Cả nước đậu tốt nghiệp THPT 97,63%Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đứng ở đâu?Số "đẹp" mà không vui?
Phóng to |
Một cảnh trong clip quay giờ thi môn địa tại phòng thi số 8 Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang: một thí sinh thản nhiên quay xuống chép bài của bạn. Với tỉ lệ tốt nghiệp 78,39%, đây là trường THPT có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh Bắc Giang - Ảnh tư liệu. |
Thật tình, với tư cách là người trong cuộc, tham gia trực tiếp vào guồng máy tạo nên thành tích ảo ấy, ngay từ lúc chưa thi tốt nghiệp, chúng tôi đã biết trước cái kết quả cao vời vợi ấy. |
Một điều tưởng chừng như tốt đẹp như vậy, tại sao lại khiến dư luận bất bình và khiến cho uy tín của ngành giáo dục càng ngày càng tuột dốc không phanh?
Tiêu cực ở đâu cũng có chứ đâu phải chỉ riêng trong ngành giáo dục. Nhưng nếu không do bệnh thành tích thì tiêu cực chỉ là một vài hiện tượng cá biệt, dễ phát hiện và không khó để bài trừ. Nhưng nếu có động cơ từ bệnh thành tích, tiêu cực trở nên phổ biến, tràn lan (đến nỗi chẳng mấy ai thèm bức xúc). |
Chuyện này làm chúng ta nhớ lại những đoạn phim quay cảnh trường thi mà thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã quay vào năm 2006 – điểm khởi đầu cho phong trào hai không trong giáo dục: nói không với tiêu cực và bệnh thành tích. Phong trào “Hai không” đã thật sự mang lại một luồng sinh khí mới cho ngành giáo dục, mang lại cho ngành niềm tin và sự tôn trọng của xã hội.
Tiếc thay, phong trào tốt đẹp ấy, cùng với sự khuếch trương rầm rộ, đang ngày càng sa đà vào hình thức (Bất cứ cuộc họp hành hội nghị hội thảo gì của ngành giáo dục cũng đều đề cập đến nội dung này. Giáo viên mỗi năm phải báo cáo bằng văn bản hai lần xem mình đã thực hiện phong trào “2 không với 4 nội dung” như thế nào).
Tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp của cả nước tăng dần theo các năm: năm 2007: 67,5%, năm 2008: 75,96%, năm 2009: 80%, năm 2010: 95,72%, năm 2011: 95% và năm nay thì gần như tột bậc: 97,63%.
Phóng to |
Những điểm số thi tốt nghiệp năm sau phải nhất định cao hơn năm trước chỉ làm đẹp bản báo cáo thành tích trong phút chốc. Thành tích trong bản báo cáo càng hoành tráng bao nhiêu thì thực trạng và chất lượng giáo dục càng đáng buồn bấy nhiêu.
Dạy các lớp 12 đối với đa số giáo viên chúng tôi là một việc làm mệt mỏi và nặng nề. Thái độ học tập của học sinh thì kém (không kém sao được khi thực tế đã chứng minh rõ ràng: không cần học nhiều cũng thi đậu tốt nghiệp) mà chỉ tiêu của nhà trường đặt ra là tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của toàn trường nói chung và của bộ môn nói riêng phải luôn bằng hoặc cao hơn trung bình chung của toàn tỉnh (bất kể chất lượng đầu vào của học sinh thế nào).
Sau mỗi đợt thi, tỉ lệ đậu tốt nghiệp của từng bộ môn, từng giáo viên sẽ được thống kê. Tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp nghiễm nhiên trở thành tiêu chuẩn đo năng lực của giáo viên (như thể việc chất lượng học tập chỉ phụ thuộc vào người dạy - bất chấp đối tượng được giáo dục thế nào đi chăng nữa). Do vậy thành tích, bất chấp hậu quả, phải đạt được bằng mọi giá!
Không phải chỉ đến thi thi tốt nghiệp bệnh thành tích mới phát tác mà âm ỉ trong các nhà trường từ đầu đến cuối năm học, từ năm này qua năm khác. Bài kiểm tra nếu không quá 50% học sinh đạt điểm trung bình thì giáo viên phải tiến hành kiểm tra lại (cho đến khi nào đạt được tỉ lệ ấy thì thôi). Đối với giáo viên, nếu không quá 80% học sinh mình dạy trên điểm trung bình thì không được xét hoàn thành nhiệm, không quá 90% học sinh trên điểm trung bình thì đừng nghĩ đến các danh hiệu thi đua đã phấn đấu cật lực trong cả năm học qua.
Bệnh thành tích đã trở thành một hiệu ứng đôminô, kéo theo tất cả những ai nằm trong bộ máy!
Thi cử là để sàng lọc. Nếu một kỳ thi tiêu tốn đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm mà cả người giỏi lẫn người chưa giỏi, người chăm chỉ lẫn người lười biếng, người nghiêm túc cũng như người dựa dẫm đều qua được một cách mỹ mãn ngang nhau thì hiệu quả sàng lọc liệu có còn? Và có nên tiếp tục?
"Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội" - câu 2 của đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay - đáng để tất cả mọi người, không riêng gì thí sinh, suy ngẫm.
Với kiểu chạy theo thành tích bằng mọi giá như hiện nay, thói dối trá là một biểu hiện hay (buồn thay) đang là một hậu quả (tất yếu)?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận