13/10/2012 07:45 GMT+7

Nobel hòa bình cho EU

SƠN HÀ - MỸ LOAN
SƠN HÀ - MỸ LOAN

TT - Ủy ban Nobel ngày 12-10 đã gây cú sốc lớn khi trao giải Nobel hòa bình cho Liên minh châu Âu (EU) ngay vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ đang tàn phá châu lục này.

Liên minh châu Âu đoạt giải Nobel Hòa bìnhPhản ứng trái chiều về giải Nobel hòa bình 2012

MaumozxX.jpgPhóng to
Một bé trai cầm cờ Liên minh châu Âu (EU), tổ chức vừa được trao giải Nobel hòa bình ngày 12-10-2012 - Ảnh: montrealgazette.com

Trang web Nobelprize.org dẫn lời chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland khẳng định EU đã biến châu Âu từ một châu lục chiến tranh triền miên trở thành một khối thống nhất và hòa bình. “EU và các tổ chức tiền thân đã đóng góp cho hòa bình, hòa giải, dân chủ và nhân quyền suốt 60 năm qua” - ông Jagland mô tả.

Ông Jagland thừa nhận EU hiện đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng và bạo động xã hội. “Tuy nhiên, Ủy ban Nobel Na Uy muốn đề cao thành quả quan trọng nhất của EU, đó là cuộc đấu tranh thành công cho hòa bình, hòa giải”. Ủy ban Nobel cho rằng EU đã đem lại hòa bình cho châu Âu bằng việc biến hai nước cựu thù thời Thế chiến II là Đức và Pháp thành các đối tác thân cận. Tiếp theo, EU đã mở rộng vòng tay với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp sau khi chế độ độc tài ở các quốc gia này sụp đổ.

“Vẫn là thứ đáng giá”

"EU là dự án đặc biệt đã thay thế chiến tranh bằng hòa bình, hận thù bằng sự thống nhất"

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz

“Trong vòng 70 năm, đã xảy ra ba cuộc chiến tranh giữa Đức và Pháp. Ngày nay, một cuộc chiến giữa hai nước là chuyện không thể tưởng tượng nổi. Điều đó cho thấy qua những nỗ lực đúng đắn, bằng những biện pháp xây dựng lòng tin, các kẻ thù quá khứ đã có thể trở thành đối tác thân cận” - ông Jagland giải thích lý do vì sao Ủy ban Nobel chọn EU.

Theo Ủy ban Nobel, dự án EU đã đưa 27 quốc gia từng ở hai phía (chia rẽ châu Âu từ năm 1945 đến cuối chiến tranh lạnh) trở thành một khối thống nhất bất chấp những khác biệt sâu sắc về kinh tế, văn hóa và xã hội... EU hiện là thị trường chung lớn nhất thế giới. Sau những nỗ lực hội nhập mạnh mẽ, 17 trên tổng số 27 nước EU hiện sử dụng đồng tiền chung euro.

Giới quan sát nhận định với việc chọn EU, Ủy ban Nobel đã thể hiện quyết tâm sửa chữa thiếu sót trong quá khứ. Sau Mohandas Gandhi, người qua đời mà chưa được nhận giải Nobel hòa bình, EU là thiếu sót lớn nhất trong danh sách các cá nhân và tổ chức từng được Ủy ban Nobel Na Uy vinh danh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã lên tiếng ca ngợi sự lựa chọn của Ủy ban Nobel Na Uy khi nhấn mạnh: “Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng EU đã đưa các quốc gia bị tàn phá sau Thế chiến II thành một khối vì hòa bình. Giải thưởng là thông điệp khẳng định EU vẫn là thứ rất đáng giá, đáng để chúng ta trân trọng”.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng mô tả EU là “dự án đặc biệt đã thay thế chiến tranh bằng hòa bình, hận thù bằng sự thống nhất”. Cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl cho rằng giải Nobel hòa bình là lời khuyến khích toàn châu Âu tiếp tục con đường đã chọn bất chấp những khó khăn, thách thức trước mắt. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng đánh giá EU đã đóng vai trò quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương lịch sử và thúc đẩy hòa bình toàn châu lục.

Thời điểm “kỳ cục”

Tuy nhiên, sự lựa chọn của Ủy ban Nobel Na Uy đã vấp phải sự phản ứng của nhiều quan chức, chuyên gia, giới truyền thông và cả người dân châu Âu. Bởi, EU hiện bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là miền nam chìm trong nợ nần và một bên là miền bắc giàu có do Đức lãnh đạo. Khủng hoảng nợ đẩy tỉ lệ thất nghiệp ở EU lên mức kỷ lục, biểu tình, bạo động liên tục bùng nổ ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Ý...

Chuyên gia châu Âu Matthew Price của BBC đánh giá các thành tựu của EU là rất rõ ràng, nhưng Ủy ban Nobel lại đã chọn một thời điểm “kỳ cục” để tôn vinh EU. “Khủng hoảng nợ khối đồng euro đã khiến EU bị chia rẽ và mong manh hơn bao giờ hết” - ông Price nhấn mạnh.

Thành viên Nghị viện châu Âu Martin Callanan cũng giễu cợt Ủy ban Nobel là đã “quá muộn khi chơi trò cá tháng tư” này. “20 năm trước giải thưởng này là hợp lý. Nhưng hôm nay nó hoàn toàn xa rời hiện thực - ông Callanan chỉ trích - Phải chăng đây là giải thưởng cho bầu không khí hòa bình, hòa hợp trên đường phố Athens và Madrid? Các chính sách của EU đã làm khủng hoảng nợ thêm trầm trọng và gây bạo động xã hội chưa từng có”.

Báo Washington Post dẫn lời nghị sĩ Hà Lan Geert Wilders chỉ trích còn nặng nề hơn: “Giải Nobel cho EU trong thời điểm Brussels và cả châu Âu đang sụp đổ. Tiếp theo sẽ là gì nữa? Một giải Oscar cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy ư?”.

Trên trang mạng xã hội Twitter, hàng chục ngàn người đã chỉ trích Ủy ban Nobel khi trao giải Nobel hòa bình cho EU trong thời điểm khủng hoảng nợ trầm trọng và quên nhiều người xứng đáng khác.

SƠN HÀ - MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên