03/10/2012 20:08 GMT+7

"Virút" thành tích, hình thức gây bệnh giả dối

vuongle_1508@... 
vuongle_1508@... 

TTO - Tham gia diễn đàn "Nói không với giả dối", nhiều bạn đọc không những chỉ ra những biểu hiện giả dối mà còn "hội chẩn" và "chẩn đoán" chính "virút" sính thành tích là nguyên nhân của sự lây lan bệnh giả dối.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng bày tỏ sự chua xót trước việc không ít khi những lời nói thật mang lại "quả đắng" cho khổ chủ, lời nói thật không được lắng nghe, tiếp thu, trân trọng... Tuổi Trẻ Online tiếp tục trích đăng một số ý kiến của bạn đọc:

Giả dối làm xã hội suy vi“Một lần bất tín, vạn lần bất tin”Giả dối: bệnh đã di căn

fo7qmQCw.jpgPhóng to

Người dân ở Bắc Trà My đang ngày đêm lo lắng bởi những trận động đất luôn xảy ra tại khu vực này. Những lý giải của các đơn vị có liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa thuyết phục được người dân - Ảnh: Đ.Nam

"Virút" gây bệnh giả dối

Giả dối không còn là căn bệnh mà đã trở thành vấn nạn của xã hội hiện nay. Nó không thuyên giảm theo thời gian, ngược lại ngày càng ăn sâu và di căn vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được học trung thực, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Nhưng những gì chúng ta thấy thì lắm lúc không hoàn toàn giống thế. Để chạy theo thành tích, cả một kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia cũng bị biến thành trò hề khi một bộ phận thầy cô lại chính là những người đánh mất những gì cao quý mà mình từng truyền đạt cho bao thế hệ học trò.

Rồi những hiện tượng một số thầy cô sử dụng bằng cấp giả để được thăng tiến trong sự nghiệp, làm ngơ cho học trò quay cóp trong các kỳ thi, nâng điểm, sửa điểm... Nói vậy để thấy sự giả dối xuất hiện từ lúc chúng ta mới chập chững vào đời. Trong quá trình mưu sinh với bao nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, lo chạy chức chạy quyền, đối phó với bao sự cám dỗ và đe dọa, sự giả dối ấy càng có dịp ăn sâu và phát triển trong mỗi con người.

Tóm lại, để căn bệnh giả dối không còn tồn tại thì chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và chữa trị tận gốc. Dám chấp nhận mọi thực tế dù thực tế đó không mấy ngọt ngào. Để làm được việc này thì những người có trách nhiệm phải là những người có tâm, có tầm, không chạy theo những thành tích trên giấy hay hình thức. Như vậy mới có thể đẩy lùi căn bệnh này.

Đấu tranh rồi tránh đâu?

Nói dối theo tôi có hai loại: nói dối tích cực và nói dối tiêu cực. Nói dối tích cực thường là những lời trấn an, những biện pháp nói giảm, nói tránh để người khác đỡ lo, đỡ phiền muộn. Ví dụ như bác sĩ không nói thật bệnh tình của bệnh nhân để họ không bi quan. Nói dối tích cực vì muốn tốt cho người khác chứ không cho bản thân mình. Và trong đời ai cũng có những lần nói dối như thế này.

Nói thật bị dán nhãn "chống đối"?

Tôi làm trong cơ quan phải đối diện với những lời nói dối, những hành động và việc làm sai. Tuy nhiên, nếu mình đứng lên phát biểu tìm ra cái đúng thì lại bị cho là chống đối và bị chèn ép.

Nhiều lúc tôi cảm thấy sự thật sao khó nói ra quá.

Nói dối tiêu cực là những lời nói nhằm che giấu sự thật mà nó có thể ảnh hưởng đến bạn. Mới đầu chỉ là những lời khen hay tán dương một vài vấn đề nhỏ mà bạn và người nghe đều biết đó là nói dối nhưng không ảnh hưởng nhiều. Dần dần, mức độ nói dối ngày càng nghiêm trọng: bạn nói dối và người nghe biết bạn nói dối nhưng thay vì phản đối, họ lại "tung hô" và ủng hộ bạn. Dần dần, mọi người đều công nhận lời nói dối đó như lời nói thật.

Giữa nói dối tiêu cực và tích cực là những khoảng cách mong manh. Nếu lạm dụng nói dối tích cực lâu ngày nó sẽ bào mòn niềm tin nơi người nghe, khiến họ không phân biệt đâu là thật, đâu là giả dối!

Năm vừa rồi, tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT của nước ta ở cao ngất ngưởng: 98%. Để có con số tuyệt đẹp này, nhiều địa phương đã phải dối trá bằng cách làm lơ cho học sinh quay bài, cho đồng nghiệp nhắc bài, chấm điểm nương tay,.. Tâm lý an phận, ngại va chạm hay "đấu tranh rồi tránh đâu" đã ăn sâu vào tâm khảm nhiều người. Hơn nữa tâm lý ai sao mình vậy là mảnh đất màu mỡ để nói dối phát triển đến một đẳng cấp cao hơn là thành nói thật!

Có thể chữa bệnh nói dối bằng cách dám nhìn thẳng vào những yếu kém của mình, không che đậy hay trốn tránh nó vì lý do thành tích, thi đua hay bất kỳ lý do nào khác. Khi những hành vi nói dối được vạch trần thì pháp luật cần có quy định xử phạt thích đáng. Những đơn vị hay cá nhân dối trá gây hậu quả nghiêm trọng như thất thoát tài sản, ảnh hưởng uy tín thì phải được công khai lên các cơ quan thông tin đại chúng và bồi thường những thất thoát về tài sản, danh dự cho người khác.

Để bệnh nói dối đừng có cơ hội phát triển thì bản thân mọi người trước hết là hạn chế những việc làm dối trá, phải cảm thấy áy náy trước những lời nói dối dù là nói dối tích cực. Khi gặp hành vi dối trá, có thể bạn ngại hay thấy khó vạch trần nó nhưng hãy khéo léo tìm cách làm người nói dối biết hổ thẹn với lương tâm.

Nếu chúng ta chung tay hạn chế việc nói dối thì nói dối cũng không có cơ hội phát triển. Hãy bắt đầu từ bây giờ và từ chính mỗi người.

Nói thật thì có thể tồn tại không?

Có những người muốn nói thật, nhưng liệu có được nói thật không? Có những người nói thật thì bị chèn ép, bị cách ly, bị xem là ở không, chỉ lo chuyện thiên hạ. Nói thật thì dễ gây mất lòng, mà có nói thì cũng chẳng mấy ai nghe. Mọi thứ dần trở thành lối mòn, mất niềm tin về sự thật. Thấy một người ăn xin, cũng không biết là thật hay giả, thấy cũng tội mà không biết nên cho tiền hay không. Thấy một người bị tai nạn muốn giúp mà không biết có phải là một hiện trường dựng ra để có những thủ đoạn phía sau? Xem một chương trình thực tế thì tự hỏi đó có phải là sắp đặt không?...

Đọc báo cứ nói lên các tình trạng tiêu cực ở các ngành, các cấp nhưng rồi nhiều vụ trôi qua êm xuôi, quy trách nhiệm chung chung, chẳng còn biết sự thật ở đâu nữa.

Sống giữa một đám đông, mình là người nói thật thì liệu mình có thể tồn tại? Ví dụ như khi kẹt xe, nhiều người đều muốn đi nhanh, bất chấp luật giao thông, cứ lấn, cứ vượt, làm mọi cách để len lên trước, người giữ đúng luật thì cứ đứng mãi một chỗ và nhìn người khác đi trước mình, vượt qua mình. Thử hỏi trong hoàn cảnh đó, mấy ai có thể giữ được cái lẽ phải, cái đều đúng mà mình biết?

Học cách thành thật với chính mình

Tôi 24 tuổi. Đôi khi tôi thấy đau lòng khi thấy người ta giả dối. Ở tiểu học, mỗi lần có thầy cô tới dự giờ là thầy cô giáo chủ nhiệm cho thực hành trước một tiết học ở lớp, và hôm sau cả cô lẫn trò đều diễn, nhưng lúc đó tôi chưa hiểu cũng như cảm nhận được sự dối trá trong xã hội.

Tôi thấy hụt hẫng khi vào đại học, với những con người chung phòng trọ đầy mưu mô, toan tính và tới khi đi làm, tôi ngỡ rằng mình may mắn khi làm việc ở nơi văn minh, những người có tri thức sẽ hành xử đúng đắn và chân thật như những người có tri thức. Nhưng không, tôi chứng kiến những điều dối trá, giả tạo và màu mè trước lãnh đạo, sếp là điều không còn xa lạ. Làm 1 nói 10, khổ 1 nói 100 là điều không hề mới.

Nên có môn học gọi là "đạo đức" ở đại học, cũng như những chuyên đề, lớp học nói về đạo đức, để chúng ta nhìn lại mình. Sự tu dưỡng đạo đức, nhân cách con người không phải chỉ ở tiểu học mà là suốt đời. Chúng ta có thể lừa dối bạn bè, đồng nghiệp nhưng không bao giờ lừa dối được chính mình.

Hãy chân thật từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Chân thật với bản thân, với suy nghĩ, với thái độ của chính mình. Sự giả dối bắt đầu từ sự tự ti, kiêu ngạo, muốn chứng tỏ bản thân. Do đó cần khắc phục điều này.

Sự chân thật mang tới niềm tin, thành công, thanh thản cho con người, và nhất là giúp họ đi đúng hướng cuộc đời.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn này dưới dạng các bài phản ảnh, bình luận, phân tích... Bài vở gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc email toasoan@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.

vuongle_1508@... 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên