1. Nước Việt Nam ta có hai con sông đã một thời đằng đẵng ngăn cách đôi bờ chiến tuyến, cắt chia lòng người là sông Gianh ở Quảng Bình và sông Bến Hải ở Quảng Trị.
Sông Gianh chia cắt Đàng ngoài của Chúa Trịnh với Đàng trong của Chúa Nguyễn. Hơn 150 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước can qua, dân đen sống thời loạn lạc xương chất thành núi, máu chảy thành sông.
Lòng người phân ly, tiếng kêu ai oán vọng đến trời xanh: "Lũy Thầy ai đắp mà cao/ Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu".
Sông Bến Hải bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, đổ ra biển ở Cửa Tùng. Nói đến sông Bến Hải là nói đến cầu Hiền Lương, đến vĩ tuyến 17, những địa danh gánh định mệnh 21 năm chia cắt hai miền Bắc - Nam.
Kẻ Bắc, người Nam lúc nào cũng khắc khoải nỗi đau chia cắt, đau đáu khát vọng sum họp. Chỉ đến ngày 30-4-1975 chiến tranh mới kết thúc, đất nước thực sự sống trong hòa bình, thống nhất.
2. Chiến tranh kết thúc, "Bà mẹ Việt Nam" gánh nặng hai đầu đất nước Bắc - Nam với cái dáng lưng còng lam lũ miền Trung mang trên mình đầy thương tích: 15 triệu tấn bom đạn trút xuống đất mẹ cả những chỗ màu mỡ cả những nơi cằn khô, gấp bốn lần bom đạn trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Hàng triệu người bị ảnh hưởng chất độc da cam, bị chết hoặc thương tật vì bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh... Toàn là những con số biết nói, nói lời đau đớn xót xa.
Sau chiến tranh, đi từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ. Sau chiến tranh, có bao nhiêu đàn ông, trai tráng ra trận không về, thì cũng bằng ấy người đàn bà, con gái thừa ra, sống cuộc đời góa bụa, hoặc ế chồng cô quạnh đến tận lúc về già...
Ở phía bên kia hậu quả chiến tranh, nếu không bằng bên này thì cũng một chín một mười. Chỉ tính riêng nước Mỹ, nhiều người đi qua chiến tranh Việt Nam nhưng không thoát khỏi chiến tranh: Bức tường đá đen ở thủ đô Washington khắc họ tên 58.000 binh lính tử trận tại Việt Nam.
"Chính phủ Mỹ đã chính thức thừa nhận rằng 15% cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam trở về, nghĩa là khoảng 50.000 người vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng, mà nguyên nhân của căn bệnh đó là họ đã tham chiến ở Việt Nam"...
3. Với kẻ thù, Nguyễn Trãi chủ trương "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo"; mang nặng tinh thần nhân đạo, kiên quyết nguyên tắc vẹn nguyên lãnh thổ nhưng cũng mềm mỏng: "chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh".
Còn Lê Lợi: "... chi bằng tha mạng sống cho vạn người". Cho nên mới có Hội thề Đông Quan, rồi Lê Lợi cấp hàng ngàn con ngựa, 500 chiến thuyền cho Vương Thông cùng 10 vạn quân Minh về nước, "để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau". Người xưa đã vậy, bây giờ cũng như thế, phải thế.
Năm tháng qua đi, thời gian cũng sẽ làm liền sẹo mọi vết thương, lòng người cũng nguôi ngoai. Không biết sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước thì phải mất bao lâu hai bờ sông Gianh mới cởi bỏ hết oán thù?
Chỉ biết bây giờ không thấy người họ Nguyễn và người họ Trịnh thù hận nhau nữa, thậm chí còn thông gia với nhau từ lâu rồi. Sông Bến Hải đã không còn giới tuyến cắt chia, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Đất Mẹ Việt Nam đã thống nhất liền một dải thì cũng đến lúc các con của Mẹ phải sum vầy, đoàn tụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận