Gặp chị H. vẻ mặt vô cùng mệt mỏi, gợi hỏi mãi chị mới nói một hai câu. Thay vào đó là những giọt nước mắt cứ lặng lẽ lăn ướt gối. Vợ chồng chị vẫn khẳng định trước sau như một là chị H. mang song thai và muốn làm rõ còn một bé trai nữa hiện đang ở nơi đâu. Cháu còn sống hay đã mất? Có thể chia sẻ với anh chị H. khi luôn tin và hi vọng vẫn còn một đứa con đang ở đâu đó. Chính bác sĩ đã gieo niềm tin nhưng cũng chính họ lại “đánh cắp” niềm tin của vợ chồng chị H. khi mổ lấy ra chỉ có một bé gái. Vợ chồng chị H. không tin sự thật này và khó ai có thể thuyết phục, thay đổi được niềm tin đó.
Chuyện chị H. mang song thai hay một thai hãy để hội đồng khoa học xem xét, kết luận. Cần thiết, cơ quan công an sẽ vào cuộc làm rõ sự thật. Thế nhưng khi nghe tin siêu âm song thai, sinh ra có một, ai cũng đau đáu câu hỏi: Điều gì đã xảy ra?
Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh nhiều vụ chẩn đoán sai, thờ ơ, không cấp cứu kịp thời, dẫn đến những cái chết oan uổng cho người bệnh. Rồi hàng chục sản phụ và thai nhi đã tử vong ở nhiều địa phương. Trong đó có những cái chết vì sự tắc trách của một số y, bác sĩ. Có những cái chết đẩy bức xúc của người nhà bệnh nhân lên đến đỉnh điểm và họ đã manh động. Nhiều bác sĩ đã bị kỷ luật, bị sa thải, thậm chí vướng vào vòng lao lý... Thế nhưng những bài học cay đắng này dường như chưa đủ sức thức tỉnh một bộ phận y, bác sĩ vẫn còn xem nhẹ y đức, còn coi nghề y chỉ là để mưu sinh.
Qua vụ việc của chị H. một lần nữa cho thấy dù bác sĩ có thể không gây hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng con người, nhưng lại lấy đi niềm tin của người bệnh vào thầy thuốc. Được tiếp cận với hồ sơ bệnh án, phiếu siêu âm thai, sổ khám thai của chị H., dù là người không có chuyên môn nhưng đã thấy ngay sự “lười biếng”, cẩu thả của bác sĩ. Có trang không ghi ngày, tháng khám thai. Có trang không ghi chỉ số huyết áp của thai phụ. Có trang không ghi chiều cao tử cung. Tuy chẩn đoán song thai nhưng phần tim thai chỉ ghi có một tim thai. Trong khi các thông số này vô cùng quan trọng để theo dõi sức khỏe của thai phụ và đặc biệt là sức khỏe của một con người sắp sửa bước chân vào cuộc đời này...
Lâu nay, khi có chuyện xảy ra cho người bệnh, không ít bác sĩ, bệnh viện thường lấy lý do quá tải, trình độ chuyên môn hạn chế, máy móc lạc hậu, áp lực công việc... để biện minh cho những sai sót hoặc khám và chẩn đoán bệnh cẩu thả. Có những sai sót bị phát hiện, vụ việc được làm rõ để trả lại sự công bằng cho người bệnh. Nhưng cũng có những sai sót, cẩu thả không được biết đến. Với những người này, không như chị H., họ không biết mình là nạn nhân, cũng chẳng biết đã bị oan khi trị bệnh nhưng không hết bệnh, tốn tiền nhưng tật vẫn mang. Có những ca không chẩn đoán đúng, bệnh nhẹ hóa ra nặng, khi đó lòng tin của người bệnh vào bác sĩ cũng không còn. Làm sao để người bệnh tin vào thầy thuốc, làm sao để niềm tin không bị “đánh cắp”, trách nhiệm đó không chỉ thuộc về các y, bác sĩ mà cả ngành y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận