN” do Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức ngày 27-9 đã lên tiếng báo động về bệnh giả dối là hồi chuông cảnh báo vô cùng khẩn thiết của xã hội VN hiện nay.

Tự cổ chí kim, một khi lòng tự trọng và sự trung thực bị mất đi thì tất yếu sẽ dẫn đến sự thiếu minh bạch, thật giả bất minh và dẫn đến thảm họa xã hội sẽ nguy hại khôn lường, cái xấu, cái ác sẽ lộng hành; nguy cơ rối loạn luân thường đạo lý, trật tự gia đình, xã hội và cả đất nước chắc chắn sẽ xuất hiện. Thiếu trung thực, thiếu tự trọng thì người ta sẽ dễ bóp méo mọi thứ vì quyền lợi cá nhân hay phe nhóm. Thiếu trung thực, thiếu tự trọng cũng làm cho người ta khiếp sợ mọi thứ, thậm chí không dám chỉ rõ, nêu tên kẻ thù.

Tôi rất tán đồng những ý kiến cho rằng chúng ta cần phục hồi giá trị của Đại hội VI: “Nhìn thẳng vào sự thật”. Tôi cũng hoan nghênh những ý kiến khẳng định “phải sửa chữa bệnh giả dối, nhìn thẳng vào sự thật, nói thật, làm thật”...

Tóm lại, theo tôi, bệnh giả dối là cái ngọn của sự thiếu tự trọng và trung thực. Toa thuốc trước mắt là cán bộ, đảng viên phải thật sự làm gương trong cuộc chiến chống nói dối. Toa kế tiếp và là biện pháp cốt lõi là “nền giáo dục phải phục hồi và nuôi dưỡng cho được lòng tự trọng và ý thức trung thực”.

Nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên