Ông Phạm Thanh (giữa) gặp hai học sinh ông nhận nuôi sau chương trình trao học bổng - Ảnh: TẤN LỰC
Hơn 175 suất học bổng Tiếp sức đến trường đã đến kịp thời, lúc các bạn đang cần nhất, cùng với đó là vòng tay được nối dài đưa các bạn qua khúc sông khó của cuộc đời.
“Dù có khó đến mấy tôi cũng quyết chạy vạy cho cháu đi học và đó là mong muốn lớn nhất đời tôi. Có cái chữ sau ni đời cháu nó bớt cực.
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG
Nỗ lực hết sức
Hội trường Thành đoàn Đà Nẵng như lặng đi khi lắng nghe câu chuyện của 2 trong số 175 học sinh, sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường khu vực miền Trung.
Câu chuyện của cô trò học giỏi Nguyễn Hữu Kim Trinh - lớp 12/13 Trường THPT Ông Ích Khiêm, TP Đà Nẵng - khiến không ít người rơi nước mắt. Mồ côi cha sau năm 3 tuổi, không lâu sau mẹ Trinh qua đời vì đột quỵ. Trinh được ông bà ngoại nhận về nuôi dưỡng, còn chị gái theo bà nội ở xứ người. Chiếc máy xay lúa của người cậu là cần câu cơm duy nhất của cả gia đình.
Thương ông bà vất vả, hằng ngày ngoài giờ học, cô cháu gái lại sang phụ việc với ông bà ở máy xay xát. Những ngày cuối tuần, em còn xin cậu phụ làm mì, phụ bán cà phê, ai kêu gì làm đó... Ấy vậy mà nhiều năm liền Trinh là học sinh giỏi, tham gia và đoạt giải cao ở nhiều cuộc thi học sinh giỏi cấp trường và TP.
Nhưng nỗi đau lại vừa ghé đến. Giữa những ngày dịch bệnh vừa qua, khi cả nhà đang điêu đứng vì máy xay ngừng hoạt động, ông ngoại của Trinh cũng đột ngột qua đời. Trinh mất đi một điểm tựa. Nhà lại bớt đi một người lo toan. Nỗi lo cho đứa cháu ăn học lại dồn lên đôi vai gầy của bà ngoại.
Bà Nguyễn Thị Hồng (68 tuổi, bà ngoại của Trinh) khi được hỏi đến khó khăn của mình đã cho biết khó nhất là sau dịch tả heo châu Phi, rồi đến dịch COVID-19, việc xay gạo, xát cám vốn có ngày đôi ba chục ngàn trang trải nay mất đi phân nửa. Có hôm chẳng có lấy nổi một nghìn đồng. Chồng vừa qua đời, phải nuôi cháu gái cùng người con trai bị khuyết tật nhưng nhắc đến Kim Trinh, đôi mắt bà Hồng rạng rỡ.
Còn với Trinh, dù cuộc sống có chật vật, cô gái vẫn vạch ra những dự tính cho tương lai của mình phía trước. "Em sẽ thi vào trường ĐH Y dược rồi sẽ kiếm việc làm thêm, vay thêm tiền tự lo cho mình để bà ngoại đỡ vất vả" - cô gái nhẩm tính.
Câu chuyện của Phạm Thị Hoa, quê Quảng Nam, cũng khiến nhiều người khâm phục. Tai nạn nổ bom đau lòng 13 năm trước đã cướp đi của Hoa cả cha mẹ và em trai trong một lần mưu sinh bằng nghề rà phế liệu.
Hoa và chị gái phải chia nhau đôi ngã, tự đi tìm nguồn sống cho mình. Suốt những tháng ngày một mình trong trại trẻ mồ côi, một mình nỗ lực, cố gắng, đến năm 2018 Hoa thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Một mình cô phải tự làm cùng lúc 3 công việc làm thêm mỗi ngày. Từ làm gia sư dạy kèm, bán hàng đến phục vụ quán ăn.
"Thời điểm dịch bệnh, các công việc đều phải nghỉ hết. Em xin được công việc phụ giữ xe thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Em lo lắm, sau dịch đi xin việc cũng khó hơn rất nhiều. Tiền ăn, ở và học phí chẳng lúc nào em thôi suy nghĩ" - Hoa trải lòng.
Bất ngờ tiếp sức 24 hồ sơ phút chót
Miền Trung cùng 3 vùng miền khác trong cả nước mà chương trình Tiếp sức đến trường đi qua đã dành khoảng 2,2 tỉ đồng hỗ trợ những suất học bổng kịp thời đến với học sinh, sinh viên trong kỳ học mới sau dịch.
Số tiền được trích từ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" với sự chung tay góp sức của bạn đọc báo Tuổi Trẻ khắp mọi nơi. Tại mảnh đất vốn còn nhiều khó khăn này, cuộc tiếp sức bất ngờ của một bạn đọc đã "giải cứu" 24 hồ sơ các bạn có hoàn cảnh rất khó khăn mà không còn đủ suất. Nghĩa cử đó đến từ ông Phạm Thanh, một bạn đọc ở TP Đà Nẵng.
Ông Thanh chia sẻ ông biết được tin hồ sơ học bổng các em miền Trung gửi về báo Tuổi Trẻ rất nhiều trong khi số suất trao có hạn, chỉ hơn 150 suất.
"Dịch COVID-19 khiến học sinh, sinh viên cả nước rơi vào khó khăn, ba mẹ các em mất việc, những em mồ côi phải tính chuyện nghỉ học vì không lo được cho mình... Các em cần mình chìa cánh tay ra lúc này. Tất cả đều có hoàn cảnh đáng thương nên tôi quyết định liên lạc đến quý báo để "vớt" những hồ sơ mà những người xét chọn còn trăn trở" - ông Thanh nói.
Vậy là 24 suất học bổng nữa với tổng trị giá 55,5 triệu đồng được trao từ sự hỗ trợ của ông Thanh, nâng tổng số suất học bổng ở miền Trung lên 175 suất.
Tại lễ trao học bổng, xúc động trước hoàn cảnh và nghị lực của các bạn học sinh, sinh viên, ông Phạm Thanh đã nhận tài trợ cho hai em Hoa, Trinh và 2 học sinh mồ côi khác học hết ĐH. Ông Thanh cũng nhận một em học sinh lớp 7 mồ côi cha mẹ làm con nuôi và hứa cho em ăn học để sau này có công việc đàng hoàng.
Ông Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nói rằng những sự chung tay đóng góp của bạn đọc là vô cùng quý báu. Chính các nhà hảo tâm đã cùng báo Tuổi Trẻ chung tay góp sức để có những suất học bổng ý nghĩa như hôm nay. Ông Trung chia sẻ báo Tuổi Trẻ sẵn sàng vừa làm báo, vừa làm cầu nối để các bạn học sinh, sinh viên thực hiện ước mơ của mình, mà trước hết là tiếp tục con đường học.
"Trong bất kỳ khó khăn nào, chúng tôi cùng với các nhà hảo tâm, với cộng đồng xã hội sẵn sàng chia sẻ với các bạn. Những suất học bổng này không chỉ là nguồn động viên giữa lúc khó khăn, chúng tôi còn muốn cảm ơn vì các bạn đã có ý chí, nghị lực; chúng tôi mong muốn gửi đi thông điệp về ý chí vượt lên khó khăn trong cuộc sống" - ông Lê Xuân Trung nói.
Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” khu vực miền Trung do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức. Mỗi suất học bổng trị giá 3 triệu đồng cho sinh viên và 1,5 triệu đồng cho học sinh THCS, THPT gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Sau điểm trao ở Cần Thơ, TP.HCM và Đà Nẵng, học bổng “Tiếp sức đến trường” sẽ trao 200 suất học bổng cho học sinh, sinh viên miền Bắc tại Hà Nội vào ngày 7-6 với tổng kinh phí hơn 2,2 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận