07/12/2017 16:33 GMT+7

Nỗi buồn ngọt ngào trong Nam và Sylvie

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Có nhiều khi chỉ vì hiếu kỳ muốn biết chuyện tình của một người mình quan tâm, nên người đọc vô tình bị các trang sách cuốn hút, như Nam và Sylvie.

Nỗi buồn ngọt ngào trong Nam và Sylvie - Ảnh 1.

Bản dịch của Nguyễn Duy Bình - Ảnh: L.Điền

Nam và Sylvie - câu chuyện tình thời du học Pháp của Phạm Duy Khiêm - hẳn là một trường hợp như vậy với không ít người.

Chúng ta sẽ rất khó kể lại với nhau về một tác phẩm được gọi là tiểu thuyết tự truyện, nhưng từng trang viết của tác phẩm ấy lại như một ám ảnh day dứt mãi không thôi. 

Có lẽ đã rất lâu rồi, người ta không mấy khi bắt gặp cách lược trích những bức thư tình và chép lại các trang nhật ký thời đang yêu để... hình thành tiểu thuyết. 

Một chàng trai An Nam du học ở Pháp và gặp một cô gái Pháp tại kinh đô ánh sáng. Họ yêu nhau say đắm, họ đến với nhau tự nhiên và dốc hết lòng cho nhau trong những tháng ngày sinh viên, mặc cho viễn cảnh chia ly một khi chàng trai học xong và về nước là điều cả hai đều hình dung được.

Chuyện tình của đôi trai gái này được cấu tứ thành tiểu thuyết, với độ lùi thời gian hơn hai mươi năm sau và thủ pháp là tác giả - nhân vật nam trong truyện - tỉ mẩn lật giở lại kỷ niệm xưa, để một lần nữa nhìn lại "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" của chính mình và người yêu nay đã xa vời.

Một câu chuyện tình đầy nội tâm, nhưng được khéo léo chuyển tải đằng sau những trang tài liệu; lại cũng đầy éo le trắc trở do "khi yêu thân này kể bỏ", đặc biệt là những khác biệt về quan niệm giữa hai người, câu chuyện gia đình giữa hai bên và nhất là những áp lực quá nặng đối với Nam - nhân vật đã để cho niềm lãng mạn thăng hoa nhiều khi vượt qua cả sự cứng rắn cần có...

Câu chuyện tình buồn, nhưng ngôn từ thật đẹp và tác giả cũng dụng công thật khéo để văn phong của chính người trong cuộc dẫn dắt bạn đọc theo từng "phân đoạn" yêu đương: cùng thổn thức rộn ràng hay đắm đuối mê ly, cùng tan chảy nồng nàn với hạnh phúc và rã rời chán ngán khi đối diện với nghịch cảnh đau buồn...

Phạm Duy Khiêm là người Việt đầu tiên tốt nghiệp tú tài văn chương Pháp và cũng là người Việt đầu tiên thi đậu Trường cao đẳng Sư phạm phố Ulm vào năm 1931.

Nhưng cuộc đời ông là một chuỗi buồn và cô đơn trong tình cảm, thất vọng vì bất như ý khi muốn đóng một vai trò chính trị cho nước mình, dù ông từng làm đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Paris.

Phạm Duy Khiêm lâm vào tuyệt vọng và tự sát vào ngày 30-11-1974.

Nhà xã hội học Alain Guillemin trong bài bạt cho tiểu thuyết Nam và Sylvie xuất bản năm 2017 này có nêu một chi tiết:

"Phạm Duy Khiêm không lập gia đình, hẳn là không bao giờ có thể gượng dậy sau cuộc tình dang dở ấy".

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên