12/10/2012 16:38 GMT+7

Liên minh châu Âu đoạt giải Nobel Hòa bình

TẤN KHOA (Theo Nobel.org, Reuters)
TẤN KHOA (Theo Nobel.org, Reuters)

TTO - Trong thông báo phát đi từ Oslo (Na Uy) ngày 12-10, Ủy ban Nobel quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Liên minh châu Âu (EU).

Tác giả Báu vật của đời đoạt giải Nobel văn họcNobel hóa học 2012 vinh danh hai nhà khoa học Mỹ

BPoKrWh0.jpgPhóng to

Cờ của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu trước trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) - Ảnh: Reuters

Giải Nobel Hòa bình 2012 được trao cho EU vì “hơn sáu thập kỷ đóng góp cho sự tiến bộ vì hòa bình, hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu”.

Được thành lập sau Hiệp ước Rome năm 1957 với ban đầu gồm sáu quốc gia, đến nay EU có 27 thành viên gồm cả một số quốc gia Đông Âu.

Việc trao giải này gây ngạc nhiên với nhiều người trong tình cảnh khủng hoảng hiện tại của EU. Bản thân Na Uy không phải là thành viên của EU.

Trước khi giải thưởng được công bố, chủ tịch ủy ban tuyển chọn Thorbjoern Jagland chia sẻ với báo Aftenposten (Na Uy): “Đây là một quyết định có sự nhất trí cao, quá trình đưa ra quyết định không phức tạp. Chúng tôi cho rằng sẽ có một số tranh cãi quyết định trao giải năm nay”.

Thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel Na Uy nhắc tới ba cuộc chiến tranh giữa Đức và Pháp trong quá khứ: “Ngày nay, chiến tranh giữa hai nước này là chuyện không tưởng. Điều đó cho thấy rằng thông qua những nỗ lực có định hướng rõ ràng và việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, những kẻ thù trong lịch sử có thể trở thành đối tác thân cận.

Khi Hi Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gia nhập EU những năm 1980 thì xây dựng dân chủ là một điều kiện để được gia nhập. Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ khiến một số quốc gia ở Trung và Đông Âu có thể gia nhập EU, từ đó mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử châu Âu. Sự phân chia giữa Đông và Tây đã chấm dứt, nền dân chủ được tăng cường, các xung đột sắc tộc nội bộ được giải quyết”.

Theo Ủy ban Nobel, việc Croatia sẽ gia nhập EU vào năm sau, đàm phán gia nhập EU của Montenegro khởi động và EU trao quy chế ứng cử viên cho Serbia đều tăng cường tiến trình hòa giải ở vùng Balkans.

Trong bối cảnh EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng nghiêm trọng dẫn đến nhiều bất ổn xã hội, Ủy ban Nobel muốn tập trung vào kết quả quan trọng nhất mà EU đạt được: cuộc đấu tranh thành công vì hòa bình và hòa giải, vì dân chủ và nhân quyền. Vai trò ổn định của EU đã giúp chuyển hóa phần lớn Âu lục từ một lục địa chiến tranh thành lục địa hòa bình.

Thông cáo của Ủy ban Nobel kết luận: vai trò của EU biểu thị cho “tình anh em giữa các quốc gia”, giống như một hình thức của “các quốc hội hòa bình” là điều mà Alfred Nobel nói tới trong di chúc năm 1895 về tiêu chuẩn trao giải.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu hoan nghênh quyết định của Ủy ban Nobel tại Na Uy. “Chúng tôi vô cùng cảm kích và vinh dự vì EU được trao giải Nobel Hòa bình. Hòa giải là mục tiêu và nguồn cảm hứng của EU. EU là một dự án duy nhất đã thay thế chiến tranh bằng hòa bình, sự căm hận bằng tình đoàn kết” - Chủ tịch Martin Schulz chia sẻ.

Năm 2012, Ủy ban Nobel ở Oslo nhận được 231 đề cử, trong đó có 43 tổ chức.

TẤN KHOA (Theo Nobel.org, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên