20/06/2012 06:30 GMT+7

Chưa có bao giờ "đẹp" như hôm nay

VĨNH HÀ - PHÚC ĐIỀN
VĨNH HÀ - PHÚC ĐIỀN

TT - Với tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT của 63 tỉnh thành đạt kỷ lục 98,97%, niềm vui của thầy trò lớp 12 vẫn chưa trọn vẹn khi đi kèm với nó là bằng chứng và sự hoài nghi những tiêu cực, gian lận nhiều nơi.

Kỳ tích của ngành giáo dục!Cả nước đậu tốt nghiệp THPT 97,63%

BERSf2FE.jpgPhóng to
Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM xem kết quả thi tốt nghiệp chiều 17-6 - Ảnh: Như Hùng

Chưa có bao giờ “đẹp” như năm nay

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT qua một số năm

Năm 2007: năm đầu tiên thực hiện “hai không”, tỉ lệ tốt nghiệp đạt 66,72%, giảm gần 28% so với năm 2006. 400.000 thí sinh trượt tốt nghiệp khiến Bộ GD-ĐT phải tổ chức thi tốt nghiệp lần 2, nâng tỉ lệ tốt nghiệp lên 80%.

Năm 2008: tỉ lệ tốt nghiệp đạt 75,96%, tăng 9% so với năm 2007. Có 250.000 thí sinh trượt tốt nghiệp, sau kỳ thi lần 2 còn 150.000 thí sinh trượt.

Năm 2009: tỉ lệ tốt nghiệp gần 84%. Có gần 230.000 thí sinh trượt tốt nghiệp.

Năm 2010: tỉ lệ tốt nghiệp cả nước tăng lên 93%, xấp xỉ năm 2006. Những tỉnh tăng bất thường là Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An, Cao Bằng...

Năm 2011: tỉ lệ tốt nghiệp tăng lên 96%. Có 54/63 tỉnh thành đỗ tốt nghiệp trên 90%, tỉnh đỗ thấp nhất là 82%. Nhiều tỉnh thành tăng bất thường như Bắc Kạn, Yên Bái...

Tính đến thời điểm này, số tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp hơn 99% đã ở con số 36/63 tỉnh thành. Ngoài các tỉnh luôn dẫn đầu tỉ lệ tốt nghiệp, nhiều tỉnh khó khăn, có tỉ lệ tốt nghiệp những năm trước không cao, nay vọt lên ở mức trên 99%. Tỉnh Bắc Kạn là một điển hình, năm 2007 có tỉ lệ tốt nghiệp 20%, năm 2011 có 88,7% và năm nay tăng lên 99,63% hệ THPT và 97,19 hệ giáo dục thường xuyên. Tương tự, tỉnh Cao Bằng từ tỉ lệ 47% vào thời điểm có “tinh thần hai không”, đến năm nay là 99,55% hệ THPT và 97,35% hệ giáo dục thường xuyên, tăng hơn 50% trong sáu năm qua và tăng gần 6% so với năm 2011. Hà Giang từ tỉ lệ gần 60% năm 2007, năm nay là 98,3% THPT và 96,88% giáo dục thường xuyên, tăng khoảng 40% so với năm 2007 và tăng gần 5% so với năm 2011...

Nhiều địa phương khác khó khăn về điều kiện dạy học và chất lượng dạy học năm nay có tỉ lệ tốt nghiệp đạt gần ngưỡng tuyệt đối như Hòa Bình (99,87% THPT và 99,04% giáo dục thường xuyên); Thái Nguyên 99,62%... Nhiều tỉnh ĐBSCL năm nay cũng đồng loạt đạt kết quả sát nút 100% ở hệ THPT. Có thể kể đến Cà Mau (99,02%), Bạc Liêu (99,44%), Kiên Giang (99,59%), Hậu Giang (99,87%), Cần Thơ (99,68%)... Đa số tỉnh thành trên cả nước đạt kết quả tốt nghiệp ở mức từ 97% trở lên.

Ở hệ giáo dục thường xuyên cũng có trên 30 tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp từ 90% trở lên. Đơn cử như Hải Dương 99,46%, Yên Bái 97,53%, Hà Giang 96,88%, Cao Bằng 97,35%, Bắc Ninh 97,19%, Ninh Bình 99,28%, Cà Mau 94,1%, Hải Phòng 99,12%, Bắc Giang 99,01%, Thanh Hóa 98,22%, Hưng Yên 99,9%, Hòa Bình 99,04%...

Số trường đỗ tốt nghiệp 100% trên cả nước cũng tăng vọt. Thanh Hóa có tới 110 trường và trung tâm giáo dục thường xuyên đỗ 100%. Con số này ở Hải Phòng là 55 trường và trung tâm, Đồng Tháp: 25, Bắc Giang: 24, Đồng Nai: 36, Quảng Ngãi: 30, Cao Bằng: 34.

Nới lỏng hết mức?

Thầy Đinh Quang Hảo, nguyên trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM), nhận định: “Nhìn chung những năm gần đây độ khó đề thi tốt nghiệp THPT có giảm dần. Đề thi năm nay cũng có đề khó làm đối với học sinh trung bình (môn toán chẳng hạn), có tính phân hóa học sinh, khó có điểm cao nhưng không khó để những học sinh trung bình có điểm 5. Đây là một trong những nguyên nhân tỉ lệ đậu cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tỉ lệ cao còn tùy thuộc khâu coi thi và chấm thi.

Ví dụ ở hai môn học sinh ngán nhất là lịch sử và địa lý. Môn lịch sử tại Trường THPT Phạm Thái Bường (tỉnh Trà Vinh), số bài thi dưới trung bình năm nay là 28 bài trong khi kỳ thi lịch sử gần nhất có cả trăm bài thi dưới trung bình. Thầy Trần Ngọc Minh, trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục tỉnh Trà Vinh, cho biết dù số điểm thi môn địa lý chỉ xoay vòng ở mức 5-7 điểm nhưng số bài thi trên trung bình môn này ở cả hai hệ THPT và giáo dục thường xuyên hơn 90%. Năm 2011, tỉnh này chỉ có 46% số bài thi tiếng Anh đạt trung bình trở lên, năm nay tỉ lệ này là 72%.

Tỉ lệ đậu một kỳ thi liên quan đến nhiều khâu, từ nội lực thí sinh, độ khó của đề và sự nghiêm minh hay buông lỏng của cả hai khâu coi và chấm thi. Không còn quy định chấm chéo, khâu chấm thi ở nhiều tỉnh thành kết thúc nhanh chóng hơn so với các năm trước.

Tuy không phổ biến thành chủ trương nhưng khi chấm bài cho học sinh địa phương mình, không ai bảo ai, tự nhiên giám khảo sẽ nới tay hơn so với năm trước. Đáp án và hướng dẫn chấm năm nay khá mở nên nhiều giám khảo chấm theo hướng “đãi cát tìm vàng”, tìm ý để cho điểm theo hướng có lợi cho học sinh. Một giám khảo văn tại hội đồng chấm TP.HCM cho biết: các bài thi điểm 4,5 hoặc 6,5 điểm được lưu ý kỹ xem có thể nâng thêm 0,5 điểm cho tròn điểm 5 hoặc điểm 7 (đây là mức điểm “nhạy cảm”, không chỉ để đậu mà còn là mức điểm xét tốt nghiệp khá và giỏi).

Hậu kiểm, tùy mức độ mới công bố

Những tiêu cực trong khâu chấm thi (nếu có) cũng còn chứng cứ. Tiêu cực trong phòng thi không dễ phanh phui. Sự việc ở Bắc Giang có lẽ là đỉnh điểm bức xúc tiêu cực trong khâu coi thi khi chính thí sinh chọn cách làm đầy rủi ro cho bản thân để phơi bày chuyện gian lận, dối trá bên trong phòng thi. Những tiêu cực dạng này cũng râm ran từ hàng chục năm và ở nhiều địa phương nhưng chưa có một giải pháp phòng chống hiệu quả.

Một tổ trưởng tổ chấm môn lịch sử một tỉnh ĐBSCL nói: thực tế chấm thi vẫn có hiện tượng hàng loạt bài thi giống nhau đáng ngờ. Tuy nhiên chỉ biết vậy thôi chứ không xử lý được bởi vì tiến độ chấm thi, người ta ngại ngần, không dừng lại truy xét những trường hợp này. Hoặc như nghiêm minh hơn, lập biên bản (trước đây khi chấm chéo đã từng làm) nhưng cũng chỉ để gửi cho tỉnh bạn xem cho biết chứ không xử lý được ai!

Đây là kẽ hở từ quy định của bộ, chính từ đó tính nghiêm minh có hay không tùy từng hội đồng. Và như vậy, không có sự công bằng giữa các tỉnh thành ngay từ khâu coi thi. Chính những quy định của bộ cũng ngày càng nới lỏng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một trong những điều đó là việc cho phép thi môn thay thế ở hệ THPT. Nhiều tỉnh thành có số học sinh thi môn thay thế đến 60% số thí sinh. Ngày càng nhiều tỉnh thành cho phép học sinh thi môn thay thế.

Và kết quả thi môn thay thế thường “đẹp” hơn so với những nơi kiên quyết chỉ thi môn tiếng Anh. Tỉ lệ thi tốt nghiệp năm nay sẽ chưa dừng lại ở những con số hôm nay. Với quy định mới của bộ về việc phúc khảo (tất cả thí sinh đều được yêu cầu phúc khảo bài thi không kèm điều kiện gì), tỉ lệ tốt nghiệp được dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp về việc “có hay không việc tiến hành hậu kiểm kết quả tốt nghiệp và kết quả hậu kiểm có được công bố công khai không?”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Hậu kiểm là công việc năm nào cũng làm”.

Nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết: “Tùy theo mức độ sự việc mới quyết định công bố công khai cho xã hội. Bởi công tác hậu kiểm là công việc của nội bộ ngành nhằm rút kinh nghiệm cho việc thực hiện năm sau”. Với quan điểm này, kênh giám sát xã hội khó mà biết được những bất thường của kỳ thi có được kiểm tra, xử lý nghiêm túc hay không.

"Cần nhìn thẳng vào sự thật là điều kiện, chất lượng dạy học hiện nay. Nếu quá trình dạy học còn nhiều bất ổn trong khi kết quả tốt nghiệp lại đẹp thì khó thuyết phục"

Vàng thau lẫn lộn

Nếu chạy theo thành tích thì cũng không nên quá lộ liễu. Những tỉnh có tỉ lệ thấp trước đây giờ có “làm đẹp” con số cũng chỉ nên tới ngưỡng 90%. Nhưng tỉ lệ tốt nghiệp đến 99%, gần 100% thì phi lý quá. Tình thế cả nước cùng có “số đẹp” thế này không khác nào vàng thau lẫn lộn khiến những trường, những thầy cô giáo, học sinh nỗ lực thật để có kết quả tốt thật không thể không buồn, chán nản. Cả nước chỉ có 0,12% trượt tốt nghiệp. Trong số 0,12% này có thể còn có số thí sinh không dự thi. Như vậy thật khó tin. Kết quả như thế, tổ chức một kỳ thi quốc gia tốn kém, căng thẳng không có ý nghĩa gì cả.

Nên tổ chức kỳ thi gọn nhẹ

Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quá sức tốn kém và áp lực cho cả thầy và trò dễ sinh bệnh thành tích. Học sinh quá khổ sở học ngày học đêm, khắp nơi dò bài tăng tiết, thậm chí cấm túc học sinh ở trường... Rồi huy động hàng chục ngàn giám khảo chấm thi... Chúng ta tổ chức làm gì khi kết quả cao vời vợi. Nhiều trường đậu 100%, có rớt cũng chỉ vài em. Nên tổ chức kỳ thi này gọn nhẹ bớt đi. Chẳng hạn thay vì tổ chức kỳ thi quốc gia nên tổ chức thành kỳ kiểm tra (cùng kỳ kiểm tra học kỳ 2) theo đề của sở lấy điểm xét tốt nghiệp, như vậy sẽ đánh giá chính xác và nhẹ nhàng hơn.

VĨNH HÀ - PHÚC ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên